Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group: Tri thức và tình yêu với công việc giúp chúng ta thành công
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT của Phúc Sinh Group cho rằng, không chỉ doanh nhân tuổi Mão mà người Việt Nam cần phải thay đổi lối nghĩ, cần tham vọng hơn để đưa doanh nghiệp, góp phần đưa thành phố, đất nước hùng mạnh hơn. Và ông còn tác giả của hai cuốn sách "Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh" và "Vượt lên những con đường kinh doanh". Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xin giới thiệu đến bạn đọc cuộc trò chuyện giữa phóng viên cùng ông Thông về nội dung hai cuốn sách trên trong chương trình "Cuốn sách cuộc đời" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn kết hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) cùng Công ty CP Tập đoàn Hành Trình Kim Cương thực hiện.
* Quan điểm kinh doanh của ông là dám thay đổi và luôn khác biệt. Tuy nhiên, không phải sự khác biệt nào cũng thành công, vậy bí quyết của Phúc Sinh Group là gì?
- Có người hỏi tôi rằng: “Năm nào là năm khó nhất, năm nào là năm dễ nhất?”. Tôi phải nói thực sự là năm nào cũng khó, mỗi năm một khác nhau, đó là một trong những bí quyết của chúng tôi. Chúng tôi kinh nghiệm làm ăn mấy chục năm trong ngành nông nghiệp nên tôi nhận thấy không được chủ quan trong hoạt động kinh doanh và bí quyết chúng tôi có thể vượt qua được vài năm gần đây là nhận thức về sự khó khăn.
Khi dịch Covid-19 mới bắt đầu thì chúng tôi đã chuẩn bị cho việc đối phó như thế nào. Thứ hai là tình yêu với ngành nông nghiệp, bản thân tôi và Phúc Sinh Group rất yêu thích ngành nông nghiệp, vì đây là thế mạnh của Việt Nam. Nếu mình có thể tận dụng thế mạnh này để phát triển kinh doanh trong ngành nông thì chúng ta có thể tạo được một công ty rất lớn mạnh.
* Trong cuốn sách Vượt lên những con đường kinh doanh, có câu chuyện về trường hợp một công ty Việt Nam quyết liệt kiện một công ty ở châu Âu và nhận được phán quyết ngoài mong đợi. Vậy ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp khi rơi vào tình huống tương tự?
- Câu hỏi của bạn rất hay. Thực sự các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta chỉ mãnh liệt ở trong nước nhưng ra nước ngoài lại rất hiền. Tôi muốn kể một câu chuyện thật hấp dẫn trong cuốn sách Vượt lên những con đường kinh doanh để cho tất cả công ty làm kinh doanh quốc tế có thể học hỏi.
Chúng tôi kinh doanh ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, ở đó luật lệ chặt chẽ. Khi làm ăn với một công ty của Đức, họ làm không đúng thì chúng tôi quyết định kiện. Khi kiện thì có rất nhiều thứ mà mình cần phải trải qua, vì số tiền đóng phí cũng rất lớn, phải mấy trăm triệu đồng nhưng tôi nghĩ rằng nếu mình không thử sẽ không biết được. Chính vì thế mà chúng tôi cố gắng làm mọi thứ đúng đắn và tuân thủ luật lệ của London. Kết quả như mọi người đọc sách cũng đã biết được, điều đó làm cho chúng tôi tự tin, uy tín tăng lên và tất cả những đồng nghiệp của chúng tôi ở châu Âu rất ngưỡng mộ.
* Trong cuốn sách Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh, ông viết Việt Nam rất thiếu doanh nhân thành thạo kinh doanh cũng như ngoại ngữ. Như vậy thì sau 5 năm, điều này đã được cải thiện hay chưa?
- Thực sự câu hỏi của bạn lại chạm vào nỗi đau khi tôi viết ra điều này. Mong muốn của tôi là đóng góp, thế nhưng đụng chạm nhiều đồng nghiệp chưa giỏi ngoại ngữ và họ cứ nghĩ rằng tôi nói kháy họ, tôi nói điều không tốt về họ.
Nhưng mọi người hãy tưởng tượng xem, khi tham gia các hiệp hội trên thế giới, tất cả mọi người đều nói tiếng Anh từ Indonesia, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, họ trao đổi với nhau rất nhiệt tình, họ không cần phiên dịch. Tôi mang những câu chuyện đó quay về Việt Nam và tôi gặp rất nhiều chỉ trích, đại loại “hợm hĩnh”, “không nể mặt mọi người”.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật, tôi nghĩ rằng chúng ta nếu buôn bán với cả thế giới thì chúng ta cần phải trau dồi ngoại ngữ, ít nhất cũng là nghe nói được tiếng Anh. Tình hình này giờ đã được cải thiện, vì nhiều người trẻ thành đạt hiện nay giỏi ngoại ngữ, đó là một thuận lợi.
* Mượn hàng nước bạn tăng doanh thu cho mình là một hướng đi sáng tạo giúp Phúc Sinh bảo đảm doanh thu cũng như lợi nhuận giữa lúc ngành hàng nông nghiệp gặp khó khăn. Điều gì giúp ông tin sự sáng tạo này thành công?
- Với tư duy thế giới phẳng, khi tôi chưa có nhiều tiền như bây giờ, chưa có nhiều nhân viên, công ty còn ít việc, tôi đã nghĩ rằng: Tại sao người Hà Lan có thể kinh doanh ở khắp nơi, người ta sang đây có gì đâu, thế mà họ mở văn phòng buôn bán, họ thuê người Việt làm. Người Hồng Kông hay Singapore, hai mảnh đất ấy chẳng có gì ngoài các tòa nhà và con người, nhưng tại sao họ lại có thể mua ở đây, bán ở kia? Tại sao họ làm được, còn mình không làm được? Và đấy là tư duy.
