Phản biện xã hội: Dân muốn tham gia, nhưng...

Thứ ba, ngày 12 tháng 12 năm 2023 | 14:32

Sau khi lần đầu tiên được hiến định cụ thể (Hiến pháp 2013) về chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) được thiết kế theo hướng dành tới hai chương quy định về giám sát và phản biện xã hội (*). Một khảo sát vừa được hoàn tất tại TP.HCM cho thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cân nhắc ở khía cạnh phản biện xã hội (PBXH).

 

Sau khi lần đầu tiên được hiến định cụ thể (Hiến pháp 2013) về chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) được thiết kế theo hướng dành tới hai chương quy định về giám sát và phản biện xã hội (*). Một khảo sát vừa được hoàn tất tại TP.HCM cho thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cân nhắc ở khía cạnh phản biện xã hội (PBXH).

 
Minh họa: NGUYỄN TRÍ

Khoảng 900 cán bộ và người dân ở hai huyện vùng ven của TP.HCM vừa tham gia một khảo sát của Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CDH), Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAFF) về thực trạng giám sát và PBXH.

DÂN MUỐN ĐƯỢC MỜI THAM GIA

Trong các mô hình xã hội hiện đại, người dân đóng vai trò quan trọng trong các chính sách. Đó là bản chất của Nhà nước “của dân - do dân - vì dân”. Vì thế, một chính sách nhận được sự tán đồng của người dân là một chính sách thành công của nhà cầm quyền. Vì lẽ đó, để đánh giá thực trạng PBXH tại TP.HCM, nghiên cứu này quan tâm đến sự tham gia của người dân vào hoạt động PBXH trên giả định, người dân tự nguyện tham gia vì họ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các văn bản sẽ được ban hành trên địa bàn.

Nghiên cứu dựa vào các hoạt động có tính chất PBXH theo định nghĩa của dự thảo Luật MTTQ mà người dân đã tham gia trước đây (như đóng góp ý kiến cho luật) để tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia của họ.

Kết quả khảo sát tương quan giữa giới tính, tình trạng lao động, trình độ học vấn, tác động của MTTQ và đoàn thể đến việc tham gia PBXH của người dân (số liệu khảo sát tháng 1-2015 trên 408 người dân hai huyện TP.HCM) cho thấy nam giới tại địa bàn tham gia các hoạt động có tính chất PBXH nhiều hơn nhóm nữ. Người đã nghỉ hưu tham gia tích cực hơn người đi làm.

Các đối tượng có trình độ học vấn từ cấp III trở lên có tỉ lệ tham gia PBXH nhiều hơn, và cuối cùng vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể khi tuyên truyền, vận động về hoạt động này có tác động khá lớn đến quyết định tham gia PBXH của người dân.

Các yếu tố khác như nghề nghiệp, việc có được cung cấp tài liệu PBXH trước hoặc tăng thời gian nghiên cứu dự thảo văn bản không ảnh hưởng nhiều đến quyết định tham gia PBXH của người dân.

Kết quả này khá phù hợp với hoạt động thực tế tại địa phương, khi cán bộ tham gia hoạt động tại địa phương đa số là nam giới, đã nghỉ hưu, từng làm cán bộ nhà nước - có trình độ. Đây cũng là lực lượng nòng cốt, tham gia nhiều hoạt động khác tại địa bàn phường, xã của TP.HCM, không riêng gì hoạt động giám sát và PBXH của MTTQ.

"Người dân muốn xin cấp nhà, sửa nhà thì ông chủ tịch phường ký, chứ ông chủ tịch Mặt trận đâu có dám ký, ổng ký là ổng phạm vào luật. Vậy nên người dân coi trọng ông chủ tịch phường hơn ông chủ tịch Mặt trận Tổ quốc"

Phát biểu của thành viên ban công tác Mặt trận khu dân cư

 

Khi phỏng vấn 42 cán bộ thuộc khu vực nhà nước trong địa bàn khảo sát, các câu trả lời cho thấy MTTQ chủ động trong việc đưa các văn bản quy phạm pháp luật tiếp cận người dân. Tuy nhiên, số liệu từ việc khảo sát người dân về nguyên nhân không tham gia PBXH lại cho thấy một khía cạnh khác. Đó là dù MTTQ công khai thông tin hội nghị, nhưng đến hơn 50% người trả lời cho biết họ không được mời tham dự góp ý luật. Người trực tiếp vận động họ tham gia hoạt động này chính là các vị trưởng ấp/khóm/tổ dân phố (46,9%). Tỉ lệ người dân địa phương tiếp cận được với cán bộ MTTQ phường, xã khá thấp (22,2%).

Còn khi được hỏi ý kiến về cách thức tổ chức thế nào để người dân tham gia PBXH nhiều hơn, nhiều ý kiến cho biết cái mà họ cần là thời gian tổ chức PBXH phù hợp hơn với họ, các hình thức tôn vinh giá trị người tham gia cũng khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn, “Chuyện biểu dương người ta là cái rất cần” - một người dân đúc kết.

