Phản ánh, phản biện đều phải trên tinh thần trách nhiệm và trung thực
Khi đại dịch tạm lắng xuống, cả nước bắt tay vào làm việc với tinh thần tập trung cao nhất, tạo ra sinh khí cho đất nước. Cũng trong thời điểm này, báo chí cũng vào cuộc để phản ánh hiện thực xã hội, chân dung đời sống một cách tích cực nhất.
Phản ánh điều gì, đó là chỉ ra những việc làm chưa tốt, những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức như vụ hoa hồng kit test Việt Á, vụ đưa hối lộ ở Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, các vụ thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán. Loại trừ các loại tội phạm liên quan đến tiêu cực, hối lộ thì đất nước mới phát triển. Người dân có niềm tin vào pháp luật khi chứng kiến rõ ràng qua những vụ án, không có ai đứng trên pháp luật, không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng.
Phản ánh điều gì, đó là phê phán các mặt trái của đời sống xã hội, các tệ nạn như cờ bạc, lô đề, tín dụng đen, đòi nợ thuê, nghiện hút ma túy, mê tín dị đoan, trộm cắp, cướp giật. Dẹp bỏ được các loại tệ nạn này để đất nước văn minh, phát triển trong sự bền vững. Người dân có niềm tin vào chính quyền khi được sống trong môi trường an toàn, an lành. Du khách quốc tế đến với Việt Nam ngày càng nhiều hơn bởi vì nơi đây là một đất nước tươi đẹp và bình yên.
Phản ánh điều gì, đó là nêu những tấm gương sáng của cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đã làm ra của cải vật chất, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Có nhiều con người thầm lặng lao động sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị, cống hiến thực sự cho cộng đồng. Họ chính là nguồn năng lượng quý giá, làm nên sức mạnh của đất nước.
Phản ánh điều gì, đó là những chính sách phù hợp của Chính phủ, tạo ra không gian cho người dân, doanh nghiệp làm ăn buôn bán, sản xuất kinh doanh hiệu quả, cho nhiều cá nhân khởi nghiệp thành công. Dân giàu nước mạnh, nhưng để dân làm giàu được thì phải có chính quyền phục vụ dân tốt, một Chính phủ kiến tạo ra những chính sách chất lượng, có sức cạnh tranh cao đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Bởi vì, trong thời đại toàn cầu hóa, phát triển kinh tế không chỉ là cạnh tranh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, mà giữa quốc gia với quốc gia.
Cùng với phản ánh hiện thực đời sống, báo chí còn có trách nhiệm nói lên tiếng nói phản biện, trên tinh thần xây dựng tích cực. Phản biện xã hội là tấm gương soi gương mặt dân chủ, càng nhiều tiếng nói phản biện được cất lên, được lắng nghe và hành động theo hướng điều chỉnh tích cực, thì đó cũng là sự phản ánh khách quan chất lượng của nền dân chủ.
Xã hội phải tiến bộ không ngừng cho nên luôn phải dẹp bỏ cái cũ không còn phù hợp, thay thế bằng sự đổi mới. Muốn vậy thì phải chỉ ra được những thứ lạc hậu, phản tiến bộ và báo chí phải làm thật tốt công việc này. Không ít quy định, chính sách không còn phù hợp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, báo chí phải phát hiện, thậm chí phải đấu tranh để loại trừ.
Người dân, doanh nghiệp cần tiếng nói trung thực từ báo chí và đó cũng là điều mà người cầm bút phải tự vấn một cách nghiêm túc trong ngày tôn vinh nghề nghiệp của mình.
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở