Phạm nhân được trả một phần công lao động khi được tổ chức lao động ngoài trại giam
Sáng 16/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 3 Quốc hội khoá XV. Với 467/480 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành (chiếm 93,78% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Theo đó, Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022 và được thực hiện trong 05 năm.
Kết quả biểu quyết.
Trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch dạy nghề ngoài trại giam
Nghị quyết này quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an, trong đó trại giam được áp dụng thí điểm hợp tác với tổ chức trong nước để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam. Tổ chức hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Kế hoạch hợp tác giữa trại giam với tổ chức trong nước do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt.
Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Danh sách trại giam được áp dụng thí điểm do Bộ Công an quyết định căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ quy định.
Các đại biểu tiến hành biểu quyết.
Việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện theo nguyên tắc: Bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù;
Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự;
Thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ kết quả lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp;
Ngành, nghề tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là ngành, nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước theo quy định của pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với trại giam trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Chế độ lao động của phạm nhân không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động
Trước khi biểu quyết thông qua, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Đáng chú ý, bà Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Nghị quyết về trả một phần công lao động thống nhất với quy định của Luật Thi hành án hình sự; có ý kiến đề nghị quy định việc trả công cho phạm nhân lao động ngoài trại giam theo quy định của pháp luật về lao động nhằm bảo đảm tuân thủ Công ước 29 và Công ước 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định hiện hành về việc chi trả cho phạm nhân 12% giá trị lao động.
Đối với các ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp báo cáo: Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự thì lao động vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền của phạm nhân. Chế độ lao động của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Kết quả rà soát của Chính phủ cho thấy, các quy định của dự thảo Nghị quyết đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Công ước 29 về lao động cưỡng bức và Công ước 105 về loại bỏ lao động cưỡng bức. Đồng thời, lao động của phạm nhân trong hay ngoài trại giam đều không hội tụ đủ các yếu tố như lao động ngoài xã hội (về tính chất lao động, về giá trị sản phẩm…).
Vì vậy, quy định trả công lao động cho phạm nhân lao động ngoài trại giam theo pháp luật lao động là không có cơ sở. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, kết quả lao động của phạm nhân ngoài việc thanh toán một phần công lao động (tỷ lệ 12%) thì toàn bộ phần kết quả lao động còn lại được sử dụng để nâng cao chế độ ăn, lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng và đầu tư trở lại phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân. Như vậy, thực chất toàn bộ giá trị lao động thu được đều phục vụ cho phạm nhân.
"Từ những vấn đề trên, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nguyên tắc trả một phần công lao động tại điểm b, khoản 3 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết", bà Nga nêu rõ.
Theo bà Lê Thị Nga, có nhiều ý kiến tán thành quy định về các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; có ý kiến đề nghị sửa quy định tại điểm b, chỉ loại trừ đối với phạm nhân có từ 02 tiền án trở lên về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác quản lý giáo dục, cải tạo, lao động của phạm nhân, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện không đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, trong đó có quy định loại trừ đối với phạm nhân có từ 02 tiền án trở lên. Quy định này vừa bảo đảm mục đích của chính sách thí điểm vừa đáp ứng mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh trật tự.
Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện để bảo đảm chặt chẽ, thận trọng và hiệu quả trong thực tiễn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, xin Quốc hội cho giữ nội dung quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết và chỉ chỉnh lý thêm về kỹ thuật văn bản.
Nguồn https://congluan.vn/pham-nhan-duoc-tra-mot-phan-cong-lao-dong-khi-duoc-to-chuc-lao-dong-ngoai-trai-giam-post199375.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam