Phản biện xã hội trên báo điện tử
- Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. So với các loại hình báo chí truyền thông, báo điện tử hiện đang chiếm ưu thế về việc thiết lập các diễn đàn thông tin giữa công chúng với các sự kiện diễn ra trong đời sống chính trị của đất nước.
Phản biện xã hội trên báo điện tử
- Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. So với các loại hình báo chí truyền thông, báo điện tử hiện đang chiếm ưu thế về việc thiết lập các diễn đàn thông tin giữa công chúng với các sự kiện diễn ra trong đời sống chính trị của đất nước.
Báo điện tử thu hút bạn đọc, tương tác nhanh và nhiều hơn so với các loại hình báo chí khác. Ảnh: TL
Tương tác: điểm mạnh của báo điện tử
Mặc dù ra đời sau so với các loại hình báo in, phát thanh và truyền hình, nhưng báo điện tử đã nhanh chóng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thông tin. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, báo điện tử đã không ngừng cải tiến, đổi mới cả về giao diện lẫn hình thức chuyển tải thông tin, tốc độ cập nhật nhanh từng giây, phút đã biến báo điện tử trở thành một loại hình báo chí quan trọng trong đời sống xã hội.
Trong bối cảnh số lượng công chúng báo in, phát thanh, truyền hình ngày càng giảm, dịch vụ Internet tiện lợi đã tạo điều kiện cho báo điện tử trở nên sôi động, thu hút người truy cập. Đến nay có khá nhiều các báo điện tử của Việt Nam thu hút được một lượng lớn người đọc, theo dõi hàng ngày.
Trên báo điện tử, sự phản hồi thông tin giữa công chúng với các tin bài, hoặc các cuộc tọa đàm trực tuyến mà khách mời là lãnh đạo, những người được báo chí quan tâm liên quan đến các vấn đề nóng trong xã hội được tương tác không những bằng văn bản chữ mà còn có hình ảnh, âm thanh sống động. Chính vì vậy báo điện tử đã thu hút bạn đọc tương tác nhanh và nhiều hơn so với các loại hình báo chí khác. Báo điện tử giúp mối quan hệ giữa người đọc và tòa soạn thêm phần gắn kết hơn. Tòa soạn có thể cập nhật nhanh thông tin, bạn đọc có thể tương tác, phản hồi những thông tin mà mình quan tâm, nhân vật mà mình yêu thích, theo dõi.
Khả năng tiếp cận công chúng cao bởi khả năng liên kết, lưu trữ và tìm kiếm thông tin dễ dàng, tính tương tác cao, tốc độ và lượng thông tin nhanh và nhiều, báo điện tử đã và đang có tác động lớn tới độc giả, là một công cụ hữu ích của phản biện xã hội. Với những ưu thế không thể phủ nhận đó, báo điện tử đang trở thành kênh truyền thông trực tuyến uy tín được nhiều người lựa chọn.
Nhiều dự báo cho rằng, báo điện tử sẽ trở thành kênh truyền thông chủ lực của tương lai. Do đó, sự chuyển dịch của độc giả từ báo in sang báo điện tử không chỉ là một thay đổi trong thực tiễn hoạt động báo chí mà nhiều nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng, báo điện tử sẽ thay thế báo in - loại hình báo chí ra đời đầu tiên.
Báo điện tử đã và đang có tác động lớn tới độc giả, là một công cụ hữu ích của phản biện xã hội. Ảnh: TL
Tương tác nhiều, phản biện cao
“Phản biện xã hội” là thuật ngữ nhấn mạnh việc chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước... Trên cơ sở đó, báo chí Việt Nam, trong đó có báo điện tử đã góp phần quan trọng trong việc truyền tải các ý kiến phản biện, đóng góp của bạn đọc, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội.
Liên quan đến hàng loạt các vụ cháy chung cư, đỉnh điểm là vụ cháy chung cư Carina Plaza ở quận 8, TP. HCM khiến 13 người chết gây hoang mang dư luận. Những ý kiến bất bình của người dân về các chủ đầu tư coi thường mạng sống, không chấp hành đúng pháp luật đã được thể hiện, truyền tải qua những bài báo điện tử được đăng liên tục trong thời gian qua.
Từ những vụ cháy thương tâm đến những thông tin phản hồi bức xúc của dư luận liên tục trong thời gian qua đã khiến công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ trở thành một trong hai nội dung duy nhất trong tổng số 190 nội dung đề xuất, được đưa vào chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2019.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Có thể cảm giác đưa chuyên đề này ra giám sát tối cao thì cũng hơi nặng nề. Nhưng đây là vấn đề liên quan đến việc bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân. Vừa qua cháy nổ liên tục, xã hội bức xúc về các vụ cháy nghiêm trọng như vậy, mà Quốc hội êm ru thì không được. Quốc hội phải giám sát những vấn đề nhân dân bức xúc, xã hội quan tâm”(1) .