BỐI RỐI VÌ KHÁI NIỆM

Thực tế cũng đang đặt ra câu hỏi: Liệu có cần thống nhất hơn một đặc trưng đơn giản, dễ hiểu và nhất quán của khái niệm PBXH trước khi áp dụng vào thực tiễn? Bởi sự bối rối với thuật ngữ PBXH thể hiện rõ khi chỉ có 7,6% người dân biết đến PBXH. Hơn 90% còn lại chưa từng nghe hoặc đã nghe nhưng không biết PBXH là gì. Thậm chí, cả cán bộ đoàn thể vẫn có người cho rằng “PBXH là công tác dư luận xã hội”.

Cách hiểu phổ biến nhất hiện nay là PBXH là “đóng góp ý kiến”. Bởi lẽ dự thảo Luật MTTQ quy định “PBXH của MTTQ Việt Nam là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước; dự thảo các chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước”.

Hỏi: Khi người dân có vấn đề khó khăn, họ có tìm đến MTTQ nhờ can thiệp không?

Trả lời: Theo tôi hiểu thì cái khâu MTTQ rồi cũng phải chuyển về trên nên nó hao tốn, mất công chờ đợi, cho nên người ta cứ đưa thẳng lên trên muốn giải quyết là giải quyết ngay. (Trả lời của một cựu chiến binh, “trên” ở đây nghĩa là UBND cùng cấp).

Hỏi: MTTQ có thể nhờ các nhà khoa học hay Hội liên hiệp Các nhà khoa học PBXH không?

Trả lời: Báo cáo chị là chỉ có MTTQ thành phố mới tận dụng được các cô chú đó thôi chứ còn MTTQ quận, huyện, phường, xã thì không làm được, bởi đa số các cô chú đó giỏi thì họ sống tập trung ở thành phố.

Cán bộ MTTQ, được tập huấn về PBXH theo chương trình của Thành ủy từ giữa năm 2014 cũng thừa nhận: “Khó nhất là nhầm lẫn giữa đóng góp hay phản biện, em vô hội nghị là em phản biện nhưng thực tế là em đóng góp ý kiến, còn phản biện một nội dung nào đó thì trên tinh thần là bọn em phải có một cái vốn kiến thức uyên bác thì mới phản biện được. Nói nội dung này không được thì phải có nội dung khác thay thế và lý do tại sao, em phải có đủ khả năng trình độ mới làm được. Nếu nói về dân sinh xã hội thì còn được chứ còn nói về các công trình lớn rồi y khoa này nọ thì bọn em không có khả năng đó, cái này em nói thật”.

Như vậy, dù theo cách định nghĩa của dự thảo Luật MTTQ (sửa đổi), PBXH vẫn chỉ là bình mới rượu cũ so với đóng góp ý kiến.

Đã có khá nhiều định nghĩa về bản chất của hoạt động PBXH. PGS.TS Nguyễn Minh Đoan trong bài “Bàn thêm về PBXH ở Việt Nam” (tạp chí Luật Học số 03-2011) đưa ra một số đặc điểm để phân biệt PBXH với phản biện khoa học. Theo đó, PBXH là chu trình hai chiều giữa chủ thể được yêu cầu phản biện với tác giả của đối tượng phản biện, các bên có thể tranh luận để đi đến thống nhất các ý kiến. Điều này khiến PBXH khác với đóng góp ý kiến. PBXH lấy lợi ích lâu dài của nhân dân làm mục tiêu.

Đặc trưng PBXH mà các nghiên cứu đề cập có lẽ là kỳ vọng mà xã hội đặt ra với MTTQ nhằm gia tăng hiệu quả của việc làm luật. Điều đó cho thấy dù MTTQ là đơn vị chủ trì PBXH thì cũng không thể bỏ qua yếu tố tham gia của các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học, thậm chí là các tổ chức xã hội để tạo ra đặc trưng phân biệt với việc góp ý kiến. Nếu vẫn vận hành PBXH theo cách đưa văn bản cho một vài thành viên chỉ định đọc, gửi lại một số kiến nghị thì hoạt động này không cần đến một thuật ngữ “ghê gớm” như PBXH. Tuy nhiên, vai trò của các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, tổ chức xã hội đã không được đề cập rõ ràng trong dự thảo luật này.

Hạn chế đối với PBXH của MTTQ còn thể hiện trong khoản 4, điều 33 về việc “Hằng năm, MTTQ Việt Nam thống nhất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về danh mục dự thảo các văn bản cần PBXH (...)”.

Sự đơn độc của cán bộ MTTQ được thể hiện trong trần tình “Đầu năm ủy ban có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị phải gửi hồ sơ đó hoặc đề nghị MTTQ tham gia phản biện, trên cơ sở đó MTTQ sẽ gửi cho các chuyên gia đóng góp phản biện, chứ bây giờ có con người đây nhưng mà không có sản phẩm, không có đối tượng thì đâu có làm được cái gì”.

Cơ chế phối hợp giữa MTTQ và cơ quan nhà nước trong PBXH chưa rõ ràng, cộng thêm sự mơ hồ về đặc trưng PBXH với đóng góp ý kiến khiến cho những kỳ vọng về một quá trình làm luật hiệu quả hơn (nhờ phản biện) bỗng chốc trở nên mong manh. Không kiên quyết và rành mạch trong văn bản, xã hội có thể tiếp tục phải đón nhận những văn bản kiểu độ to của vòng ngực liên quan tới quyền lái xe, hay quy định một người chỉ sở hữu một xe máy.

(*): dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII