Phản biện và phản động

Thứ năm, ngày 4 tháng 8 năm 2022 | 17:55

Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, phản biện xã hội luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định là kênh thông tin quan trọng giúp hoàn thiện đường lối, chính sách, đưa chủ trương phù hợp với điều kiện thực tiễn, từ đó tạo sự đồng thuận giúp tăng cường dân chủ, phát triển bền vững. Cùng với sự phát triển của xã hội, người dân ngày càng ý thức rõ rệt hơn về chức năng và thực hiện phản biện xã hội trên mọi lĩnh vực của đời sống và thực tế những năm qua đã cho thấy hiệu quả to lớn, thiết thực của hoạt động này. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số đối tượng xấu, trí thức bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng hoạt động phản biện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm phức tạp tình hình, thậm chí đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc...

Phản biện và phản độngThông tin có nội dung kích động, chống phá trên trang facebook cá nhân của một số trí thức “trở cờ”.

Trên trang facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân thời gian gần đây thường xuất hiện các bài viết có nguồn từ trang cá nhân của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mạc Văn Trang, người từng được đánh giá là nhà khoa học hàng đầu trong ngành giáo dục, nhiều năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục hiện đã “trở cờ”, tuyên bố bỏ Đảng và ngày càng có những hành động, lời nói cực đoan, phiến diện, phản đối đường lối lãnh đạo của Đảng, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mới đây, Mạc Văn Trang tiếp tục đăng tải trên facebook cá nhân nội dung: “CS kích động người nghèo khổ lật đổ chế độ cai trị. Nay những người hiểu biết đấu tranh để thay đổi thể chế cho xã hội tiến bộ hơn”; kêu gọi mọi người ký tên vào cái gọi là Kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai hiện hành…

Thường xuyên lu loa, dán mác đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, thực hiện phản biện xã hội nhưng trên thực tế, Mạc Văn Trang cùng bè lũ trí thức “trở cờ”, tuyên bố bỏ Đảng như Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Cống, Đặng Xương Hùng… đều đã lộ rõ bản chất, tâm địa đen tối, cơ hội chính trị, mưu đồ chống phá.

Hoạt động phản biện xã hội đơn thuần là sự phản biện của xã hội (hay là sự phản biện mang tính xã hội), tức là sự biện luận, thẩm định, đánh giá của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án xã hội... liên quan đến quyền lợi và đời sống của thành viên trong xã hội. Đó là những lập luận có chứng cứ (khoa học, thực tiễn) nhằm phát hiện, bổ sung, chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ, phủ định một chủ trương, chính sách hay đề án xã hội được công bố hay đang hình thành. Phản biện là nhu cầu tất yếu của con người, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Để tạo ra sự phản biện xã hội, cần huy động cả khối óc, trí tuệ, tình cảm nhằm phát hiện, phân tích và nhận diện những cái hay, cái dở, những điều đúng, điều sai để từ đó góp ý, hoàn thiện những chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo mọi điều kiện để người dân phát triển quyền con người, xây dựng các diễn đàn, tổ chức để mọi đồng bào thể hiện các chính kiến, quan điểm trong thực hiện phản biện. Điều này được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh lợi ích của đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Trong đó, Nghị quyết của Đảng cũng yêu cầu: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Việc thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội đã được Hiến định thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, chúng ta đang chung tay từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Điều đó là minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất cho phương thức mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tất nhiên, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, chúng ta vẫn không tránh khỏi một số tồn tại, khó khăn nhưng lãnh đạo các cấp đang xây dựng và tạo nhiều thuận lợi để triển khai các nội dung phản biện, đảm bảo tính công khai, minh bạch, rõ ràng.

Mục đích chính của phản biện xã hội đúng nghĩa là xây dựng vì sự nghiệp chung, vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước. Theo đó, thái độ thể hiện phải có tính khoa học, cầu thị và có nghiên cứu đầy đủ các luận cứ, luận chứng. Những đối tượng xấu, tâm địa hẹp hòi cơ hội chính trị đã và đang lợi dụng danh nghĩa phản biện để gây nghi ngờ, gieo rắc thù hận và chia rẽ mối đoàn kết trong nhân dân, sử dụng chiêu trò, mánh khóe hạ đẳng để thổi phồng, bôi đen những tiêu cực xã hội, đưa thông tin nhạy cảm khó kiểm chứng nhằm thu hút sự hiếu kỳ của nhân dân trên trang facebook cá nhân hoàn toàn không liên quan gì đến mục tiêu phản biện đúng nghĩa, trái lại, chúng đang đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân, tự đưa thân vào vũng bùn nhơ phản động, phản bội Tổ quốc, phản bội đồng bào.

Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng những ý kiến phản biện đúng nghĩa, những quan điểm, thái độ nhiều chiều trong xây dựng các chủ trương, đường lối. Và tất nhiên, lợi dụng điều này để chống phá, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, của nhân dân sẽ bị lên án nghiêm khắc, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vũ Thanh