Ô tô ở phố
Mặc dù giá xăng tăng kỷ lục, học sinh cũng đã nghỉ hè, nhưng đường phố vẫn không ngưng ùn tắc, và ngày càng nghiêm trọng hơn vì lượng ô tô đăng ký mới vẫn mỗi ngày mỗi tăng. Do đó, người Hà Nội cần có cái nhìn thực tế hơn khi quyết định sở hữu ô tô.
Tôi có một người bạn ở phố cổ. Anh mua xe ô tô đã gần 10 năm nay, nhưng tổng quãng đường di chuyển chưa đến một vạn cây số.
Mỗi lần trêu anh chuyện đó, anh thường cười như mếu: “Nhà ở phố cổ, xe phải gửi gầm cầu, cách nhà cả cây số, đi lấy xe còn xa hơn đi đến chỗ làm. Nhưng chẳng lẽ lấy bằng lái rồi mà không mua xe?”.
"Đặc sản" tắc đường ở Hà Nội.
Mua xe ô tô chỉ vì có bằng lái, chỉ vì để có xe ô tô, đó là câu chuyện không chỉ của riêng anh bạn tôi.
Hàng trăm nghìn hộ dân phố cổ Hà Nội, đa số không thể có một chỗ đỗ xe, nhưng việc mua một, hoặc hai cái xe ô tô để cuối tuần đi chơi dường như là một ước mơ mặc định.
Dẫu ai cũng có thể tính được chi phí đỗ xe, đăng kiểm, bảo dưỡng, mua phí đường bộ... còn lớn hơn chi phí đi taxi, nhưng nuôi cái xe như nuôi một con thú cưng trong nhà, được coi là tiêu chuẩn mềm của người Hà Nội.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả thành phố có gần triệu xe ô tô, và con số đó tăng thêm hằng ngày khi trung bình mỗi tháng có hơn 4.000 xe ô tô được đăng ký mới.
Đó là nguyên nhân khiến giao thông Hà Nội trở nên bế tắc khi không thể nào đáp ứng được hạ tầng cho phương tiện cá nhân.
Ùn tắc ở Hà Nội không chỉ vì dòng phương tiện di chuyển, không chỉ vì quá tải giao thông động, mà còn vì giao thông tĩnh. Hầu như toàn bộ vỉa hè vốn dĩ dành cho người đi bộ đều đã trở thành chỗ đỗ ô tô; các lề đường vốn dĩ có thể đi xe đạp cũng đã thành chỗ đỗ ô tô.
Thậm chí, xe buýt cũng gặp khó khăn khi cập bến đón trả khách cũng vì đường vào bị vướng ô tô đỗ. Câu chuyện giải bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội vì thế mãi bế tắc bởi vốn dĩ thành phố này, mật độ cư dân, và hạ tầng giao thông không phù hợp với việc phát triển ô tô cá nhân.
Năm 2015, nhìn thấy trước những hệ lụy của việc phát triển ô tô cá nhân, đã có những ý kiến đề xuất quy định chỉ cấp đăng ký xe khi chứng minh được có chỗ đỗ xe.
Tuy nhiên, đề xuất đó không được xây dựng dựa trên những nghiên cứu khoa học về tác động cũng như tính khả thi nên đã nhanh chóng bị truyền thông vùi dập và không một ai đề cập thêm lần nữa.
Đi ô tô trong phố bây giờ thực sự là một cực hình. Chưa kể phải nhích từng centimet trong giờ cao điểm, thì tìm một chỗ đỗ xe hằng ngày đã khó, tìm một chỗ đỗ xe tạm thời cũng vô cùng khó khăn.
Thậm chí, bản thân tôi đã có nhiều lần muốn nhảy việc sang một cơ quan khác, nhưng chỉ vì những nơi tôi định chuyển đến không dễ tìm được chỗ đỗ xe nên đành phải từ bỏ.
Chuyện như đùa, nhưng nếu tính kỹ, việc phải chi phí tiền đỗ xe hàng ngày, chưa kể chi phí thời gian và cơ hội bị mất đi do loay hoay tìm chỗ đỗ được xe, thì đó thực sự không phải là chuyện đùa.
Sự phiền toái của việc sở hữu một chiếc xe ô tô ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM là một sự thật hiện hữu. Song, cái tâm lý cuồng ô tô phổ biến đến nỗi các chính sách nhằm hạn chế ô tô cá nhân đều luôn bị phản đối một cách dữ dội.
Thậm chí, không ít trí thức, những người mà tiếng nói có ảnh hưởng với công chúng, vẫn luôn truyền bá một ý niệm rằng chiếc ô tô là một giá trị của văn minh.
Vì thế, chính sách hạn chế phương tiện cá nhân luôn bị bẻ lái để hướng đến những chiếc xe máy.
Chiếc xe máy bị coi là tội đồ gây ùn tắc, bị mặc định là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, thậm chí người ta còn miệt thị “tư duy xe máy” là một biểu hiện của sự lạc hậu, để lờ đi những hệ lụy từ việc không kiểm soát ô tô cá nhân.
Một lần, tôi nói với người bạn phố cổ của mình: “Anh bán xe đi, nuôi một thứ vô dụng mà tốn kém như thế mà không thấy phí tiền à?”.
Anh ấy bảo: “Người ta có thể nuôi một con chó tây cả trăm triệu đồng, phục vụ nó còn hơn chăm con cơ mà”.
Khi nghe câu trả lời đó, tôi nhận ra rằng cái ô tô không còn là phương tiện đi lại của người ta nữa.
Nó đã trở thành một thứ đồ trang sức cho giá trị thị dân, và cái giá trị đó sẽ chỉ thay đổi khi mà nó trở nên phiền toái không chịu nổi./.
Nguồn https://vov.vn/goc-nhin/o-to-o-pho-post948774.vov
- TS Nguyễn Trí Hiếu: Thận trọng, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ
- Chậm tiêu tiền công và chuyện dám nghĩ, dám làm
- Đồng bằng sông Cửu Long: Quy hoạch phải vượt lên trên lợi ích cục bộ địa phương
- Chống tham nhũng: Nhớ vụ án hối lộ 1 ngày nghỉ mát, 2 con gà
- “500 tấn vàng” trong dân cần khuyến khích đưa vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
- Vụ một giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế
- Lao động trẻ, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm, lương tới 20 triệu