Omicron tàng hình có đáng sợ với TP.HCM?
Một tầm soát ngẫu nhiên trên 67 ca Covid-19 nhiễm Omicron cho thấy, gần 65% là biến thể Omicron tàng hình BA.2. "BA.2 đang chiếm ưu thế và lây lan nhanh", lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nói.
Omicron tàng hình chiếm ưu thế
Sáng 9/3, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết thông tin trên.
Cụ thể, từ ngày 10 đến 27/2, TP.HCM đã lấy mẫu tầm soát ngẫu nhiên 119 trường hợp mắc Covid-19. Kết quả, có 103 ca dương tính với biến thể Omicron. Phân tích sâu hơn, nhận thấy 43 ca thuộc dòng BA.2 (Omicron tàng hình) và 24 ca dòng BA.1.
Hai dòng phụ của Omicron khiến Covid-19 lây lan nhanh tại TP.HCM. |
Ông Tăng Chí Thượng nhận định, việc vừa có BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron lưu hành là lý do khiến tốc độ lây lan dịch Covid-19 nhanh như hiện nay.
Theo báo cáo của Sở Y tế, ngày 8/3, tổng số ca mắc Covid-19 của TP được xác định là 1.500 ca và 3.910 ca test nhanh nghi ngờ. Số F0 cách ly tại nhà tăng cao lên đến 86.975 ca.
Với tỷ lệ gần 65% xuất hiện trong các mẫu ngẫu nhiên, BA.2 – Omicron tàng hình là yếu tố quan trọng trong làn sóng dịch Covid-19 tại TP lần này.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hùng Vân, cựu Giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, hiện là chủ tịch Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng TP cho biết, biến thể Omicron có nhiều dòng phụ (dưới biến thể) gồm BA.1, BA.2, BA.3. Điều này khác biệt với biến thể Delta, không có dưới biến thể.
Đồng thời, các dòng phụ Omicron có các đặc điểm khác nhau. Trong đó, đáng lưu ý là BA.2 – Omicron tàng hình.
Về mặt cấu trúc di truyền, BA.2 khác với BA.1 ở chỗ, BA.2 mất đi đột biến mất đoạn nhưng lại xuất hiện đột biến mất đoạn mới.
“Cấu trúc di truyền này khiến cho protein S của BA.2 khác với BA.1. Và có lẽ, sự khác biệt này khiến cho BA.2 lây lan nhanh gấp gần 2 lần so với ban đầu”.
Đáng chú ý, sự thay đổi trên protein S của BA.2 cũng khiến cho các test nhanh kháng nguyên giảm độ nhạy khi người bệnh nhiễm biến thể này. “Đó là lý do người ta gọi BA.2 là virus tàng hình – vì trốn test nhanh”, tiến sĩ Vân nói.
Tuy nhiên, “trốn” không có nghĩa là test nhanh bất lực hoàn toàn. Nếu tải lượng virus SARS-CoV-2 xuất hiện nhiều ở vùng niêm mạc đường hô hấp trên rồi, test nhanh sẽ có kết quả dương tính.
Omicron tàng hình "trốn" được test nhanh. |
Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay, nhiều người dân TP.HCM phản ánh dù có đủ triệu chứng ho, sốt, rát họng, sổ mũi… nhưng test nhanh nhiều lần chcó 1 vạch. Vài ngày sau, test nhanh mới cho kết quả dương tính.
“Mặc dù vậy, những khác biệt về cấu trúc di truyền của Omicron tàng hình không tạo ra các biểu hiện lâm sàng khác biệt khi mắc bệnh với các chủng virus khác”, ông nói.
F0 nhiễm Omicron có thể tái nhiễm... Omicron
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho rằng, đợt này, người nhiễm Omicron phần lớn mắc bệnh nhẹ, ít bị chuyển nặng nhưng sẽ vẫn có ca nặng. Lý do, là ca nặng tỷ lệ thuận khi số mắc tăng cao.
Số liệu cho thấy, ngày 8/3, TP tăng lên 5.367 bệnh nhân Covid-19 ở tầng 2 và 3. Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 441 và 63 ca đang thở máy xâm lấn.
“Dù là biến thể nào thì virus SARS-CoV-2 cũng không thay đổi đường lây, Covid-19 không thay đổi cách chữa trị. Do đó cần duy trì tiêm đủ vắc xin Covid-19, bảo vệ người nguy cơ thật tốt”, BS Khanh nói.
Vắc xin Covid-19 vẫn là vũ khí quan trọng trước Omicron tàng hình. |
Đồng thuận với quan điểm trên, TS Phạm Hùng Vân cho biết, hầu hết người đã tiêm đủ vắc xin Covid-19 khi nhiễm biến thể Omicron sẽ biểu hiện bệnh nhẹ hơn. “Không phải do biến thể này “hiền” mà chính nhờ tác dụng của vắc xin”.
Bên cạnh đó, trong cơ chế xâm nhập vào tế bào niêm mạc, Omicron nói chung sẽ xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên tốt hơn là đường hô hấp dưới (phế quản, phổi…) so với Delta.. Vì vậy, người nhiễm Omicron có thể bị rát họng nhiều hơn các triệu chứng khác.
Câu hỏi lúc này, một người nhiễm biến thể Omicron có thể tái nhiễm Omicron hay không khi nó có đến 3 dòng phụ? Câu trả lời là có.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hùng Vân giải thích, về mặt miễn dịch, nếu đã nhiễm một biến thể nào đó, người ta khó có nguy cơ nhiễm lại chính nó. Ví dụ như, người đã nhiễm biến thể Delta sẽ không nhiễm lại Delta nhưng có thể nhiễm biến thể Omicron.
Với cơ chế trên, người mắc Omicron có thể sẽ tái nhiễm Omicron, nhưng ở dòng phụ khác. Ví dụ, người đã mắc Omicron BA.2 vẫn có nguy cơ nhiễm BA.1, BA.3.
“Để kết luận chính xác, phải xác định lần 1 họ nhiễm biến thể nào, lần 2 nhiễm biến thể nào. Không thể nhận định chung chung hoặc dựa vào test nhanh. Hiện nay, xét nghiệm PCR có thể nhanh chóng xác định biến thể SARS-CoV-2”, tiến sĩ Vân nói.
Theo Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nguoi-nhiem-bien-the-omicron-co-the-tai-nhiem-chinh-omicron-821579.html
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt
- Hà Nội: Số ca mắc sởi, sốt xuất huyết trong tuần cao nhất từ đầu năm