Phải làm gì để "ghìm cương con ngựa bất kham" xăng dầu?Phải làm gì để "ghìm cương con ngựa bất kham" xăng dầu?
Thời gian qua Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp rất chủ động và hiệu quả để kiểm soát giá xăng dầu. Tuy vậy, vẫn cần những giải pháp nữa để làm sao để kiềm chế giá xăng dầu không ở mức quá cao, giảm được ức ép lạm pháp đến nền kinh tế.
Xăng dầu, gas là nguyên nhân khiến lạm phát bình quân tăng mạnh
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, trong 5 tháng đầu năm lạm phát bình quân đã đạt 2,25% so với cùng kỳ. Tuy chưa ở mức cao nhưng đã chiếm trên một nửa so với mục tiêu lạm phát trong khoảng 4% được Quốc hội đặt ra.
Qua số liệu thống kê cho thấy, nguyên nhân chỉ số giá tăng 2,25%, trong 11 nhóm hàng tính CPI thì có đến 10 nhóm hàng có chỉ số CPI tăng, chỉ có 1 nhóm hàng giảm. Trong 10 nhóm hàng đó thì chỉ số CPI của nhóm vận tải tăng rất mạnh, tăng trên 2,3%.
Nguyên nhân cơ bản gây nên lạm phát bình quân 2,25% đó là giá xăng dầu tăng liên tục và đứng ở mức cao. Riêng xăng dầu trong 5 tháng đầu năm 2022 đã tăng 49,98% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm cho CPI tăng 1,8 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, giá gas trong nước 5 tháng đầu năm cũng tăng cao theo giá thị trường thế giới ở mức gần 24%, cũng đóng góp vào 0,3 điểm phần trăm.
Như vậy, có thể thấy chỉ tính xăng dầu và gas đã đóng góp vào chỉ tiêu lạm phát là trên 2,1 điểm phần trăm. Xăng dầu và gas là nguyên nhân chính khiến lạm phát bình quân 5 tháng 2022 tăng mạnh.
Cần thêm giải pháp để kiềm chế giá xăng dầu
Đánh giá về các biện pháp điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua… TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng: Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã nhận thức được nguyên nhân gây ra lạm phát trong 5 tháng đầu năm 2022 cũng như những tháng tiếp theo của nền kinh tế là giá xăng dầu và một số yếu tố khác.
Nhấn mạnh vấn đề quản lý giá xăng dầu, gas, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, Chính phủ và các bộ, ngành mà cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp để làm sao có thể kiểm soát được giá xăng dầu.
Tuy vậy, xăng dầu của Việt Nam do nguồn cung trong nước không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Nếu công suất của các nhà máy lọc dầu hoạt động tối đa và khai thác của các nguồn trong nước hiện nay mới cung ứng được từ 70%-75%. Trong khi đó, chúng ta phải nhập khẩu dầu về chế biến nên hoàn toàn phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu trên thị trường thế giới.
Nhiều giải pháp tích cực đã được thực hiện như Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trình Chính phủ, trình Quốc hội quyết định cắt giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Giải pháp nữa là dùng quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu trong nước nhằm đảm bảo không tăng cao như giá xăng dầu thế giới.
Phải nói đó là những giải pháp rất chủ động và hiệu quả được thực hiện trong thời gian qua. Tuy vậy, vẫn cần những giải pháp nữa để làm sao để kiềm chế giá xăng dầu không ở mức quá cao, giảm được ức ép lạm pháp đến nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, trong thời gian tới Chính phủ, đặc biệt ở đây là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần phải có giải pháp tính toán điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu như phương án được Bộ Tài chính đề xuất và đang lấy ý kiến,... làm sao cho giá xăng dầu trong nước không tăng ở mức quá cao.
"Chúng ta nên đặt ra một ngưỡng nào đó để khi giá xăng dầu thế giới tăng quá cao thì cần thiết áp dụng các biện pháp linh hoạt, có như vậy mới đảm bảo dư địa phục hồi ổn định sản xuất, đồng thời giữ cho nền kinh tế không rơi vào trì trệ, bởi xăng dầu như huyết mạch của nền kinh tế sẽ tác động trực tiếp nhiều ngành kinh tế chủ lực", TS. Nguyễn Bích Lâm nói.
Tổng chi phí xăng dầu trong tổng chi phí nền kinh tế chiếm đến 3,52%, trong đó có một số ngành chi phí xăng dầu chiếm rất cao, như khai thác thủy sản gần đây xăng dầu tăng cao đã khiến cho hoạt động này bị ảnh hưởng nặng, nhiều thuyền không thể ra khơi…
TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, việc Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm thuế cũng phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế và giải pháp này cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ví như, Malaysia có chính sách trợ giá xăng dầu, kéo giá còn tương đương 13.000 đồng/lít để tạo dư địa cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mỗi nước có đặc thù riêng, để giữ cho nền kinh tế hạn chế ảnh hưởng, đặc biệt là sản xuất. Do đó, Việt Nam tùy vào điều kiện thu - chi ngân sách để có giải pháp phù hợp.
Có cần thiết đánh đổi tăng trưởng để kiềm chế lạm phát?
Về vấn đề, liệu Việt Nam có cần thiết đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kiểm soát lạm phát, điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát của năm 2022, TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh: Tăng trưởng có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng đồng nghĩa với giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người lao động và người dân. Tăng trưởng kinh tế cũng đồng nghĩa với củng cố tiềm lực an ninh quốc phòng và đặc biệt là giữ ổn định vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2021 khi thế giới phục hồi sau đại dịch hầu hết chính phủ các quốc gia, các nền kinh tế lớn đều tập trung vào chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng.
Kết quả cho thấy năm 2021, kinh tế thế giới đã phục hồi ngoạn mục với mức tăng trưởng đạt 5,9%; trong đó, các nước phát triển đạt 5,2%, tăng so với mức âm 4,5% của năm 2020, các nước mới nổi và đang phát triển đạt 6,4%, tăng so với mức âm 2,1% của năm 2020.
Tại Mỹ, nền kinh tế đã bật tăng trở lại với mức tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua…, tuy nhiên chỉ số lạm phát cũng vượt 2% mức đề ra. Năm 2021, kinh tế Mỹ cũng trải qua một năm lạm phát cao, giá cả không ngừng tăng, đạt đỉnh trong quý IV/2021; trong đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,5%, cao nhất trong 40 năm. Nhiều nước có nền kinh tế lớn khác cũng buộc phải chấp nhận lạm phát cao để đánh đổi tăng trưởng cao.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi đang phát triển, chúng ta đã xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng cho cả giai đoạn là 6,5% - 7%. Với tình hình Việt Nam hiện nay, không cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu lạm phát vì một số nhóm yếu tố.
Đó là những chỉ tiêu cân đối vĩ mô, chỉ tiêu kinh tế-xã hội, giải pháp đã được xây dựng ở mục tiêu là 4%. Hơn nữa, khi điều chỉnh mục tiêu lạm phát sẽ gây ra tâm lý chủ quan, giảm tính chủ động, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kiểm soát lạm phát. Giữ ở mục tiêu lạm phát 4% là sức ép, nhưng cũng là động lực để Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra các giải pháp kiểm soát lạm phát.
Sẵn sàng các kịch bản cho tăng mức độ lạm phát
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nếu năm 2022, tăng trưởng đạt ở mức 6%-6,5% mà lạm phát vượt 4% là thành công rất lớn đối với nền kinh tế; vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, tin tưởng tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.
Về kịch bản kinh tế thích ứng với tình hình thực tế, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khi không điều chỉnh mục tiêu lạm phát nhưng chúng ta biết được khó kiểm soát được lạm phát ở mức 4% thì Chính phủ nên có các kịch bản kinh tế vĩ mô cho từng mức độ 4,5% và 5% để chủ động trong giải pháp điều hành kinh tế. Chẳng hạn thu ngân sách nếu mức lạm phát 4,5% - 5% thì như thế nào, đầu tư sẽ thế nào trong những tháng còn lại của năm 2022.
Từ những giải pháp điều hành đó, những bộ, ngành quan trọng như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (3 bộ kinh tế tổng hợp) tham mưu giúp Chính phủ triển khai các giải pháp, linh hoạt thích ứng với tình hình thực tế./.
- Cần quy định bắt buộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
- Hướng dẫn xác định giá dịch vụ ngày giường bệnh
- Hướng dẫn xác định giá dịch vụ ngày giường bệnh
- Hướng dẫn chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
- Bảo đảm an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ Online Banking
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- "Điểm danh" 56 đơn vị hành chính cấp xã mới của Hà Nội
- Đề xuất nhiều chính sách trợ cấp với cán bộ không đủ tuổi tái cử tự nguyện nghỉ hưu sớm
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu