Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Phát huy vai trò phản biện của báo chí để xây dựng, phát triển TP.HCM
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê mong muốn báo chí làm tốt vai trò phản biện, với tâm thế phản biện để xây dựng chứ không phải làm lu mờ đi yếu tố tích cực.
Sáng 2-11, Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM, Sở TT&TT cùng Hội nhà báo TP tổ chức toạ đàm phát huy vai trò báo chí, xuất bản thực hiện các nghị quyết về phát triển TP.HCM.
Phát biểu đề dẫn, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, chia sẻ báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng phản ánh các mặt của đời sống, đồng thời cũng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Báo chí còn làm tốt vai trò cầu nối giữa người dân với chính quyền.
Từ đó, ông mong các đại biểu thảo luận nhằm tìm giải pháp tuyên truyền sinh động về nội dung của các nghị quyết, các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM phát biểu đề dẫn tại toạ đàm. Ảnh: THANH THUỲ
Chính quyền cần chủ động hơn
Tại toạ đàm, các ý kiến đã đề cập đến việc chính quyền cần chủ động hơn trong cung cấp thông tin cho báo chí.
Từ thực tiễn truyền thông Nghị quyết 98, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước nhìn nhận khi truyền thông đi trước và song hành cùng chính sách sẽ tạo được sự đồng thuận cao.
Tuy vậy, các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin để triển khai các nội dung của Nghị quyết 98 còn gặp khó. Các sở, ngành cung cấp thông tin còn chậm, chưa đầy đủ...
Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước cho rằng với một chính sách lớn, việc tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tiếp cận thông tin sớm, đúng, đủ rất quan trọng. Ảnh: THANH THUỲ
Theo ông, với một chính sách lớn về phát triển TP, việc tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tiếp cận thông tin sớm, đúng, đủ sẽ giúp tuyên truyền tốt nhất. Cần nhất là sự xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm của lãnh đạo TP trước các nguồn thông tin.
"Nếu lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP cùng các địa phương cùng góp tiếng nói từ thực tiễn thì người dân sẽ tin tưởng hơn. Như câu chuyện đối thoại giữa chính quyền và người dân, lúc chủ tịch UBND TP đứng ra đối thoại đã có hơn 1 triệu người theo dõi”- ông Phước dẫn chứng.
Ông Mai Ngọc Phước cho rằng chính quyền cũng cần xem báo chí là kênh giám sát, phản biện để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của mình.
Về đặt hàng báo chí, ông Mai Ngọc Phước chia sẻ chính quyền không đặt hàng, báo chí vẫn làm. Tuy nhiên, nếu có thêm kinh phí, các báo sẽ đầu tư để phát triển sản phẩm đa dạng hơn, đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện hơn, tạo thêm sự lan toả mạnh mẽ. Thành ủy, UBND TP cần tính thêm cơ chế đặt hàng, có thêm việc khen thưởng đột xuất cho các tác phẩm, cơ quan báo chí làm tốt.
Ngoài ra, TP cần hỗ trợ cơ sở dữ liệu xử lý dùng chung, giúp cho các cơ quan báo chí bảo mật dữ liệu, bảo vệ bản quyền.
Nhiều điểm sáng về truyền thông chính sách
Nhà báo Nguyễn Viễn Sự, Trưởng Ban Chính trị - xã hội báo Tuổi Trẻ đánh giá cao việc phối hợp, cung cấp thông tin tại TP.HCM. Trong đó, nhiều sở, ngành, quận huyện đã rất chủ động, TP cũng tổ chức họp báo định kỳ hàng tuần. Đây cũng là điểm sáng về truyền thông chính sách rất khác biệt với nhiều địa phương.
Dù vậy, vẫn còn một số sở, ngành chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí như yêu cầu của chủ tịch UBND TP.
Ông lấy ví dụ về tuyến thông tin mà báo phản ánh về những vướng mắc tại một dự án BT, dù đã gửi câu hỏi, liên hệ các cơ quan liên quan trao đổi, cung cấp thông tin nhưng đến nay đã ba tháng vẫn không nhận được phản hồi.
Nhà báo Nguyễn Viễn Sự, Trưởng Ban Chính trị - xã hội của báo Tuổi Trẻ. Ảnh: THANH THUỲ
Để một chính sách có sức lan toả, ngoài sự nhanh nhạy trong các góc tiếp cận của báo chí thì rất cần sự hỗ trợ, cung cấp thông tin kịp thời cho để có đủ dữ liệu triển khai. Chính vì vậy, ông Sự cũng cho rằng việc chọn điểm rơi, phương thức thực hiện các tuyến bài bằng cách tích hợp nhiều phương tiện cũng góp phần vào sự thành công của truyền thông chính sách.
Đồng tình, Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn nói, TP.HCM cần chủ động, cung cấp thông tin cho báo chí để tạo ra những tuyến thông tin chính sách có sức nặng và lan toả.
Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn. Ảnh: THANH THUỲ
Ông Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định rất cần sự gắn kết giữa chính quyền với báo chí để truyền thông đi trước một bước. Với các chính sách tạo ra sự tranh luận trái chiều thì phải chủ động cung cấp để định hướng thông tin rõ ràng.
Ông cũng đặt vấn đề khi báo chí phản ánh những việc cần chấn chỉnh, các sở, ngành và TP có chấn chỉnh chưa, có khắc phục những tồn tại mà báo chí đã nêu? Theo ông, phải thật sự xem báo chí là một kênh thông tin phản ánh khách quan, tránh tình trạng xin cơ chế nghị quyết thì niềm nở với báo chí, xong rồi thì lại thờ ơ.
Ông cũng cho rằng cần có cơ chế đặt hàng báo chí để tăng cường truyền thông chính sách. Đồng thời, tập trung đầu tư cho báo chí chính thống, chủ lực để giữ vững vai trò định hướng dư luận.
TP.HCM cần tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất và nhân lực trong truyền thông chính sách, xây dựng chiến lược rõ ràng, tích hợp đánh giá hiệu quả vào quy trình chính sách liên kết vùng.
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM
Báo chí cần làm tốt vai trò phản biện với tâm thế xây dựng
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, cho rằng bên cạnh việc tuyên truyền, báo chí cũng cần phát hiện những vấn đề bất cập, phản biện, góp ý để tháo gỡ những điểm nghẽn. Đặc biệt là về cơ chế, chính sách, thậm chí là những sai sót trong quá trình thực hiện để TP có ngay các giải pháp, biện pháp giải pháp uốn nắn, khắc phục.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: THANH THUỲ
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá cao những góp ý, đề xuất của các cơ quan báo chí. Ông khẳng định các báo chí là thông tin cần thiết để TP ghi nhận các ý kiến, hiến kế của các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp….
Đây cũng là kênh trao đổi hai chiều ghi nhận ý kiến đóng góp, qua đó thu hút về mặt đầu tư, thu hút người tài, người giỏi, người tâm huyết, gắn với xây dựng hình ảnh tích cực, một chính quyền TP năng động, sáng tạo, cùng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông, thời gian qua, báo chí TP.HCM cũng có nhiều giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ truyền thông chính sách, có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Ông cũng ghi nhận ý kiến cho rằng cần nghiên cứu về hình thức tuyên truyền để việc truyền tải thông tin ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nghe, dễ tiếp nhận các chính sách, nghị quyết một cách đúng đắn, đầy đủ…
Về những góp ý trong cung cấp thông tin, ông Khuê đề nghị sở, ngành nói thật cụ thể, thật rõ để PV tiếp cận đúng, đủ các chính sách của TP.HCM.
Mặt khác, theo ông Khuê, báo chí cũng cần tính toán tác động của thông tin về mặt xã hội. Việc này cũng là tạo điều kiện cho các ngành nhìn vào những điều còn hạn chế, còn lúng túng, cái chưa tròn để làm tốt hơn. Tránh các sai lệch, hiểu lầm nội dung chính sách, tránh xảy ra sự khủng hoảng về mặt truyền thông.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tại toạ đàm. Ảnh: THANH THUỲ
Ông cũng mong báo chí tập trung vào các khía cạnh năng động, sáng tạo của TP.HCM; nhân rộng, khơi dậy việc xây dựng lan toả tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm vì nước, vì dân, chăm lo cho đời sống của người dân.
Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số để hoạt động báo chí ngày càng tốt hơn, không quên bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, tư tưởng chính trị...
“Báo chí cũng cần làm tốt vai trò phản biện, với tâm thế phản biện để xây dựng, chứ không phải làm lu mờ đi yếu tố tích cực” - ông Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM đồng tình với ý kiến, các sở, ngành là hàng tháng nên có buổi gặp gỡ với các cơ quan báo chí để thông tin, trao đổi đầy đặn hơn, đủ ý hơn với từng lĩnh vực thuộc phụ trách của từng sở, ngành.
Chủ tịch TP.HCM yêu cầu người đứng đầu kịp thời trả lời báo chí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam