Phải làm chủ công nghệ bán dẫn nếu không muốn trở thành một đất nước gia công

Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024 | 15:38

Phát triển ngành công nghiệp điện tử thế hệ mới song song với công nghiệp bán dẫn, cũng như chú trọng xây dựng hệ sinh thái bán dẫn là cách đưa Việt Nam trở thành “người chơi” chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 3/12, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024, tổ chức tại Hà Nội, đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề về “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội”.

Phát triển công nghiệp điện tử thế hệ mới song hành công nghiệp bán dẫn

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT (Bộ TT&TT), cho biết ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược dài hạn như vậy.

Dựa trên bối cảnh toàn cầu và thực tiễn đất nước, Việt Nam đã đưa ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo công thức: C=SET+1, trong đó thành tố chính bao gồm chip chuyên dụng, ngành điện tử công nghiệp điện tử, nhân tài số và hợp tác quốc tế.

GDD_5750.JPG

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT (Bộ TT&TT), phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Vũ Thảo

“Để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, Việt Nam không thể đi theo ngành công nghiệp điện tử truyền thống mà cần phát triển ngành công nghiệp điện tử thế hệ mới song hành với ngành công nghiệp bán dẫn. Đó chính là AI hóa tất cả thiết bị điện tử gia dụng và chuyên dụng truyền thống”, ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh.

Chia sẻ về 8 nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, Việt Nam cần làm chủ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, nếu không muốn trở thành một đất nước gia công, trong đó phát huy lợi thế địa chính trị, đi theo xu hướng đầu tư, chú trọng đến phát triển hạ tầng điện, nước cũng như có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ...

Trước mắt, Việt Nam cần có một nhà máy chế tạo chip, quy mô nhỏ nhưng có công nghệ cao để giải quyết nhu cầu trong nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng trong trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng.

Yếu tố giúp Việt Nam trở thành “người chơi” chủ chốt

Với những lợi thế mà Việt Nam đang có, bà Linda Tân, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI), nhận định Việt Nam là trung tâm bán dẫn mới nổi trong khu vực: “Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á”.

Bà Linda Tân chỉ ra bốn yếu tố đã, đang và sẽ giúp Việt Nam trở thành “người chơi” chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đại diện SEMI, Việt Nam có “sự ổn định chính trị và quyết tâm lớn của Chính phủ” trong thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, với lộ trình và mục tiêu rõ ràng cho ba giai đoạn. Tiếp đến, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, ở gần một số thị trường lớn nhất toàn cầu hiện nay như Trung Quốc và ASEAN, đồng thời nằm trên các tuyến hàng hải chủ chốt dễ dàng sang châu Âu và Bắc Mỹ.

Bên cạnh đó, với có tỷ lệ dân số trẻ và đam mê công nghệ, Việt Nam có nguồn nhân lực tiềm năng cung cấp cho ngành bán dẫn với chi phí lao động tương đối cạnh tranh với các thị trường khác.

“Không chỉ vậy, các doanh nghiệp FDI đang có vai trò lớn trong thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Các tên tuổi lớn như Samsung, Amkor, Intel, Micron, Marvell, Infineon… đều có nhà máy tại Việt Nam, củng cố thêm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Linda Tân kết luận.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc phát triển MediaTek - một trong top 5 công ty toàn cầu về thiết kế vi mạch bán dẫn - đã chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn, đó là đầu tư “mạnh tay” cho nghiên cứu phát triển (R&D). Chẳng hạn, chiến lược của MediaTek là đầu tư hơn 25% doanh thu cho R&D, trong tổng số doanh thu 14 tỷ USD (năm 2023).

Thấu hiểu nhu cầu “chủ động công nghệ của doanh nghiệp bán dẫn Việt Nam”, MediaTek đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn Việt phát triển với ba cách thức chủ yếu: Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thiết kế (song yêu cầu bên đối tác phải có nguồn lực lớn), hỗ trợ rút ngắn thời gian thiết kế bán dẫn dựa vào việc phát triển sản phẩm từ System on Module, hoặc hợp tác tận dụng số lượng đối tác IDH/ODM của MediaTek để đẩy nhanh thương mại hóa, chuyển giao công nghệ.