Phát huy vai trò hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Chủ nhật, ngày 29 tháng 10 năm 2023 | 14:37

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, trên cơ sở Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND, ngày 27/9/2017 quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Theo đó, trong thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh có nhiều nỗ lực tập hợp, liên kết lực lượng trí thức thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn cần có ý kiến của người dân. Ảnh: Đ.N

 

Phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, từ năm 2021 - 2022, trên địa bàn tỉnh có 18 nội dung được tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tỉnh cũng đã quan tâm bố trí khoảng hơn 800 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, qua đó, giúp các ngành, địa phương có thêm cơ sở, luận cứ khoa học trong quá trình xây dựng, trình duyệt và thực hiện các đề án, dự án, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chương trình, dự án được ban hành đều đảm bảo tính thực tiễn, tính khả khi và nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với việc hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các dự án đầu tư quan trọng của địa phương trong thời gian qua còn gặp phải những khó khăn nhất định. Cụ thể, năng lực phản biện của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân khi được yêu cầu phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; đồng thời không phải tổ chức, cá nhân nào cũng muốn tiến hành hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để có thể phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân nói chung và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nói riêng tham gia xây dựng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, cần đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động và năng lực phản biện của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân để khi được yêu cầu phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đưa ra những đánh giá, ý kiến phản biện có chất lượng, đảm bảo tính khoa học, độ tin cậy.

Việc quy hoạch xây dựng và phát triển nông thôn cũng cần có ý kiến của người dân và các cơ quan phản biện xã hội. Ảnh: ĐN

 

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về các chuyên gia tham gia góp ý kiến, tư vấn, phản biện, các tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; xây dựng cơ chế thông tin, phối hợp giữa các tổ chức liên quan với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh về công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội; giữa các cơ quan, tổ chức với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trước, trong và sau khi tổ chức tư vấn phản biện và giám định xã hội đề án, dự án, chính sách.

Để tiếp tục nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, cần có quy trình (các biểu mẫu, thông tin giám định viên, phản biện, mẫu báo cáo tác nghiệp theo các bước), tiêu chí đánh giá (định tính, định lượng) về tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; từng bước xây dựng cơ sở thông tin phục vụ tư vấn phản biện và giám định xã hội, chủ động lựa chọn các nội dung trọng tâm để theo dõi và thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Để bảo đảm các hoạt động phản biện xã hội được tiến hành một cách thực chất, kết quả phản biện, tham gia đóng góp ý kiến phải được tổng hợp, nghiêm túc tiếp thu hoặc không tiếp thu thì phải có ý kiến giải trình, thể hiện sự tôn trọng của cơ quan Nhà nước, cơ quan ban hành văn bản đối với nhân dân, cơ quan, tổ chức đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến.     

Đào Nguyên