Nỗi lòng người xa quê về Tết, địa phương đừng phòng dịch cực đoan

Thứ ba, ngày 18 tháng 1 năm 2022 | 12:31

Một số lãnh đạo địa phương có tư tưởng không muốn người dân về quê ăn Tết, đã đưa ra các quy định có tính chất gây khó. Những hành vi chống dịch cực đoan cần chấn chỉnh kịp thời.

Nỗi lòng người xa quê

Chị Vân Thanh (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) than thở: “Quê tôi ở Kim Động (Hưng Yên) yêu cầu cách ly 7 ngày tại nhà đối với người về từ vùng cam và đỏ. Tôi thấy quy định trên gây khó khăn, bức xúc cho những người dân sống xa quê. Đi làm ăn quanh năm, có mỗi dịp Tết để về sum vầy bên gia đình thì chính quyền yêu cầu cách ly”.

Theo chị Thanh, nếu quy định của tỉnh, huyện đúng với chủ trương của Chính phủ, những người xa quê thực hiện ngay, đây lại đẻ ra “giấy phép con”.

“Tôi nghĩ quy định nào thì cũng phải hợp tình, hợp lý. Bản thân chúng tôi khi về với gia đình đã tự ý thức để bảo vệ người thân. Đâu phải chúng tôi về để lây lan dịch bệnh như suy nghĩ của nhiều người là "người Hà Nội về quê là mang bệnh về..."", chị Thanh chia sẻ.

Nỗi lòng người xa quê về Tết, địa phương đừng phòng dịch cực đoan
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc, rất nhiều người con xa quê mong muốn được về gặp gỡ ông bà, cha mẹ, được sống những khoảnh khắc ngắn ngủi với nơi chôn rau, cắt rốn.

Đó là mong mỏi, là tình cảm của con người Việt Nam đối với ngôi nhà của mình. Với nhiều người, chỉ có quê hương nơi có cha, có mẹ mới là nhà.

Bởi vậy, chỉ có những người có quê hương, có cha mẹ già đang ngày đêm mong ngóng mới hiểu hết được nỗi lòng của những người xa xứ, của những đứa con xa quê mong ngày Tết để được sum vầy.

Chống dịch không nên cực đoan

Theo luật sư Đặng Văn Cường, các quy định về phòng chống dịch bệnh ở địa phương phải phù hợp với Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, phù hợp với văn bản của Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, tăng cường công tác phòng ngừa, nhưng không hạn chế tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân. 

Tuy nhiên, hiện nay một số lãnh đạo địa phương có tư tưởng không muốn cho người dân về quê ăn Tết, đã đưa ra các quy định có tính chất ràng buộc, rào cản, gây khó và có những thông báo mang tính chất khuyến cáo, động viên người dân không về quê...

“Đây là những quy định có tính chất cực đoan, những suy nghĩ có phần ích kỷ, thiếu nhân văn”, lời luật sư Đặng Văn Cường.

Vẫn theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh, trên tinh thần phòng chống dịch bệnh theo Nghị quyết của Chính phủ, các quyết định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, các địa phương cần rà soát lại các văn bản pháp quy, văn bản dưới luật.

Đồng thời cần xem xét lại các quy định về phòng chống dịch bệnh có tính chất nội bộ đặc thù địa phương để vừa đảm bảo hiệu quả vừa cho người dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, lành mạnh.

Những khuyến cáo về việc người dân không nên về quê ăn Tết cần phải bãi bỏ, đính chính để thể hiện tính nhân văn, để Tết là dịp người dân sum vầy, đầm ấm, đồng thời đảm bảo các yêu cầu nhất quán, thống nhất về phòng chống dịch bệnh.

Nếu địa phương nào áp dụng những biện pháp cực đoan hơn như khóa cổng, khóa cửa, dán thông báo vào cổng cửa nhà có người về quê ăn Tết thì đó là hành vi rất đáng trách.

Trường hợp khóa cổng, khóa cửa mà xảy ra hỏa hoạn, người phía trong không kịp thoát, dẫn đến thiệt mạng thì người khóa cổng, khóa cửa sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người hoặc các tội phạm về chức vụ có liên quan.

Luật sư cho rằng, phòng chống dịch bệnh là cần thiết, nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật, các giải pháp phòng chống dịch bệnh phải khoa học, thể hiện sự nhân văn, có văn hóa, hạn chế tối đa những tác động ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, hạn chế việc xâm phạm đến quyền cơ bản của công dân.

Những hành vi chống dịch cực đoan ở một số địa phương hiện nay, vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, vi phạm Nghị quyết 128 của Chính phủ cần phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời, nếu có sai phạm, phải xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Nguồn Vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/noi-long-nguoi-xa-que-ve-tet-dia-phuong-dung-phong-dich-cuc-doan-809659.html