Phát huy vai trò của các cấp hội và hội viên phụ nữ trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” được ban hành ngày 12/12/2013 là cơ sở lý luận, pháp lý và định hướng quan trọng để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Việc triển khai có hiệu quả Quyết định 217-QĐ/TW trong các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Nguyên đã góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; phát huy và nâng cao vai trò dân chủ đại diện của nhân dân.
Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn những vấn đề nổi cộm tại địa phương mà hội viên phụ nữ trong tỉnh quan tâm để định hướng cho Hội LHPN các cấp cùng tổ chức giám sát, phản biện; tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và tranh thủ sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương để tổ chức các hoạt động thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, đồng thời phân công cán bộ phụ trách thực hiện và kiểm tra, giám sát các hoạt động từ khâu chuẩn bị đến tiến hành tổ chức và kết thúc hoạt động, chú trọng hoạt động theo dõi việc thực hiện các kiến nghị/góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Hoạt động giám sát của Hội LHPN các cấp ngày càng thực chất, trở thành hoạt động trọng tâm, phát huy được hiệu quả, khẳng định được vai trò của tổ chức Hội trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Từ năm 2016 đến 2021, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì giám sát 11 nội dung; Hội LHPN 9/9 huyện, thành phố, thị xã chủ trì giám sát 133 cuộc; 178/178 cơ sở Hội thực hiện giám sát ít nhất 01 chính sách trong năm. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ quan tâm như: Việc xây dựng các "Địa chỉ tin cậy" ở cộng đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 30 Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Việc phổ biến, triển khai, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với cán bộ nữ chuyên trách và không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; chính sách đối với lao động nữ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình. Trách nhiệm của UBND các cấp trong thực hiện các quy định pháp luật về đảm bảo bình đẳng giới; bảo vệ môi trường; quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố. Hoạt động tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.... Qua hoạt động giám sát, các cấp Hội đã kịp thời phát hiện những sai phạm, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, luật pháp tại địa phương, làm căn cứ để Hội kiến nghị với cơ quan chuyên môn, chính quyền cùng cấp xem xét giải quyết và đề xuất các giải pháp kịp thời tháo gỡ.
Thực hiện công tác phản biện xã hội, các cấp Hội đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến, phản biện đối với dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bằng nhiều hình thức như lấy ý kiến đóng góp của hội viên phụ nữ; phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của chuyên gia và nhân dân; tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản và tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; phản biện xã hội thông qua giám sát việc thực hiện chính sách luật pháp... Trong 5 năm (2016 - 2021), các cấp Hội đã góp ý vào 1.477 dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương với 1.818 ý kiến, tập trung vào các vấn đề có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tham mưu, đề xuất tổ chức được gần 600 cuộc tiếp xúc, đối thoại định kỳ và trên 100 cuộc tiếp xúc, đối thoại đột xuất của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Có thể khẳng định rằng, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt kịp thời những vấn đề nổi cộm, nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của phụ nữ để có quyết định đúng đắn, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.
Nguồn:thainguyen.dcs.vn
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở