Phát triển ổn định thị trường bất động sản

Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024 | 8:19

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản còn góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Thủy Nguyên
Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Thủy Nguyên

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thời gian qua sự phát triển “nóng” của lĩnh vực bất động sản đã bộc lộ nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: tình trạng “lệch pha cung-cầu” bất động sản, nhất là giá nhà ở còn cao so với thu nhập của người dân; công tác quản lý sử dụng đất tại các địa phương còn có những bất cập; một số địa phương có hiện tượng chia tách thửa, phân lô, bán nền thiếu kiểm soát…

Cùng với đó, hoạt động của thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do thiếu hệ thống thông tin, chưa kiểm soát tốt hoạt động của các sàn giao dịch, hoạt động môi giới bất động sản, dẫn đến tình trạng “loạn” giá, “ảo” giá giao dịch bất động sản.

Hơn một năm trước, khu đất đấu giá tại huyện Hoài Ðức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, đã 3 lần được thông báo đấu giá với mức giá khởi điểm hơn 60 triệu đồng, nhưng không có nhà đầu tư tham gia, cho nên không thể đấu giá thành công. Tình trạng đấu giá đất ảm đạm này cũng diễn ra ở nhiều huyện vùng ven vào thời điểm đó.

Nhưng nay, cũng là khu đất cách trung tâm thành phố hơn một giờ chạy xe, đã được đấu giá lên tới hơn 100 triệu đồng, cao nhất lên tới hơn 133 triệu đồng mỗi m2. Cũng do cơn sốt đất nền tại các huyện vùng ven diễn ra nhiều tháng qua, đã đẩy mặt bằng giá chung cư và nhà đất ở Hà Nội lên một mức cao chưa từng có.

Thực tế cho thấy, những “cơn sốt” đất ở, nhà ở không chỉ gây hệ lụy cho xã hội, mà còn ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương. Nhất là khi mặt bằng giá đất được đẩy lên cao, khi thực hiện các dự án, giá đền bù thu hồi đất sẽ cao hơn gấp nhiều lần, gây ảnh hưởng việc triển khai những công trình phục vụ kinh tế-xã hội.

Từ đây cũng làm nảy sinh nhiều khiếu kiện về đất đai, gây mất trật tự an ninh xã hội.

Nguyên nhân dẫn tới hoạt động của thị trường bất động sản vẫn có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh, bao gồm: hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập; việc triển khai đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguồn cung bất động sản, nhà ở thương mại giảm nhiều so với thời gian trước; giá bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở, đất ở liên tục tăng và quá cao so với thu nhập của người dân.

 

Trong khi đó, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, có hiện tượng thao túng, không công khai, minh bạch liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán; trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát triển nóng, thiếu tài sản bảo đảm, có hiện tượng phát hành trái phiếu, huy động vốn nhưng sử dụng không đúng mục đích…

Dự báo, trong giai đoạn 2024-2025, các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư mới sẽ được giải quyết và thị trường bất động sản sẽ phục hồi khi Luật Ðất đai 2024 được thực hiện đúng tiến độ.

Ðể bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đóng góp tích cực hơn cho phát triển nền kinh tế, các bộ, ban, ngành liên quan cần phối hợp đồng bộ trong việc nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, bảo đảm đồng bộ, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Cần theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường bất động sản, kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng.

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục có biện pháp kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, thị trường bất động sản và quản lý đất đai tại các địa phương, để có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch.

Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, triển khai thực hiện các dự án bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án bất động sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn, xử lý trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.