Phản biện xã hội đáp ứng niềm tin của nhân dân

Thứ hai, ngày 2 tháng 12 năm 2024 | 9:34

Thực hiện các quy chế, quy định của Bộ Chính trị, công tác phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp đã góp phần thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đáp ứng niềm tin trong dân.

Theo Báo cáo số 193/BC-MTTW-BTT mới đây của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong năm 2015, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều hình thức góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII qua các hội thảo cũng như tọa đàm chuyên sâu. Trên cơ sở kết quả các hội nghị góp ý, phản biện và các báo cáo tổng hợp ý kiến của Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố, các tổ chức thành viên, Ban Thường trực đã tổng hợp báo cáo chung của cả hệ thống Mặt trận góp ý vào Dự thảo Văn kiện.

Trong công tác tham gia xây dựng pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tổ chức góp ý các dự án luật, nghị định có liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ cơ bản của Công dân như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…, các nghị định về hợp tác xã nông nghiệp, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…

Đặc biệt, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ các địa phương triển khai lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động tìm hiểu Hiến pháp 2013 đã có tác động tích cực trong phát huy dân chủ, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.

Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên cũng tổ chức phản biện đối với nhiều đề án, chương trình, dự thảo văn bản pháp luật liên quan trực tiếp. Một điểm đáng chú ý là theo đề nghị của các cơ quan chủ trì soạn thảo, Ban Thường trực và cơ quan Trung ương của một số tổ chức thành viên còn cử đại diện tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập các dự án luật, pháp lệnh, nghị định để trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Nhiều ý kiến phản biện đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tại các địa phương, công tác phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp ý vào các dự thảo chủ trương, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành cũng như các dự thảo, báo cáo đánh giá tình hình, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng được MTTQ các tỉnh tích cực thực hiện.

Cụ thể, Ủy ban MTTQ các cấp đã tham gia góp ý đối với nhiều đề án, chương trình, dự thảo văn bản của HĐND, UBND liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân như quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư…

Ngoài ra, trong năm 2015, Ủy ban MTTQ tất cả các địa phương đã tập trung vào việc góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ cùng cấp. Việc góp ý này có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các hội đồng tư vấn.

Các hoạt động góp ý, phản biện được đánh giá là khá hiệu quả, trực tiếp vào các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân các địa phương, có tác động quan trọng vào quá trình tiếp thu, điều chỉnh các nội dung đề án và chính sách của địa phương.

Về phương hướng năm 2016, Ban Thường trực tiếp tục huấn luyện chuyên sâu, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, nhân tốt tích cực trong hoạt động phản biện xã hội; tuyên truyền về hoạt động phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tới các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân tham gia thực hiện. Đồng thời, đổi mới, nâng cao phương thức tập hợp ý kiến nhân dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước.

Đồng thời, sớm ban hành nghị quyết liên tịch hướng dẫn chi tiết Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn.

Báo cáo này cũng đề cập tới phương hướng của MTTQ theo từng cấp. Cụ thể, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ cấp tỉnh tập trung phản biện về cơ chế, chính sách trong khi cấp huyện, xã tập trung vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa ở địa phương. Trong đó cần lựa chọn một hai nội dung cụ thể để thực hiện phản biện xã hội.

T. Minh