Qua ví dụ trên cho thấy, báo chí, đặc biệt là báo điện tử đã trở thành “diễn đàn của nhân dân” một cách hiệu quả thông qua những bình luận các tin bài trên báo điện tử, trực tiếp nêu lên những bức xúc, lo lắng của mình với các cơ quan báo chí. Các báo điện tử lúc này đóng vai trò chuyển tải, phản ánh tiếng nói, tâm tư, ý kiến góp ý của bạn đọc trước những vấn đề nảy sinh trong xã hội. Những phản hồi này đã được chuyển tới các nhà hoạch định chính sách, tác động trực tiếp đến việc giám sát thực thi luật pháp.
Hai nhà nghiên cứu về phản hồi xã hội và hoạch định chính sách, ông Stuart N. Soroka và ông Christopher Wlezien (Mỹ) đã khẳng định, các nhà hoạch định chính sách sử dụng thông tin trên báo để nắm bắt được ý kiến của công chúng. Hai cách phản biện công chúng có thể tác động tới chính sách, thứ nhất là tác động đến quá trình xây dựng chính sách, thứ hai là tác động trực tiếp đến chính sách”. Điều này cũng được nhà nghiên cứu J.Gastil ủng hộ với lập luận rằng, báo điện tử tạo không gian cho sự cân nhắc và hiểu biết cho công chúng, cho phép công chúng tham gia sâu sắc với các vấn đề, chia sẻ thông tin và cân nhắc các lựa chọn thay thế. Những thứ này đều cần thiết để xây dựng phản biện xã hội có thông tin và tác động đến quá trình xây dựng chính sách.
Thực tế cho thấy, có khá nhiều chính sách, đặc biệt là những chính sách phức tạp, nhạy cảm, mới mẻ, các nhà hoạch định chính sách không dự báo hay bao quát đầy đủ, kịp thời. Nhưng nhờ có ý kiến phản hồi, bình luận của độc giả, chuyên gia đã góp phần tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách thay đổi, bổ sung các chính sách, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của công dân, phù hợp với thực tế.
Ví dụ, bài “Phá thế độc quyền trong Luật Cạnh tranh” của chuyên gia Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam(2), hay bài “Dự thảo Luật Cạnh tranh: Quan ngại đi ngược mục tiêu” của tác giả Hiếu Minh(3) đã thu hút nhiều ý kiến của bạn đọc nhằm bổ sung thêm một số thông tin, hay góp ý kiến để các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo và chỉnh sửa các chính sách cho phù hợp với thực tiễn trong đời sống xã hội hiện nay.
Các báo cũng đăng ý kiến của các chuyên gia. Dạng bài báo như thế khẳng định thêm chức năng phản biện của báo chí, gia tăng niềm tin của công chúng đối với thông tin đăng tải trên báo.
Rõ ràng, đối với công chúng, bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn của báo điện tử dễ tiếp cận và hiệu quả hơn các loại hình báo chí truyền thống. Chính bởi vậy, nhiều báo điện tử biết cách khơi gợi vấn đề, khuyến khích động viên công chúng tham gia ý kiến. Các báo điện tử thường mở diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục tập hợp được nhiều ý kiến, góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân đóng góp cho các chính sách. Ví dụ, như Góc tranh luận, bạn đọc làm báo trên trang điện tử của Báo Tuổi trẻ, Mục Cộng đồng trên báo điện tử Vnexpress...
Với các tính năng “độc giả chủ động” như khả năng bình luận về tin tức, giới thiệu tin tức cho mạng lưới bạn bè, người thân, đánh giá tin tức và tìm kiếm thêm thông tin thông qua các công cụ tìm kiếm, đây là những chỉ dẫn quan trọng về nhận thức của khán giả và hiệu ứng thiết lập thông tin quan tâm của báo điện tử. Báo điện tử được coi là phương tiện lấy ý kiến công chúng trong thời đại hiện nay. Báo điện tử góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền báo chí, đồng thời là một kênh thông tin đại chúng được tiếp cận nhiều nhất cho đến thời điểm này./.
ThS. Đinh Quỳnh Anh
Tài liệu tham khảo:
1. Carlos Ruiz, David Domingo, Josep Lluís Micó, Javier Díaz-Noci, Koldo Meso, and Pere Masip “Public Sphere 2.0? The Democratic Qualities of Citizen Debates in Online Newspapers”, SAGE 2011
2. Gastil, J., Black, L., “Public Deliberation as the Organizing Principle of Political Communication Research”, Journal of public deliberation, 2007
3. Mustapha, L. K., Wok, S., “Volatile but Cue Laden Measuring Agenda Setting in the Online Newspaper Environment”, Malaysia Journal of Media Studies
4. Manosevitch, E., Walker, D.,”Reader Comments to Online Opinion Journalism: A Space of Public Deliberation”, Kettering Foundation
5. Soroka, S. and Wlezien, C. “Public Opinion and Public Policy”, Oxford University Press, 2010
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí