Phát triển kinh tế xanh ở vùng Tây Nam Bộ

Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024 | 9:51

Vùng Tây Nam Bộ hiện có gần 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trung bình hằng năm có khoảng 400-500 dự án khởi nghiệp. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta và cũng đang đối mặt với thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu. Thực tế đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi nền kinh tế của vùng, trong đó chuyển đổi nông nghiệp cần phải giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững và đổi mới sáng tạo.

Mô hình nuôi ếch không sử dụng thuốc kháng sinh tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Mô hình nuôi ếch không sử dụng thuốc kháng sinh tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Sau một tuần đoạt giải nhất cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi xanh - Phát triển bền vững” do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Trung ương Đoàn tổ chức, nhóm tác giả dự án “Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha Amin” vẫn còn vẹn nguyên niềm vui mừng. Dự án này bao gồm: Bộ giải pháp Antibio X2 thay thế kháng sinh và sản phẩm BiO Gen1 xử lý môi trường trong nuôi thủy sản; sản phẩm lạp xưởng ếch tươi Amin Pro.

Ông Nguyễn Trung Tính, đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Alpha Amin ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án này không chỉ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng đầu vào cho ngành thủy sản mà còn mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng. Bằng cách giảm ô nhiễm môi trường nước nuôi thủy sản, dự án tạo điều kiện cho tuần hoàn nguồn nước và gia tăng miễn dịch tự nhiên cho động vật thủy sản, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu các mặt hàng thủy sản Việt Nam.

“Từ năm 2020, khi bắt đầu nghiên cứu và phát triển dự án, nhóm tác giả vẫn băn khoăn rằng sẽ phải đơn độc trên con đường nghiên cứu, khởi nghiệp. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, dự án đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân, các cơ quan, chính quyền địa phương và cộng đồng khởi nghiệp”, ông Nguyễn Trung Tính chia sẻ.

Cũng tại Đồng Tháp, mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp kết hợp với trữ cá được nhiều nông dân hưởng ứng tham gia ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông. Đây cũng là mô hình mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến (Hợp tác xã Quyết Tiến) ở ấp Long An A, xã Phú Thành A, cách sản xuất này được gọi ngắn gọn là mô hình “Lúa-cá-vịt”.

Phát triển kinh tế xanh ở vùng Tây Nam Bộ ảnh 1

Các nhà khoa học nghiên cứu sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Cũng theo ông Tuấn, chất thải của vịt và cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa, từ đó, góp phần hạn chế việc phun thuốc hóa học, giảm lượng phân bón vô cơ, giảm đáng kể chi phí sản xuất. Ngoài ra, nguồn rơm sau thu hoạch lúa cũng được tái sử dụng để sản xuất nấm rơm và giá thể hữu cơ, ủ phân hữu cơ truyền thống, làm thức ăn gia súc…

Vào mùa nước nổi, không thể trồng lúa, ông Tuấn cùng người dân nhử cá vào ruộng, nuôi lớn, chờ thu hoạch khi nước rút. “Nuôi trữ cá nhằm tạo nguồn cá tự nhiên để kết hợp vừa thu hoạch một phần, vừa tiếp tục nuôi nhiều loại cá trên ruộng lúa vụ mới. Hơn hai năm nay, mô hình cho thấy tạo được sự đa dạng hệ sinh thái trên đồng ruộng. Mô hình còn được tận dụng để khai thác du lịch mùa nước nổi cũng như quảng bá gạo sạch Quyết Tiến”, ông Nguyễn Minh Tuấn phấn khởi cho biết thêm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, những ý tưởng, mô hình trong phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, tổ chức quốc tế. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp thân thiện với môi trường, nông nghiệp xanh là hết sức cấp bách, càng có ý nghĩa với việc xác định kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế toàn vùng…

Nhớ lại lúc khởi tạo dự án “Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha Amin”, ông Nguyễn Trung Tính cho biết đội ngũ gặp không ít thách thức, khó khăn, từ thiếu hụt kiến thức, kinh nghiệm quản trị, marketing cho đến vốn đầu tư. Vì vậy, ông Tính đề xuất những doanh nghiệp có các sản phẩm hoặc quy trình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường nên được hưởng các ưu đãi về thuế. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển xanh. Bên cạnh đó, cần có thêm chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi hoặc vốn xanh, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hoặc các gói hỗ trợ tài chính xanh từ Chính phủ và các quỹ đầu tư xanh. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nhất là trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn về tài chính.

 

Mới đây, tại Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II năm 2024 diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp, các chuyên gia nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều giải pháp đột phá nhằm kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo, cộng hợp nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở khu vực đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức này.

Giáo sư Phan Văn Trường (chuyên gia trong lĩnh vực quản trị) đề xuất Chính phủ cần có hệ thống cung cấp đầy đủ dữ liệu về doanh nghiệp, sản phẩm địa phương cho những đối tượng cần. Theo Giáo sư Phan Văn Trường: Cần chủ động, tạo sự kết nối; từ đó, các doanh nghiệp trong nước có thể đưa ra những sản phẩm, dịch vụ cụ thể, đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.

Ông Peter Johnson, chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), cho biết, vùng Tây Nam Bộ đang chịu nhiều nguy cơ như mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn, sử dụng quá mức tài nguyên dẫn đến suy thoái đất và ô nhiễm nước. Ông cũng chỉ ra những khoảng trống chính sách khiến việc chuyển đổi sang kinh tế xanh trở nên chậm chạp. Ông Johnson đề xuất các giải pháp cụ thể như: “Nông nghiệp chính xác với sự hỗ trợ của hệ thống giám sát, phân tích dữ liệu và hạ tầng hiện đại; chuyển đổi phụ phẩm thực phẩm thành năng lượng hoặc các sản phẩm khác để tăng giá trị; ứng dụng công nghệ AI, IoT và phân tích dữ liệu nhằm giám sát đất, đánh giá sức khỏe cây trồng và quản lý nước”.

Kinh tế xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu để bảo vệ tài nguyên và nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, vùng Tây Nam Bộ cần ưu tiên đào tạo đội ngũ nhân lực có hiểu biết và kỹ năng về chuyển đổi xanh. Đây là yếu tố then chốt để thúc đẩy nhiều ngành kinh tế. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

(Ban IV), khuyến nghị: Bên cạnh quan tâm đến các sáng kiến, bộ, ban, ngành, tổ chức và doanh nghiệp lớn cũng cần tạo điều kiện, không gian để các startup cùng kết nối, tạo nên những giá trị tổng hợp to lớn hơn thay vì riêng lẻ.

Cũng tại Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II, Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong được ra mắt. Mạng lưới này là một sáng kiến của sự hợp tác từ hai khối công-tư nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại vùng Tây Nam Bộ. Mạng lưới bao gồm ban cố vấn chuyên môn, ban thư ký và các nhóm công tác chuyên biệt. Mạng lưới hoạt động theo cơ chế xây dựng kế hoạch hành động định kỳ, tổ chức các buổi họp hằng quý hoặc sáu tháng, xuất bản tin chuyên đề và tổ chức các hoạt động đặc thù khác…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định: “Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong” sẽ được duy trì, phát triển, trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công-tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy định hướng kinh tế xanh trên địa bàn…