Phát hiện 2 hành tinh quay quanh một ngôi sao lân cận

Thứ sáu, ngày 26 tháng 8 năm 2022 | 9:53

Mới đây, một nhóm các nhà thiên văn học đã phát hiện 2 ngoại hành tinh mới quay quanh một ngôi sao lân cận có tên TOI-836, thông qua Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ ( NASA ).

Cho đến nay, Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA đã xác nhận hơn 230 ngoại hành tinh. (Ảnh minh họa: MIT News)
Cho đến nay, Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA đã xác nhận hơn 230 ngoại hành tinh. (Ảnh minh họa: MIT News)

Hai ngoại hành tinh trên được phân loại thành một “siêu Trái Đất” và một “tiểu sao Hải Vương”. Phát hiện này được công bố trong một bài báo xuất bản ngày 15/8 trên arXiv.org.

TESS hiện đang tiến hành khảo sát khoảng 200 nghìn ngôi sao sáng nhất gần Mặt Trời nhằm mục đích tìm kiếm các ngoại hành tinh chuyển tiếp. Cho đến nay, TESS đã xác định được hơn 5.800 ứng viên ngoại hành tinh, trong đó 233 hành tinh đã được xác nhận.

Một nhóm các nhà thiên văn học do Faith Hawthorn thuộc Đại học Warwick, Vương quốc Anh dẫn đầu, vừa xác nhận thêm 2 ngoại thế giới với sự hỗ trợ của TESS. Theo đó, các tín hiệu chuyển tiếp đã được xác định trong đường cong ánh sáng của TOI-836 (hay TIC 440887364) – một ngôi sao lùn K cách Trái Đất khoảng 90 năm ánh sáng.

Bản chất hành tinh của những tín hiệu này đã được xác nhận bởi các quan sát tiếp sau đó thông qua Vệ tinh nhận dạng ngoại hành tinh CHEOPS của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và nhiều đài quan sát khác trên mặt đất.

Trong hệ sao TOI-836, hành tinh TOI-836 b có bán kính lớn gấp khoảng 1,7 lần bán kính Trái Đất và nặng hơn Trái Đất khoảng 4,5 lần, với khối lượng riêng là 5,02g/cm3. Hành tinh này có chu kỳ quỹ đạo 3,81 ngày quanh sao chủ, nằm cách sao chủ xấp xỉ 0,0042 đơn vị thiên văn (AU - khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời), và có nhiệt độ cân bằng khoảng 871K (597,8 độ C). Với những thông số như vậy, TOI-836 b được gọi là một “siêu Trái Đất”.

 

“Siêu Trái Đất” là những hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái Đất nhưng không vượt quá khối lượng của sao Hải Vương. Mặc dù thuật ngữ “siêu Trái Đất” chỉ đề cập đến khối lượng của hành tinh, nhưng nó cũng được các nhà thiên văn học sử dụng để mô tả các hành tinh lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn “tiểu sao Hải Vương” (với bán kính lớn gấp 2-4 lần bán kính Trái Đất).

“Tiểu sao Hải Vương” TOI-836 c lớn hơn khoảng 2,6 lần và nặng gấp 9,6 lần hành tinh của chúng ta, do đó có khối lượng riêng là 3,06g/cm3. Hành tinh này có chu kỳ quỹ đạo khoảng 8,6 ngày và cách ngôi sao mẹ 0,0075AU. Nhiệt độ cân bằng của nó ước tính khoảng 665K (391,8 độ C).

Sao chủ TOI-836 là một ngôi sao lùn K 5,4 tỷ năm tuổi, có kích thước và khối lượng nhỏ hơn khoảng 33% so với Mặt Trời. Nhiệt độ hiệu dụng của nó vào khoảng 4,552K (4.278,8 độ C).

Theo các tác giả của nghiên cứu, những biến đổi đáng kể về thời gian chuyển tiếp trong những lần quan sát hành tinh TOI-836 c cho thấy khả năng tồn tại một hành tinh không chuyển tiếp thứ ba trong hệ sao TOI-836.

Theo Phys.org