Phát triển công nghệ giúp biến lá dứa thành sợi vải
Từ một sản phẩm nông nghiệp bỏ đi, startup này đã phát triển một loại máy biến lá dứa thành sợi vải để làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thời trang sau đó.
Vũ Thị Liễu - nhà sáng lập kiêm CEO startup Ecosoi mang đến Shark Tank một công nghệ xanh vốn đang là xu hướng của ngành thời trang thế giới. Được thành lập năm 2021, startup này chuyên phát triển những dòng máy tạo ra sợi vải bằng vật liệu xanh như máy tách sợi, máy đánh bông, máy chải sợi,..
Theo nhà sáng lập Ecosoi, với mỗi quả dứa được thu hái, người nông dân sẽ bỏ đi 2-3kg lá dứa, như vậy có cả triệu tấn lá dứa được bỏ đi hàng năm. Ý tưởng của startup là biến những sản phẩm nông nghiệp bỏ đi như lá dứa thành sợi vải, từ đó góp phần tạo thêm giá trị cho nông sản. Sản phẩm của Ecosoi đã có khách hàng tại Việt Nam và từng được mời đi triển lãm tại các sự kiện thời trang xanh trên khắp thế giới.
Công nghệ do startup Ecosoi phát triển có khả năng biến lá dứa - một loại phế phẩm nông sản vốn bỏ đi trở thành sợi vải. (Ảnh: Shark Tank)
Mô hình của Ecosoi là chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã và những doanh nghiệp có sẵn vùng nguyên liệu, cơ sở vật chất, nguồn lao động là người dân địa phương. Khách hàng hiện tại của startup là Pinatex – đơn vị sản xuất da từ sợi dứa lớn nhất trên thế giới.
Bản thân CEO Vũ Thị Liễu là giảng viên đại học khoa môi trường, giám đốc Nguyễn Văn Hạnh là một anh nông dân và thêm một người bạn đồng hành khác đang là chủ tịch của Keep It Beautiful Vietnam - tổ chức chuyên khôi phục những làng nghề truyền thống đang bị mai một
Nhóm 4 người sáng lập nên Ecosoi đã đóng góp 1 tỷ vào công ty, tiêu hết 800 triệu và hiện nay tài sản hiện có khoảng 800 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu nhận về từ việc chuyển giao công nghệ 20 máy cho các hợp tác xã và cũng thu lại lợi nhuận từ đó.
Cựu giảng viên Vũ Thị Liễu - nhà sáng lập đồng thời là CEO của startup Ecosoi. (Ảnh: Shark Tank)
Startup có doanh thu dự kiến năm 2022 là 4,7 tỷ đồng, năm 2023 là 40 tỷ đồng và năm 2024 là 71,5 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 15%. Đến với Shark Tank, công ty này mong muốn nhận được số tiền đầu tư 100.000 USD đổi lấy 20% cổ phần.
Số tiền kêu gọi sẽ được startup sử dụng để đóng gói các quy trình và mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mức tối thiểu mà khách hàng mong muốn là 7 tấn/tháng, nhưng hiện tại Ecosoi chỉ đạt được gần 3 tấn/tháng.
Sau màn giới thiệu sơ lược của Startup, các Shark tỏ ra khá quan tâm bởi đây là một sản phẩm bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng hiện tại.
Những mẫu máy do Ecosoi phát triển sản xuất trung bình được 4kg sợi/ngày. Trong khi đó Philippines là nhà cung cấp sợi dứa chủ yếu cho Pinatex chỉ có thể cho ra đời khoảng 3,75kg sợi/ngày.
Thêm vào đó, startup cho biết thêm, sau khi thu hoạch, lá sẽ được chuyển về để tuốt, làm sạch, chế biến mới thành sợi trong một quy trình kéo dài 48 tiếng. Trong khi đối thủ Philippines sản xuất 1 kg sợi từ 67kg lá thì Ecosoi chỉ cần 55kg lá dứa để tạo ra 1 kg sợi.
Một vài dòng sản phẩm thời trang làm từ sợi lá dứa do Ecosoi sản xuất. (Ảnh: Shark Tank)
Khi được các nhà đầu tư hỏi về vấn đề bảo vệ công nghiệp, CEO Ecosoi cho biết, họ đã đăng ký giải pháp hữu ích cho sợi công nghệ lá dứa và cũng đã đăng ký bản quyền cho dòng sợi và dòng vải.
Khi được đặt câu hỏi so sánh sợi dứa với sợi bông, startup cho biết sợi dứa đắt hơn sợi bông gấp 2,5 lần. Loại sợi này thấm hút mồ hôi tương đương nhưng tính cơ lý bền hơn so với sợi bông. Năm 2022, Ecosoi đã xuất ra thị trường khoảng 14 tấn sợi được làm từ lá dứa.
Dù còn một số quan ngại do nhóm phát triển là dân không chuyên, chưa nắm rõ cách thức vận hành một doanh nghiệp, thế nhưng cả Shark Hùng Anh (CEO Bin Corporation), Shark Liên (Đỗ Thị Kim Liên - nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN) đều đánh giá cao sản phẩm của startup.
Sau một hồi thương lượng, Shark Hùng Anh là người đạt được thỏa với Ecosoi khi ông quyết định bỏ ra 3 tỷ để đổi lấy 30% cổ phần của startup này.
Trọng Đạt
- Nhiều startup công nghệ thắng lớn tại Techfest Việt Nam 2024
- Indonesia: Apple đã rót hơn 15 tỷ USD vào sản xuất tại Việt Nam
- Chuyển đổi số để phát triển quận Bắc Từ Liêm xứng tầm
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu