Phản biện xã hội

Thứ tư, ngày 17 tháng 8 năm 2022 | 16:44

Theo nghĩa từ nguyên, phản có nghĩa là nghĩ, xét lại(1), biện là phân tích, biện luận. Nếu gắn phản với biện có nghĩa là phân định xấu, tốt, trên cơ sở phân tích, biện luận. Theo nghĩa trên, có thể hiểu phản biện là đặt lại, xét lại một sự việc, một vấn đề trên cơ sở lập luận, phân tích một cách khách quan khoa học có sức thuyết phục, nhằm phát hiện hoặc đưa các chính kiến trở về đúng giá trị của nó. Ban đầu khái niệm phản biện thường dùng để nhận xét, đánh giá chất lượng một công trình khoa học, sau đó dần mở rộng ra lĩnh vực chính trị - xã hội.

Thời gian gần đây, khi phản biện xã hội được nêu ra và thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận thì đã xuất hiện nhiều sự giải thích nội hàm của khái niệm này, như:

Phản biện xã hội là đưa ra các lập luận, phân tích nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, bổ sung hoặc bác bỏ một đề án (phương án, dự án) xã hội đã được hình thành và công bố trước đó(2).

Phản biện góp phần điều chỉnh các khuynh hướng kinh tế, văn hóa, chính trị, làm cho các khuynh hướng đó trở nên khoa học hơn, đúng đắn hơn và gần gũi với đời sống con người hơn(3).

Phản biện là hoạt động cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đầu hoặc thực trạng đặt ra(4).

Phản biện xã hội là sự phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân, và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan.

Phản biện xã hội là phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước... Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phản biện xã hội là nhu cầu cần thiết và đòi hỏi bắt buộc của quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, khắc phục tệ quan liêu...(5).

Từ nhiều định nghĩa nêu trên có thể rút ra những đặc trưng chung nhất  của phản biện xã hội như sau:

Phản biện là một hoạt động phân tích độc lập. Đây là một yếu tố rất quan trọng bảo đảm tính khách quan và chính kiến của chủ thể phản biện. Mất đi yếu tố này thì phản biện sẽ giảm hoặc không còn giá trị.

Phản biện xã hội là xem xét, phân tích, lập luận các mặt khác nhau của một vấn đề để tiệm cận chân lý. Đó là đặc điểm chung giống như mọi loại phản biện khác.

Phản biện xã hội được tiến hành bởi lực lượng xã hội, thông qua các tổ chức xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự lập, tự nguyện, tự dưỡng; hoặc được tiến hành một cách trực tiếp bởi các thành viên của xã hội.

Phản biện xã hội có tính xây dựng đối với hệ thống lãnh đạo và quản lý, nó khác với phản kháng mang động cơ chống lại sự lãnh đạo và quản lý xã hội.

Phản biện xã hội nhằm vào mọi lĩnh vực hoạt động diễn ra trong đời sống xã hội, từ khâu hoạch định đến khâu tổ chức thực hiện mọi chủ trương, chính sách, pháp luật, bao gồm cả sự việc liên quan đến bộ máy tổ chức và con người thực hiện.

Từ luận giải nêu trên có thể rút ra: Phản biện xã hội là sự phản ánh chính kiến của xã hội đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật do hệ thống lãnh đạo, quản lý đề ra, thể hiện qua những nhận xét, đánh giá, phân tích có căn cứ và có sức thuyết phục, được thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các chủ thể phản biện; có chức năng chuyển tải nhu cầu, nguyện vọng của xã hội đến hệ thống lãnh đạo và quản lý; có tác dụng thúc đẩy nền dân chủ xã hội và củng cố thể chế xã hội. Hình thức phản biện xã hội tùy thuộc vào truyền thống văn hóa chính trị, trình độ tổ chức dân chủ của từng nơi, từng thời kỳ lịch sử.

Để hiểu rõ hơn khái niệm phản biện xã hội, có thể so sánh với một vài khái niệm có liên quan nhưng dễ bị lẫn lộn hay ngộ nhận. Thí dụ:

Trưng cầu dân ý(Hiến pháp 1946 gọi phúc quyết toàn dân). Trưng cầu dân ý là việc nhà cầm quyền hỏi để người dân trả lời, còn phản biện xã hội là việc để cho nhân dânnhận xét đánh giá, góp ý với người lãnh đạo và quản lý nhằm tìm ra phương án tốt nhất có lợi cho nhân dân. Với trưng cầu dân ý, nhân dân bày tỏ chính kiến (đồng ý hay không đồng ý) đối với phương án đưa ra mà không cần tranh luận, còn phản biện xã hội phải thông qua tranh luận mới đi đến quyết định đồng ý hay không đồng ý. Do đó, phản biện xã hội thể hiện trình độ phát triển cao của nền dân chủ và chỉ đạt được chất lượng tốt khi có sự chuẩn bị một cách chu đáo. Trưng cầu dân ý chỉ thật sự có tác dụng khi người dân có đầy đủ thông tin cần thiết về vấn đề được hỏi ý kiến. Nếu thiếu minh bạch thông tin, thì trưng cầu dân ý chỉ là sự trả lời phương án (đồng ý hay không đồng ý) mà người dân không ý thức được đầy đủ sự đúng - sai của phương án đã lựa chọn, không lường được những hậu quả bởi quyết định lựa chọn của bản thân mình.

l Phản bác: Phản biện có nội hàm rộng hơn so vớiphản bác. Trong quá trình phản biện có thể đi đến phản bác, nhưng phản biện không chỉ là để phản bác mà phản biện còn đi đến bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh, và khẳng định cái đúng, cái hay, cái ưu điểm trong những vấn đề được phản biện mà tác giả của nó nhiều khi chưa tự thấy rõ. Do đó, phản biện với ý nghĩa đúng đắn và toàn diện, kể cả phải sử dụng đến phương án phản bác, thì nó vẫn mang động cơ xây dựng.

lPhản kháng: Phản biện xã hội không phải là sự phản kháng mà là nhằm lựa chọn phương án tốt nhất. Phản kháng là hoạt động chống đối nhằm đả kích, gạt bỏ phương án xã hội được đưa ra, do có sự đối lập về mục tiêu và bản chất xã hội. Phản kháng không chỉ là việc đối chọi về lập luận, ý kiến, mà còn thể hiện ở nhiều hình thức khác. Phản biện xã hội và phản kháng xã hội tuy khác nhau về bản chất, nhưng đôi khi lại có quan hệ với nhau. Phản kháng xã hội có thể xảy ra nếu không làm tốt phản biện xã hội. Phản biện xã hội là một giải pháp để phát hiện mâu thuẫn và hóa giải mâu thuẫn, tạo nên sự đồng thuận xã hội, phòng ngừa nguy cơ xảy ra phản kháng xã hội. Do vậy, có thể nói rằng nếu khước từ phản biện xã hội hay không làm tốt phản biện xã hội thì sẽ tạo mầm mống cho phản kháng xã hội.

Ranh giới giữa phản biện xã hội và phản kháng xã hội có thể phân biệt về mặt học thuật, nhưng trong thực tế biểu hiện của chúng thì phức tạp hơn nhiều. Phản biện xã hội có tính xây dựng, nhưng trong những trường hợp, tình huống cụ thể bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động phản kháng, ít nhất là trong việc tập hợp lực lượng, tạo tình huống chính trị, gây áp lực dư luận xã hội.

Từ khái niệm trên cho thấy phản biện xã hội là một hoạt động không thể tiến hành một cách giản đơn, ngẫu hứng hoặc chủ quan, duy ý chí. Phản biện xã hội đòi hỏi phải có mục đích rõ ràng, đúng đắn, có trách nhiệm chính trị cao; đòi hỏi trình độ, năng lực trí tuệ và trình độ, năng lực tổ chức; đòi hỏi phải có phương pháp khoa học và phù hợp với thực tiễn. Những yêu cầu đó phải được bảo đảm bằng một cơ chế thích hợp để hoạt động phản biện xã hội phát huy tốt vai trò tích cực của nó.

Vậy cơ chế là gì? Nói đến cơ chế tức là nói đến cách thức tổ chức nội bộ và quy trình vận hành của một hiện tượng, một hoạt động. Cơ chế phản biện xã hội là toàn bộ những cách thức, phương pháp điều hành với những công cụ trong không gian và thời gian nhất định, tuân thủ xu hướng nội tại của hoạt động phản biện xã hội để làm cho phản biện xã hội đạt được mục đích của nó.

Hoạt động phản biện xã hội không thể chỉ dựa trên cơ sở đạo lý, bằng những lời khuyến cáo hoặc bằng hô hào động viên tính tự giác, mặc dù những yếu tố đó đóng vai trò quan trọng, không thể coi nhẹ, mà phải dựa trên nền tảng pháp lý mới mang lại kết quả thiết thực cho phản biện xã hội.

Cơ chế phản biện xã hội mang tính lịch sử, do đó không thể thoát ly khỏi những điều kiện thực tế cho phép để đề ra những yêu cầu quá cao không thực hiện được. Cơ chế đó phải tính đến những yếu tố thuận lợi và khó khăn, thách thức, hạn chế để đặt ra những yêu cầu khả thi. Không xây dựng được một cơ chế như vậy, hoạt động phản biện xã hội vẫn chỉ là những mong muốn, nhiều lắm thì cũng chỉ có thể tiến hành một cách tượng trưng mà thôi.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

1) Theo Hán - Việt, chữ phản gồm 5 nghĩa; 1) trái, đối lập với chữ chính; 2) trả lại, trở về; 3) nghĩ, xét lại; 4) trở, quay; 5) trái lại, phản đối, trái lại không chịu.

2) Trần Đăng Tuấn: Câu hỏi đặt ra từ cuộc sống: Phản biện xã hội, Nxb Đà Nẵng, 2006, tr.160.

3) Xem:Phản biện xã hội. http://www.chungta.net,

ngày 27-2-2007.

4) Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30-1-2002 của Thủ tướng Chính phủ Về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

5)Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội X của Đảng,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.182-183.

 

PGS,TS Trần Hậu

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam