Phá thế khó cho thủy sản

Thứ hai, ngày 27 tháng 3 năm 2023 | 8:41

Sau một năm lập được kỳ tích, ngành thủy sản rơi vào thế khó khi đơn hàng sụt giảm trong lúc chi phí sản xuất lại tăng

Theo lịch công tác, hôm nay (27-3), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến cùng các ban, ngành liên quan sẽ làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản.

Nhiều chỉ số cùng giảm

VASEP dẫn thống kê mới nhất của hải quan cho thấy 2 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt 1,1 tỉ USD - giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm diễn ra ở tất cả các thị trường chính: Mỹ chỉ đạt 155 triệu USD, giảm 55%; Trung Quốc 151 triệu USD, giảm 11%; Nhật Bản 187 triệu USD, giảm 11%; Hàn Quốc 104 triệu USD, giảm 14%. Cả 3 nhóm mặt hàng chính đều sụt giảm: tôm 355 triệu USD, giảm 40%; cá tra 240 triệu USD, giảm 38%; cá ngừ 109 triệu USD, giảm 30%.

Cập nhật gần hết quý I/2023, VASEP cho biết ngành thủy sản vẫn tiếp tục trầm lắng do lạm phát ở các thị trường nhập khẩu khiến nhu cầu giảm, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu của DN lại tăng cao. Giá thức ăn thủy sản hiện ở mức kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn và sản phẩm thủy sản đều cao.

Phá thế khó cho thủy sản - Ảnh 1.

Tăng cường chế biến sâu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam

Trong khi đó, mặt bằng giá thủy sản xuất khẩu lại đang giảm. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy trong tháng 1-2023, giá tôm nhập khẩu nước này còn 8,5 USD/kg, giảm 10%; giá cá tra phi-lê đông lạnh còn 3,14 USD/kg, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong thời gian này, Mỹ nhập khẩu 3.899 tấn tôm Việt Nam, giảm 40%, trong khi nhập từ Ecuador lại tăng đến 26% nhờ giá nguyên liệu thấp hơn 30%. Thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ trong tháng 1 bị thu hẹp từ 8% xuống 6%.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, giá thức ăn thủy sản là một trong những lý do khiến giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao. "Ecuador ở ngay vùng nguyên liệu, còn Việt Nam phải nhập khẩu và phải chịu thuế (2% đối với khô đậu nành). Việt Nam cũng không sản xuất được khô đậu nành nên đưa thuế về 0% là hợp lý. Nếu kiến nghị này được chấp thuận sẽ hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước, giúp Việt Nam củng cố vị thế là một trong những nước sản xuất và xuất thủy sản lớn trên thế giới" - Tổng Thư ký VASEP kỳ vọng.

Nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh

Dù số liệu xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái giảm sâu nhưng nếu so với 2 năm 2020-2021 thì vẫn cao hơn và tương đương trước dịch COVID-19.