Phúc Sinh Group mua ở đây bán ở kia 16 năm rồi chứ không phải là gần đây. Phúc Sinh kinh doanh hạt tiêu ở Indonesia hoặc tiêu ở Brazil, ở châu Phi, dừa ở Sri Lanka. Tôi nghĩ rằng vẫn có thể kiếm tiền từ những sản phẩm nông nghiệp trồng ở nước khác, điều tiên quyết là niềm tin và sự tự tin, người khác làm được thì mình cũng phải làm được. Tư duy thế giới phẳng của tôi rất rõ ràng, tôi tìm cách bán hàng của Indonesia sang Mỹ, sang châu Âu và đã làm thành công.
* Ông có chia sẻ là viết giúp ông giảm stress và khám phá bản thân. Tuy nhiên có những bài viết của ông lại phản ánh vướng mắc về thủ tục hành chính, góp ý cách quản lý của một số cơ quan chức năng, phản ánh tư duy trì trệ của hiệp hội, hay là hiện trạng đô thị ở Hải Phòng quê hương của ông. Đây có phải là một trong những mục đích viết của ông?
- Rất nhiều người có sở thích đi chơi, nhậu nhẹt rồi đánh golf, nhưng tôi có sở thích là viết sách. Tôi cảm thấy khi viết thì được giải tỏa căng thẳng. Vì có khả năng viết, khi tôi gặp những vấn đề của cuộc sống hay trong việc kinh doanh thì tôi góp ý cho các cơ quan chức năng, các tổ chức để công việc hoàn thiện hơn. Có thể đầu tiên họ rất khó chịu, nhưng sau đó thì mọi thứ tốt hơn. Đó là một trong những mục đích của tôi.
Ví dụ trong ngành hạt điều vừa rồi tôi có đóng góp một bài với cơ quan hải quan và tôi nghĩ sẽ giúp cho ngành hạt điều giảm được 50% hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Tôi nghĩ đấy là đóng góp và tôi rất tự hào có thể giúp được đồng nghiệp của mình trong ngành nông nghiệp.
* Câu hỏi đầu tiên của độc giả: Ông chia sẻ là đôi khi khó khăn làm cho chúng ta có nghị lực hơn, sáng tạo hơn. Vậy làm sao để giới trẻ hiện nay có được tư duy này khi điều kiện sống thuận lợi hơn thế hệ của ông rất nhiều?
- Thực sự khi chúng ta khó khăn, không có nhiều tiền để chúng ta trang trải được các chi phí hay là chúng ta muốn mua một cái gì đó chưa có đủ tiền thì điều đó sẽ là động lực giúp chúng ta. Giới trẻ bây giờ, họ có nhiều điều kiện hơn so với hồi xưa, tuy nhiên nếu họ muốn vượt ra khỏi điều kiện thông thường, chẳng hạn như trải nghiệm du lịch thì họ cần có nhiều tiền hơn. Động lực đó buộc họ phải lao động, phải làm việc.
Cuốn sách này tôi chỉ cho họ cách chúng tôi đã vượt qua khó khăn, vượt qua các thách thức như thế nào, không phải chỉ là vấn đề về tiền bạc mà là vấn đề về ý chí, về kiến thức, về sự can đảm, sự kiên trì… Có thể những câu chuyện này sẽ là cảm hứng cho những bạn trẻ ở thế hệ bây giờ. Họ thấy rằng nếu muốn làm gì đó thành công thì họ phải bỏ rất nhiều thời gian, trí tuệ và công sức.
* Câu hỏi khác: Từ trải nghiệm của bản thân thì theo ông, người trẻ nên làm gì để thuyết phục đối tác tin tưởng bắt tay làm ăn với mình?
- Câu hỏi này rất hay. Bản thân tôi cũng trải qua những năm tháng startup rất trẻ, 25-26 tuổi đã mở công ty và lúc mới vào Sài Gòn cũng còn rất trẻ. Tôi có áp lực hơn là phải làm, phải kiếm tiền để sống sót. Các bạn trẻ bây giờ thì có thể là không phải như vậy, họ có nhà cửa.
Lúc đó tôi trẻ nhưng tôi có kiến thức, có tình yêu với công việc, tôi cũng chịu khó đọc sách, chịu khó học và giỏi tiếng Anh, tôi còn biết mình yêu thích cái gì. Tôi nghĩ rằng những người yêu thích công việc luôn toát lên “hào quang”. Những người trung tuổi như chúng tôi hay những người già hơn khi làm việc với những người trẻ mà có nhiều vầng “hào quang” xung quanh thì ai cũng dễ bị thuyết phục. Tri thức là một trong những thứ quan trọng và tình yêu với công việc theo tôi là quan trọng nhất để người ta có thể thành công và dễ dàng thuyết phục những người khác.
* Cảm ơn ông!
Nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/
- Người thay đại gia Lương Trí Thìn làm Chủ tịch tập đoàn Đất Xanh xuất thân thế nào?
- 'Vua thép' Trần Đình Long muốn làm thép cho đường sắt tốc độ cao
- nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
- Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?
- Tử hình “nữ doanh nhân” thành đạt ở Hà Tĩnh
- 1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Từ cậu bé nghèo chỉ được học hết cấp 3 đến đại gia ngành thực phẩm
- Đặng Khắc Vỹ - ông chủ kín tiếng ngân hàng Việt thuộc top lợi nhuận cao nhất