Giám sát và phản biện xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, giám sát đã được quy định trong Hiến pháp và trong một số văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước.
Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội mang tính nhân dân, tính dân chủ, tính xây dựng, và tính khoa học. Giám sát góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực để kịp thời phổ biến nhân rộng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, làm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể… Từ đó, kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống xã hội và đảm bảo tính hiệu quả; đồng thời góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhận thức đúng tầm quan trọng của giám sát và phản biện xã hội. Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh với vai trò là liên minh chính trị, là tổ chức rộng rãi của nhân dân, đã vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh ngày càng vững mạnh. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức đảng và cơ quan chính quyền, bao gồm cả việc giám sát việc thực hiện chính sách người có công, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh; giám sát cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước ở địa phương; tích cực tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân và vì dân.
Tuy nhiên, trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội thời gian qua vẫn còn những hạn chế trong phối hợp và hiệu quả một số nội dung chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa thực sự được quan tâm và gặp nhiều khó khăn, bất cập về cơ chế…
Thiết nghỉ, để giải quyết được những hạn chế trên thì công tác giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:
Trước hết, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cần tích cực trong tham gia thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó với vai trò giám sát của mình, khuyến khích người dân phản ảnh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.
Hai là, Phải có kế hoạch dài hạn và từng giai đoạn, trước mắt nên lựa chọn những vấn đề phù hợp, thiết thực với đời sống, những vấn đề bức xúc mà nhân dân đang quan tâm để thực hiện trước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh cần có chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát và phản biện xã hội cụ thể, báo cáo cấp ủy và chính quyền cùng cấp trước khi triển khai để được hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện.
Ba là, Coi việc giám sát và phản biện xã hội là công tác của toàn dân, ai cũng có trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội. Nhưng phải có sự phân công cụ thể, ai là chủ thể trực tiếp tổ chức giám sát và phản biện xã hội, tránh phân công chung chung dễ xẩy ra tình trạng trùng lắp nội dung hoặc có những việc không tổ chức nào thực hiện.
Sau cùng, Mọi thông tin về những việc cần giám sát và phản biện xã hội phải được minh bạch và công khai. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh cần biểu dương, khích lệ những người làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và có cơ chế bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời, đội ngũ cán bộ được phân công tham gia giám sát phải có kiến thức nhất nhất định về chuyên môn và bản lĩnh chính tri. Có như vậy công việc giám sát và phản biện xã hội mới có hiệu quả, góp phần làm lành mạnh các hoạt động xã hội, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương thật sự trong sạch vững mạnh.
Trọng Nghĩa