Phát huy vai trò của thanh tra nhân dân
Với hệ thống ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng “phủ kín” các xã, phường, thị trấn, hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng.
Để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng cần được tiếp sức để phát huy tốt vai trò của mình.
Cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Nam Từ Liêm và các đoàn thể, Ban Thanh tra nhân dân phường Mỹ Đình 1 giám sát việc thực hiện trật tự đô thị trên địa bàn.
Giám sát nhiều lĩnh vực
Thời gian gần đây, thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) được đầu tư nhiều công trình lớn. Trong 9 tháng năm 2023, Ban Thanh tra nhân dân cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Đại Nghĩa vận động nhân dân hiến gần 50m2 đất làm đường giao thông; di dời 52/61 ngôi mộ về nơi quy định để giải phóng mặt bằng khu đất đấu giá và khu vực xây dựng trụ sở thị trấn.
Ở thị xã Sơn Tây, với tinh thần làm việc trách nhiệm, tận tâm, Trưởng ban Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Sơn Lộc Phạm Đình Chiến cùng các thành viên đã phát hiện sai phạm của đơn vị thi công công trình nhà văn hóa trên địa bàn. “Ban Thanh tra nhân dân đã lập biên bản và đề nghị Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, chủ đầu tư dự án đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ 6 trụ bê tông không bảo đảm chất lượng”, ông Phạm Đình Chiến cho biết.
Trước đó, khi địa phương thực hiện cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước thải sinh hoạt và đường đi nhánh ngõ 24 phố chùa Thông thuộc tổ dân phố 2, các thành viên trong Ban Thanh tra nhân dân của phường phải làm công tác tư tưởng với những người ngăn cản và đe dọa lực lượng thi công không cho làm đúng theo thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Phú La (quận Hà Đông) kiêm Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Phú La Đỗ Tiến Đạt chia sẻ: “Từ đầu năm 2023 đến nay, chúng tôi chú trọng giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Toàn phường đã thành lập được 70 tổ liên gia về phòng cháy, chữa cháy, 34 điểm chữa cháy công cộng; vận động các chủ nhà trọ tháo dỡ lồng sắt “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm khi có tình huống xấu xảy ra”.
Vẫn cần gỡ khó
Bám sát sự hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Mặt trận các quận, huyện, thị xã đã hướng dẫn, chỉ đạo các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn giám sát những vấn đề trọng tâm như: Thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; giám sát việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn...
Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại một số xã, phường, thị trấn, cấp ủy Đảng, chính quyền còn thiếu quan tâm. Việc xử lý, giải quyết kiến nghị của ban thanh tra nhân dân còn chậm hoặc chưa triệt để. Công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chính quyền cơ sở và các tổ chức thành viên có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Một số ban thanh tra nhân dân còn thiếu chủ động trong hoạt động. Các thành viên phần lớn đều kiêm nhiệm công tác ở thôn, tổ dân phố, hoạt động không có phụ cấp…
Từ thực tế đó, nhằm từng bước giải quyết những bất cập trên, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) Lê Đình Can kiến nghị: “Cần lựa chọn người có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có lối sống trung thực, uy tín trong cộng đồng dân cư và thật sự tự nguyện tham gia công tác thanh tra nhân dân. Có như vậy mới phát huy được vai trò và uy tín của Mặt trận Tổ quốc”.
Còn Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Trung Hưng (thị xã Sơn Tây) Bùi Văn Tuất đề xuất: “Nhà nước cần nghiên cứu về chế độ phụ cấp cho trưởng ban và các thành viên ban thanh tra nhân dân. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nên mở lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ làm công tác thanh tra nhân dân”.
Để hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, Mặt trận các cấp sẽ thường xuyên nắm bắt, đề xuất biện pháp giải quyết để giúp hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát của Mặt trận với các cơ quan có trách nhiệm vào “guồng” hơn. Từng địa phương cần căn cứ tình hình thực tiễn để chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, tập trung lựa chọn và cụ thể hóa bằng những nội dung giám sát bảo đảm thiết thực, hiệu quả, gắn với trách nhiệm của từng thành viên làm công tác thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng...
Qua 9 tháng năm 2023, các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức 3.605 cuộc giám sát, phát hiện 484 vụ việc vi phạm; kiến nghị với chính quyền các cấp, cơ quan có thẩm quyền 474 vụ việc, trong đó 452 vụ việc được xem xét, giải quyết (đạt 95,3%). Qua giám sát đã kiến nghị chính quyền thu hồi 190m2 đất, 13,5 triệu đồng. Các ban giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia giám sát 2.611 công trình, dự án; phát hiện 150 vụ vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 140 vụ. Ngoài ra, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn phối hợp giám sát 3.566 vụ ở lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng; 840 vụ lĩnh vực quản lý đất đai; 1.342 vụ thực hiện dân chủ ở cơ sở; 635 vụ việc ở các lĩnh vực khác.
- Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ
- Anh dân quân không tham của rơi, tìm người để trả
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3