Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiện đại và hội nhập

Thứ bảy, ngày 24 tháng 9 năm 2022 | 7:10

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Chiều 23/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiện đại và hội nhập.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, với chủ đề: “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”, Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, từ đó xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường khoa học công nghệ để thị trường này thực sự trở thành con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất biến khoa học công nghệ thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế.

Thủ tướng nêu rõ, thị trường khoa học công nghệ ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách có liên quan, thị trường khoa học công nghệ bước đầu được hình thành, phát triển và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và so một số thị trường khác, thị trường khoa học công nghệ phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

So nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và so một số thị trường khác, thị trường khoa học công nghệ phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định: “Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ…”.

Do vậy, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiện đại và hội nhập ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đồng chí, quý vị đại biểu phát biểu ý kiến tập trung vào một số nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường khoa học công nghệ ở nước ta hiện nay đã tương xứng với vai trò, vị trí trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa?

Thứ hai, làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường khoa học công nghệ; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau ra sao? Tại sao kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào, nhưng hàng hóa khoa học công nghệ vẫn còn rất hạn chế? Tại sao nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa khoa học công nghệ? Các tổ chức trung gian, môi giới đã làm tốt vai trò kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hóa khoa học công nghệ hay chưa? Hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học công nghệ hiện nay ra sao, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế thế nào?

Thứ ba, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ còn vướng ở đâu, mắc ở chỗ nào? Văn bản nào cần bổ sung, sửa đổi, văn bản nào cần thay thế? Giải pháp nào để tăng cường vai trò của Nhà nước trong định hướng, điều tiết và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường khoa học công nghệ phát triển trong thời gian tới? Cần có những giải pháp đột phá nào để thị trường khoa học công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập trong thời gian tới?

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiện đại và hội nhập ảnh 2

Các đại biểu tại Hội nghị.

* Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nguồn cung cho thị trường khoa học công nghệ hình thành từ các hoạt động động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm ươm tạo công nghệ, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cũng như thông qua hoạt động nhập khẩu công nghệ, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365 nghìn thông tin về sở hữu trí tuệ. Theo thống kê từ các sàn giao công nghệ và thiết bị đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng nguồn cung công nghệ được thu thập và phổ biến hiện nay khoảng 77 nghìn bản ghi. Tuy vậy, theo số liệu Điều tra hoạt động đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo do Cục Thông tin khoa học công nghệ Quốc gia tiến hành năm 2019, chỉ có khoảng 16% các doanh nghiệp coi các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hóa khoa học công nghệ.

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, khoảng 75% công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó, công nghệ và thiết bị từ những nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu,… có chiều hướng tăng nhẹ trong những năm qua.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiện đại và hội nhập ảnh 3

Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, nguồn cầu công nghệ của thị trường khoa học công nghệ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhu cầu và cách thức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa khoa học công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam có thể được minh họa qua hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trên cơ sở phân tích số liệu điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2014-2016, cho thấy: 61,3% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó: 32,1% đổi mới sản phẩm; 39,9% đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị; 37,7% đổi mới tổ chức và quản lý và 28,6% đổi mới tiếp thị; 31% doanh nghiệp tiến hành cùng lúc từ 3-4 loại đổi mới sáng tạo.

Nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, tổng chi phí mua sắm công nghệ, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 là khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 40 tỷ USD), tăng gần 1,5 lần so năm 2016.

Về phương thức đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị: đại đa số các doanh nghiệp (79,1%) lựa chọn phương thức “đầu tư vào công nghệ mới gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” và/hoặc “nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” là phương thức chính để đổi mới quy trình công nghệ; 7,3% thông qua ký hợp đồng lao động mới với người có kỹ năng và kinh nghiệm; 7,5% thông qua sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty ngoài công ty mẹ cung cấp; 5,2% thông qua sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty khác trong công ty mẹ cung cấp.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thị trường khoa học-công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học-công nghệ là một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng nêu rõ, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để phát triển khoa học-công nghệ nói chung và thị trường khoa học-công nghệ nói riêng.

Phát triển thị trường khoa học-công nghệ phải lấy nghiên cứu khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; sự nỗ lực của các cấp, các ngành; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; sự tham gia, cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học, thị trường khoa học-công nghệ nước ta đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả tích cực.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, hướng tới sở hữu những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường khoa học-công nghệ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung, theo đó, về quan điểm chung: thị trường khoa học-công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển thị trường khoa học-công nghệ phải lấy nghiên cứu khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cần huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Phát triển của thị trường khoa học-công nghệ cần có chính sách đồng bộ, phù hợp, sự sẵn sàng của các nguồn cung cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian.

Phát triển thị trường khoa học-công nghệ cần được đặt trong mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính, các thị trường khác.

Phát triển thị trường khoa học-công nghệ cần được đặt trong mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính, các thị trường khác; gắn kết thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế; phát triển thị trường khoa học-công nghệ tuân thủ quy luật cung cầu, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo:

Nâng cao nhận thức về thị trường khoa học-công nghệ.

Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường khoa học-công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường khoa học-công nghệ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm.

Triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường khoa học-công nghệ quốc gia đến năm 2030, trong đó: thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường khoa học-công nghệ , nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học.

Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân; phát triển mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ khoa học-công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ.

Đầu tư cho các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm đã được quy hoạch phê duyệt liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.

Tăng cường xúc tiến thị trường khoa học-công nghệ tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Đẩy mạnh tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường khoa học-công nghệ quy mô vùng, quốc gia và quốc tế; quảng bá thị trường khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học-công nghệ.

Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật số về thị trường khoa học-công nghệ trong nước và quốc tế; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học-công nghệ …

Đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học-công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính.

Tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.

Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Nhân dịp này, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong công tác phát triển khoa học-công nghệ nói chung và phát triển thị trường khoa học-công nghệ nói riêng.

Thủ tướng cũng mong muốn các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua hệ thống, mạng lưới của mình, cần tham gia thiết thực, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao, công nghệ xanh cho các tổ chức, cá nhân trong nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.