Ô tô Trung Quốc nhập khẩu tăng cao kỷ lục

Thứ năm, ngày 17 tháng 10 năm 2024 | 13:3

Lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao chưa từng thấy trong khi hàng loạt nhà sản xuất của nước láng giềng ồ ạt đổ bộ thị trường Việt Nam.

 

lnh05187.jpg
Lynk&Co 06 ra mắt hồi tháng 6-2024, cạnh tranh trực tiếp với KIA Seltos, Hyundai Creta hay Mitsubishi Xforce. Ảnh: Hoàng Linh

Theo Tổng cục Hải quan, tháng vừa qua ghi nhận thêm 2.348 xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, nâng tổng số 9 tháng năm 2024 lên mức 21.948 xe. Giá trị tương ứng 73 triệu USD trong tháng 9 và 653,4 triệu USD trong 9 tháng.

Đây là mức tăng mạnh so với lượng nhập khẩu trong cùng kỳ năm ngoái. Tháng 9-2023, chỉ có 741 ô tô nhập từ Trung Quốc về nước, 9 tháng cùng năm đạt 7.712 chiếc. Tương ứng, giá trị cũng chỉ đạt khoảng 25 triệu USD và 297 triệu USD.

Mức tăng kỷ lục cũng được ghi nhận ở nhóm linh kiện, phụ tùng ô tô từ Trung Quốc. Tháng 9-2024, giá trị nhập khẩu mặt hàng nhóm này từ Trung Quốc đạt 132,9 triệu USD, tương ứng 9 tháng đạt 932,2 triệu USD. Đây là những con số cao hơn nhiều so với mức tương ứng 78,8 triệu USD và 666,6 triệu USD ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế việc lượng xe nhập khẩu Trung Quốc về nước tăng mạnh trong năm 2024 là diễn biến có thể dự đoán trước, trong bối cảnh số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc “chào sân” thị trường Việt Nam tăng lên nhanh chóng.

lnh04600.jpg
OMODA C5 trưng bày tại "đại bản doanh" Geleximco (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Linh

Năm 2023, khi “làn sóng Trung Quốc” thứ hai trong lĩnh vực ô tô bắt đầu, người tiêu dùng trong nước đón sản phẩm từ SAIC (MG), Wuling, GWM (sở hữu GWM, Haval). Giai đoạn này, Chery - sở hữu OMODA và JAECOO - đã khởi động các nỗ lực để đưa xe ra thị trường.

Năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt “ông lớn" Trung Quốc đến với Việt Nam, từ BYD, Geely (sở hữu Zeekr, Lynk&Co, Geely, Volvo), GAC (sở hữu GAC, AION)… Trong số này, Zeekr là cái tên mới nhất trình làng. Dù xa lạ với phần lớn khách Việt vì là thương hiệu mới thành lập năm 2021, hãng xe này có điểm tương đồng với Lynk&Co khi hướng đến phân khúc xe cao cấp, với trọng tâm là xe thuần điện có giá bán cạnh tranh.

Ngoài các kênh “chính hãng” nói trên, xe Trung Quốc còn về Việt Nam theo đường đại lý khá nhiều, tập trung ở các thương hiệu BAIC, Haima, Hongqi…

Thời gian tới, lượng xe và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đều đặn ở mức cao. Thực tế, nhiều hãng bên cạnh việc xây dựng chuỗi phân phối cũng đã thúc đẩy các nỗ lực tạo dựng nguồn cung tại chỗ. Cuối tháng 9, Tasco Auto và Geely đã ký kết thoả thuận về dự án xây dựng nhà máy lắp ráp xe ô tô tại Thái Bình với diện tích 30ha, công suất 75.000 xe/năm trong giai đoạn đầu và tổng vốn đầu tư 168 triệu USD (hơn 4.100 tỉ đồng).

bydm6.jpg
BYD M6 - mẫu xe đa dụng thuần điện chuẩn bị ra mắt ngày 18-10 cùng với sedan BYD Han. Ảnh: Hoàng Linh

Nhìn chung, ô tô Trung Quốc đang thẳng tiến tại Việt Nam. Đây là động thái giúp đa dạng hoá thị trường và đem thêm nhiều lựa chọn phương tiện đi lại cho người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là ở nhóm xe năng lượng mới.

Mặc dù còn đối mặt thách thức về tâm lý tiêu dùng hay quy mô chuỗi cung ứng - dịch vụ, ô tô Trung Quốc được giới chuyên môn đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam nhờ mức giá rẻ, kiểu dáng phong phú, nhiều tính năng công nghệ tiên tiến… Ngoài ra, còn một lợi thế lớn là khách hàng mua xe ở Việt Nam ngày càng trẻ, có tâm lý tiêu dùng cởi mở hơn với “món mới”.

Tuy nhiên, các ý kiến phân tích cũng chỉ ra, để thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam, các hãng vẫn cần kinh doanh với tâm thế kiên trì, tập trung chăm sóc khách hàng và quan trọng nhất là phải có được những sản phẩm thực sự tốt, phù hợp thị hiếu.