Phần bỏ đi của bắp ngô là thuốc quý chữa bệnh gan, thận
Râu ngô được dùng để pha nước uống hoặc sắc thuốc, có tác dụng lợi tiểu, hỗ trợ điều trị bệnh liên quan gan, thận, mật.
Ngô (bắp) là cây lương thực và là thảo dược có thể điều trị nhiều bệnh lý. Ngay cả râu ngô thường bị bỏ đi cũng là một nguyên liệu để chế biến thuốc. Sau khi thu hái, râu ngô được mang đi phơi khô, có thể đun nước uống như trà, kết hợp với một số thảo dược khác để sắc thuốc, chế thành cao loãng.
Trong Đông y, râu ngô có tên là ngọc mễ tu, vị ngọt, tính bình, tác dụng bình can, lợi đàm, tiêu thũng, lợi niệu. Các thầy thuốc thường sử dụng râu ngô để điều trị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, viêm bàng quang, sỏi thận, viêm túi mật, viêm gan…
Bạn có thể tận dụng râu ngô để hỗ trợ điều trị một số bệnh. Ảnh: Dr Axe
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác như Trung Quốc, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng dùng râu ngô để hỗ trợ chữa bệnh. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, loại thảo dược này được dùng để điều trị các bệnh về tuyến tiền liệt, nhiễm trùng đường tiết niệu, sốt rét.
Theo Healthline, nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra râu ngô cũng có thể giúp giảm huyết áp, cholesterol, lượng đường trong máu và chứng viêm.
Tác dụng tiềm năng
Dù râu ngô được dùng nhiều như một loại thảo dược nhưng chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định. Dù vậy, các dữ liệu sơ bộ cho thấy râu ngô có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với một số loại viêm nhiễm như bệnh tim và tiểu đường.
Cung cấp chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào của cơ thể chống lại tổn thương gốc tự do và stress oxy hóa. Stress oxy hóa là một trong những nguyên nhân chính gây ra một số bệnh mạn tính, bao gồm tiểu đường, bệnh tim, ung thư. Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và động vật cho thấy, râu ngô giàu chất chống oxy hóa flavonoid tự nhiên.
Có đặc tính chống viêm
Viêm là một phần phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, viêm quá mức có liên quan đến nhiều loại bệnh, bao gồm bệnh tim và tiểu đường.
Các phân tích ghi nhận chiết xuất râu ngô có thể làm giảm viêm bằng cách ức chế hoạt động của các hợp chất gây viêm. Chất xơ thực vật trong râu ngô cũng chứa magie, điều chỉnh phản ứng viêm của cơ thể.
Nước râu ngô có tác dụng lợi tiểu. Ảnh: Slurrp
Kiểm soát lượng đường trong máu
Một số nghiên cứu chỉ ra râu ngô có thể làm giảm lượng đường trong máu và hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng bệnh tiểu đường. Quan sát ghi nhận rằng những con chuột mắc bệnh tiểu đường được cung cấp flavonoid trong râu ngô đã giảm đáng kể lượng đường trong máu so với nhóm đối chứng.
Phân tích trong phòng thí nghiệm gần đây cũng tiết lộ chất chống oxy hóa trong râu ngô ngăn ngừa bệnh thận do tiểu đường. Mặc dù những kết quả này đầy hứa hẹn nhưng vẫn cần có những nghiên cứu trên người.
Có thể hạ huyết áp
Râu ngô có thể là một sự thay thế tự nhiên cho thuốc lợi tiểu, thường được sử dụng để giảm huyết áp. Một nghiên cứu gần đây trên chuột đã phát hiện ra rằng chiết xuất râu ngô làm giảm huyết áp bằng cách ức chế hoạt động của enzyme chuyển angiotensin.
Trong một thử nghiệm kéo dài 8 tuần, 40 người bị huyết áp cao đã sử dụng bổ sung chiết xuất râu ngô. Kết quả ghi nhận, huyết áp của họ giảm đáng kể so với nhóm đối chứng.
Có thể làm giảm cholesterol
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy những con chuột được cung cấp chiết xuất râu ngô đã giảm lượng cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (có hại) cùng với tăng cholesterol HDL (có lợi).
Cùng chế độ ăn nhiều chất béo, những con chuột được ăn râu ngô có cholesterol thấp hơn đáng kể so với những con còn lại.
Lưu ý khi sử dụng
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể bạn với râu ngô, bao gồm tuổi tác, tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh.
Hầu hết các nghiên cứu hiện có đều cho thấy râu ngô không độc hại. Nhưng nếu bạn dị ứng với ngô, bạn nên tránh xa râu ngô. Ngoài ra, bạn không nên sử dụng râu ngô khi đang dùng thuốc lợi tiểu, thuốc liên quan huyết áp, bệnh tiểu đường, chống viêm, làm loãng máu, chất bổ sung kali.
Nếu tự mua râu ngô để sử dụng tại nhà, bạn chọn nguồn cung cấp uy tín, tránh nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu. Râu ngô đạt chất lượng sợi bóng mượt, màu nâu vàng; loại bỏ sợi màu đen, đem rửa sạch, phơi khô.
Ban đầu, bạn chỉ nên dùng liều lượng thấp, không uống nhiều nước râu ngô, không kéo dài quá 10 ngày. Phụ nữ mang thai và trẻ em muốn dùng loại thảo dược này cần có ý kiến của bác sĩ.
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy