Oai dũng pháo binh Việt Nam ở Điện Biên Phủ

Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024 | 9:52

70 năm đã trôi qua, nhưng những dư âm về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng mãi. Trong chiến thắng chung đó, có đóng góp quan trọng của lực lượng pháo binh oai dũng.

Nếu so sánh thì thực lực pháo binh quân Pháp lúc đó tại Điện Biên Phủ hơn hẳn pháo binh của ta về số lượng, tính chính quy và trình độ tác chiến. Tuy nhiên, pháo binh quân đội Pháp tại lòng chảo Điện Biên Phủ đã thất bại thảm hại trước lực lượng pháo binh Việt Nam non trẻ.

dien-bien-phu.jpg

Một trận địa pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Kéo pháo vào, kéo pháo ra

Cuối tháng 12-1953, Trung đoàn 45 (nay là Lữ đoàn 45, Bộ Tư lệnh Pháo binh) nhận lệnh lên đường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Rời Tuyên Quang, sau hơn nửa tháng hành quân, toàn bộ xe pháo của đơn vị đã tới vị trí tập kết ở khu vực Tuần Giáo, Điện Biên.
Việc kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ bắt đầu từ đêm 16-1-1954. Khẩu pháo đầu tiên của Đại đội 802 (Trung đoàn 45) tiến vào đường kéo pháo thử. Đoạn đường này mới mở, xuyên qua núi, vượt nhiều đèo cao, dốc đứng, có đoạn đi vào triền núi nhấp nhô của đỉnh Pha Sông cao 1.450m. Nhiều đoạn quanh co bên bờ vực thẳm. Mỗi khẩu pháo phải có 80 đến 100 người kéo mà cũng chỉ đi được từng bước một. Cả đêm dài kiên nhẫn, bền bỉ chỉ tiến được 300m. Sau đó, anh em đã phát huy sáng kiến làm tời ở trên đỉnh dốc kéo pháo để giảm sức người. Trong lúc đó, ta phải ngụy trang đường kéo pháo để che mắt máy bay trinh sát của địch.

Có thể nói, mỗi tấc đất trên đoạn đường này đều thấm đượm biết bao mồ hôi và cả xương máu của cán bộ, chiến sĩ ta. Trong đó phải kể đến tấm gương của đồng chí Nguyễn Văn Chức, chiến sĩ Đại đội 806 của Trung đoàn 45 đã dũng cảm lấy thân mình chèn pháo bị đứt dây, có nguy cơ lăn xuống vực khi cùng đồng đội kéo pháo vượt đèo. Đồng chí đã anh dũng hy sinh nhưng pháo vẫn còn nguyên vẹn. Lúc đó là sáng sớm 25-1-1954.

Đêm 25-1, toàn bộ pháo của ta được đưa vào trận địa. Sau đó, Bộ Chỉ huy Mặt trận quyết định “Đánh chắc, tiến chắc”. Do phương án thay đổi, bộ đội lại kéo pháo ra.

Kéo pháo vào đã khó, nhưng khi kéo pháo ra còn gian khổ hơn nhiều. Địch đã phát hiện được hoạt động của ta, nên máy bay, pháo binh của chúng bắn phá suốt ngày đêm trên đường kéo pháo. Sau 6 ngày đêm vượt suối sâu, đèo cao dưới bom đạn của quân thù, ngày 2-2-1954, các chiến sĩ pháo binh, công binh, bộ binh đã hoàn thành nhiệm vụ.

Trút bão lửa xuống đầu quân địch

Ngày 6-3-1954, pháo binh của ta bắt đầu chiếm lĩnh các trận địa ở Bắc đồi Độc Lập, khu Nà Lời, Tà Lèng, Bắc Phú, Hồng Mèo. Một lần nữa anh em lại ngày đêm san đồi, khoét núi, chặt tre gỗ, làm đường để xây dựng trận địa. Các chiến sĩ thông tin, trinh sát luồn lách hết đồi này sang núi kia, nằm sương, gối đất để đo đạc, xây dựng đài quan sát, chuẩn bị đầy đủ nhất, tốt nhất cho sự toàn thắng của chiến dịch. Ngày 9-3-1954, mọi công việc chuẩn bị xong, sẵn sàng chờ lệnh trút bão lửa xuống đầu quân Pháp.

Ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Tư lệnh Pháo binh, Phó Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ Piroth từng tuyên bố: “Ở đây có nghĩa là sắt thép. Muốn chọi với đất thép, phải có sắt thép… Trong tay đối phương chỉ có vài chục khẩu pháo nặng làm sao mà chọi nổi…”. Còn Đại tá De Castries thì vênh vang: “Nếu đối phương tấn công thì tôi sẽ đội chiếc mũ ca lô đỏ của tôi để từ trên cao họ thấy rõ mục tiêu mà bắn trúng hơn”...

Chiến dịch Điện Biên Phủ được bắt đầu từ 16h06 ngày 13-3-1954. Trong 4 ngày mở màn (đợt tấn công lần thứ nhất), Đại đội 806 do Đại đội trưởng Trần Kính chỉ huy vinh dự được khai hỏa, bắn dồn dập vào cứ điểm Him Lam, làm hiệu lệnh tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Các chiến sĩ Đại đội 806 đã bắn trúng vào các lô cốt địch, hầm chỉ huy, khu trung tâm thông tin… làm cho địch vô cùng bất ngờ, hoảng sợ, tháo chạy tán loạn. Các chiến sĩ bộ binh lần đầu tiên thấy pháo binh ta bắn trúng đồn địch nhảy lên reo hò, vỗ tay hoan hô. Đến 16h10 cùng ngày, toàn đoàn nổ súng vào khu trung tâm, sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm. Các căn cứ địch chìm trong khói lửa. Ngay trận đầu, bộ binh, pháo binh đã hiệp đồng chặt chẽ và đến đêm 13-3, toàn bộ cứ điểm Him Lam bị tiêu diệt. Ta bắt sống 256 tên lính Âu Phi, 144 tên lính ngụy, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Các trận địa pháo binh địch ở Mường Thanh bị tê liệt, 5 máy bay bị phá hủy, nhiều kho xăng dầu bị bốc cháy…

Thất bại thảm hại trước pháo binh của Việt Nam trong ngày đầu mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, quan năm pháo binh Pi-Rốt là Tư lệnh Pháo binh, Phó Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải tự sát vì không “Khóa được mõm Pháo binh Việt Nam” như hắn thường huênh hoang.

Kết thúc đợt tấn công lần thứ nhất, Pháo binh ta bước đầu đã thực hiện được lời căn dặn của Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Làm cho kẻ địch khiếp sợ Pháo binh Việt Nam”. Với thành tích đó, đơn vị vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và tặng danh hiệu "Trung đoàn Tất Thắng".

Đại tá Ngô Văn Bỉnh
Nguyên cán bộ Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng)