Phản biện những vấn đề gắn với cuộc sống nhân dân

Thứ hai, ngày 26 tháng 9 năm 2022 | 6:22

Thời gian qua, hoạt động phản biện xã hội được Mặt trận Tổ quốc các địa phương, cơ sở rất quan tâm với những nội dung phản biện cụ thể, thiết thực. Đáng chú ý, không ít những chủ trương, vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người dân đã được Mặt trận Tổ quốc các cấp tiến hành phản biện, góp ý kiến trực tiếp, thẳng thắn. Qua đó, không chỉ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phản biện xã hội mà còn đưa các hoạt động của Mặt trận ngày càng gắn bó với đời sống nhân dân.

Ảnh minh họa: TRẦN HẢI
Ảnh minh họa: TRẦN HẢI

Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, nhiều hoạt động phản biện đã và đang được tổ chức ở nhiều nơi. Bên cạnh những vấn đề lớn của đất nước, như Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề tăng trưởng kinh tế xanh... những nội dung, vấn đề gắn liền với cuộc sống hằng ngày của người dân tiếp tục được đưa ra phản biện với tinh thần trách nhiệm và xây dựng cao.

Tại Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố vừa tổ chức Hội nghị phản biện xã hội với Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023. Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí áp dụng với hai nhóm đối tượng là: Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn các xã miền núi (đối tượng 1); Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được giảm 50% và 70% học phí theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 16 Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ; Học viên thuộc đối tượng được giảm học phí theo quy định tại Điều 16 Nghị định 81 đang theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (đối tượng 2). Theo đó, hỗ trợ bằng 100% mức thu học phí năm 2022-2023 với nhóm đối tượng 1; Hỗ trợ 100% phần học phí còn lại phải đóng đối với nhóm đối tượng 2.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị phản biện, phần lớn các đại biểu đều thống nhất việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần sửa lại tên Nghị quyết cho phù hợp các đối tượng và rõ ràng hơn. Đồng thời, cân nhắc bổ sung thêm một số nhóm đối tượng là con em của công nhân các khu công nghiệp, con em người lao động về định cư tại Hà Nội (diện không có hộ khẩu thường trú), con các cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài biên giới, hải đảo hoặc có bố, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc chịu ảnh hưởng hậu Covid-19 mất khả năng lao động...

Đây là những vấn đề rất sát với thực tiễn và nếu được tiếp thu sẽ đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhiều ý kiến đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính cần có sự phối hợp, hướng dẫn cụ thể cách lập dự toán và chi trả phù hợp, tránh hình thức rườm rà mà vẫn bảo đảm đúng chính sách, nhanh gọn. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cần làm tốt việc tuyên truyền hướng dẫn, giám sát, kiểm tra để không xảy ra sai sót.

Phản biện những vấn đề gắn với cuộc sống nhân dân ảnh 1

Hội nghị phản biện xã hội do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Ảnh: Báo Đại đoàn kết

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành giá nước sạch của Công ty cổ phần Cấp, thoát nước Tuyên Quang và giá nước sạch các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, khai thác.

 

Theo dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh do Sở Tài chính chủ trì soạn thảo: giá nước sạch đều được điều chỉnh theo hướng tăng, thấp nhất là 3,3%, cao nhất là 23,4%. Nhiều đại biểu đồng tình với việc điều chỉnh tăng giá nước để phù hợp các quy định của Bộ Tài chính hiện hành, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách khi mà hằng năm tỉnh vẫn phải cấp bù kinh phí để duy trì hoạt động của các đơn vị cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng việc tăng giá nước sạch cần cân đối hợp lý, có lộ trình cụ thể. Nhiều ý kiến đồng tình với việc mức tăng giá cấp nước sạch nông thôn ở mức 11,11%, từ 4.500 đồng lên 5.000 đồng/m3.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến phản biện, cụ thể: Đề nghị Công ty cổ phần Cấp, thoát nước giảm tỷ lệ thất thoát nước nhằm giảm giá thành và quan trọng nhất là tránh lãng phí tài nguyên; tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh; đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số công trình hư hỏng, xuống cấp, người dân không có nước để phục vụ sinh hoạt; quan tâm chất lượng nguồn nước sinh hoạt; cơ quan soạn thảo lưu ý tới hệ số tăng giá nước sạch, nhất là đối với thang bậc tăng giá đối với các tổ chức, đơn vị; có cơ chế áp dụng đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đô thị; mong muốn cơ quan quản lý nhà nước kiểm định chất lượng nước sinh hoạt bảo đảm nguồn nước sạch, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã được lãnh đạo Sở Tài chính, lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp, thoát nước Tuyên Quang và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường giải trình làm rõ.

Phát biểu kết luận hội nghị, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu tại hội nghị để xem xét, bổ sung vào dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi ban hành, bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; xem xét việc tăng giá nước sạch bảo đảm hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển. Ngay sau hội nghị này, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia phản biện của các đại biểu gửi Sở Tài chính, đề nghị Sở Tài chính có văn bản phản hồi về việc tiếp thu, giải trình đối với ý kiến phản biện xã hội do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chuyển đến theo quy định...

Người dân luôn mong chờ những hội nghị phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội với tinh thần xây dựng và hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thông qua những hoạt động phản biện, các cơ quan dự thảo, chuẩn bị chính sách có cơ hội để hiểu sát hơn thực tế cuộc sống, từ đó có những quyết định chính xác, phù hợp.