Phiên giao dịch chứng khoán chiều 23/2: Bluechip hụt hơi, cổ phiếu phân bón đón sóng
Dòng tiền không hoạt động tích cực như hôm qua khiến nhiều mã bluechip như GAS, VHM và một số mã ngân hàng khiến VN-Index mất 8 điểm so với đỉnh của ngày khi đóng cửa.
Trong phiên giao dịch sáng, sự khởi sắc của nhóm dầu khí, cùng sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, bất động sản giúp VN-Index có phiên tăng mạnh lên gần ngưỡng 1.520 điểm. Đặc biệt, nhóm dầu khí có phiên khởi sắc cả giá và thanh khoản khi là nhóm tăng mạnh nhất và cũng là mã có thanh khoản tốt nhất trên cả 3 sàn.
Bước vào phiên giao dịch chiều, ngưỡng 1.520 điểm nhanh chóng được chinh phục ngay đầu phiên. Tuy nhiên, thiếu đi sự hỗ trợ của dòng tiền như phiên hôm qua khiến ngưỡng này nhanh chóng bị đánh mất trong tích tắc.
Thiếu sự hỗ trợ của dòng tiền, trong khi lực cung gia tăng ở nhóm bluechip như một mã ngân hàng, GAS, MSN, NVL, PNJ khiến VN-Index bị đẩy trở lại khá sâu khi mất 8 điểm so với đỉnh và đóng cửa thấp hơn phiên sáng, dưới ngưỡng 1.515 điểm. Đóng cửa, VN-Index tạo cây nến dạng Shooting Star với thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên hôm qua.
Diễn biến phiên hôm nay cho thấy, dường như “phe” nào đó không muốn để thị trường tăng lên quá nhanh, nên nén các mã có tác động lớn tới chỉ số, giúp VN-Index tăng vừa phải từng bước 1, dù sắc xanh vẫn chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.
Có thể thấy, trong khi nhóm dầu khi các mã đua nhau tăng mạnh, thì GAS lại bị thu hẹp đà tăng đáng kể. Cổ phiếu này nhiều lần bị đẩy lại khi chạm dải trên của bollinger band và phiên hôm nay cũng không ngoại lệ.
Không chỉ GAS, PLX cũng bị chịu sức ép khi đóng cửa chỉ còn mức tăng khiêm tốn 0,8% lên 62.500 đồng.
Ngoài các mã lớn dầu khí, nhiều mã ngân hàng sau khi có đà tăng khá tốt phiên sáng, cũng bị bán mạnh phiên chiều nên quay đầu như MBB, LPB, STB, ACB, OCB, đặc biệt là EIB bị bán rất mạnh nên quay đầu giảm tới 5,7% xuống 33.000 đồng. Trong khi đó, BID sau khi tăng 1,3% đầu phiên sáng, đã chịu áp lực sớm từ cuối phiên sáng và không thể cải thiện hơn trong phiên chiều, đóng cửa giảm 0,9% xuống 45.600 đồng. Cùng với đó là MSN, NVL cũng bị “ép” giảm nhẹ, kìm chân VN-Index. Đây là các mã lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index hôm nay, nhưng cũng chỉ hơn 1,5 điểm. Trong khi GAS sáng còn đóng góp nhiều điểm số nhất cho VN-Index thì phiên chiều không còn nằm trong Top 10 mã đóng góp cho VN-Index.
Chốt phiên, VN-Index tăng 8,83 điểm (+0,59%), lên 1.512,3 điểm với 326 mã tăng (14 mã trần), 111 mã giảm (1 mã sàn) và 62 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 694,7 triệu đơn vị, giá trị 22.394 tỷ đồng, giảm 23% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 34,5 triệu đơn vị, giá trị 1.018,2 tỷ đồng.
Nhóm dầu khí vẫn là điểm nhấn, trong đó PET, PVT, PXI duy trì sắc tím, còn PVD thậm chí có lúc cũng lên trần 34.250 đồng, nhưng cũng chịu lực bán cuối phiên nên đóng cửa tăng 4,5% lên 33.500 đồng. Thanh khoản vẫn cao nhất HOSE với 20,56 triệu đơn vị. Trong khi đó, PVT dù vẫn giữ được sắc tím, nhưng không còn dư mua trần như sáng, thanh khoản trên 10 triệu đơn vị.
Một mã khác liên quan trong nhóm là POW cũng hạ độ cao khi chỉ còn tăng 2% lên 18.150 đồng, khớp 17 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sau PVD và MBB.
Trong khi đó, nhóm phân đạm dù giá dầu, khí tăng ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm này vì đây là nhiên liệu đầu vào, nhưng lại đồng loạt khởi sắc theo nhóm dầu khí chung. Trong đó, 2 anh lớn của ngành là DPM và DCM đều khoác sắc tím 50.700 đồng và 32.200 đồng. Thanh khoản cũng khá cao với DPM hơn 10 triệu đơn vị và DCM hơn 6,8 triệu đơn vị.
Nhóm ngân hàng có sự phân hóa rõ, với 10 mã tăng và 7 mã giảm. Trong khi nhiều mã khác quay đầu giảm, thì SSB lại đảo chiều tăng ngoạn mục từ sắc đỏ của phiên sáng, đóng cửa với mức tăng 1,3% lên 36.450 đồng, chỉ thua TPB với mức tăng 2,7% lên 42.600 đồng. VCB cũng may mắn có sắc xanh nhạt.
Trong đó, MBB dù đảo chiều giảm nhẹ sau phiên khởi sắc hôm qua, nhưng vẫn hút dòng tiền khi đóng cửa với thanh khoản 17,3 triệu đơn vị, cao nhất nhóm. Tiếp đến là TPB với 16 triệu đơn vị, tiếp đến là STB hơn 13,6 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán đa số có sắc xanh, chỉ 2 mã giảm nhẹ là VDS và APG, nhưng đà tăng của các mã cũng không quá lớn. Điều tương tự cũng xảy ra ở nhóm thép.
Nhóm bất động sản lại có giao dịch tích cực hơn trong phiên chiều khi sắc tím xuất hiện ở SZC, VRC và LDG, trong đó LDG khớp 10,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần (20.550 đồng). Trong khi đó, DXG vẫn duy trì đà tăng 4,1% lên 40.400 đồng, khớp 13,47 triệu đơn vị. FLC tăng nhẹ 0,4% lên 12.800 đồng, khớp 11,6 triệu đơn vị.
Các mã tăng mạnh khác trong nhóm có TIP, DIG, SZL, DRH, LGL…
Trong khi đó, HNX dù có chút rung lắc lúc gần cuối phiên, nhưng với sự vững vàng của các mã lớn, nhất là nhóm dầu khí và bất động sản nên đà tăng được nới rộng hơn so với phiên sáng, dù không thể trở lại mức cao nhất trong ngày thiết lập giữa phiên chiều.
HNX-Index đóng cửa tăng 8,12 điểm (+1,87%), lên 442,54 điểm với 169 mã tăng (23 mã trần, nhiều hơn 9 mã so với phiên sáng), trong khi chỉ có 50 mã giảm (1 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 113,3 triệu đơn vị, giá trị 3.307,3 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,3 triệu đơn vị, giá trị 82,6 tỷ đồng.
Trên sàn này, nhóm dầu khí và phân bón cũng là những ngôi sao sáng với sắc tím xuất hiện ở PVS (33.200 đồng), PVC (17.800 đồng), PVB (21.400 đồng) ở nhóm dầu khí, hay PSE (20.900 đồng), PMB (20.300 đồng) ở nhóm phân bón. Trong đó, PVS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất và vượt trội so với phần còn lại với 27,9 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần.
Các mã dầu khí khác tăng mạnh là PCG tăng 6,1% lên 10.400 đồng, PVG tăng 5,5% lên 15.300 đồng, PGS tăng 3,9% lên 27.000 đồng. Trong khi các mã phân bón khác cũng tăng mạnh là PCE tăng 9% lên 27.900 đồng, hay LAS tăng 3,2% lên 19.100 đồng.
Không chỉ phân bón và dầu khí, nhóm bất động sản trên sàn này với đại diện là CEO cũng có giao dịch tích cực khi tăng 5,1% lên 69.700 đồng, khớp 5,5 triệu đơn vị. Đặc biệt, HUT sau thông tin sáp nhập Savico Holdings để nhảy sang lĩnh vực phân phối xe ô tô đã bật tăng trần lên 27.600 đồng trong phiên chiều, thanh khoản 4,9 triệu đơn vị.
Điểm đặc biệt, khác với sàn HOSE, top 20 cổ phiếu lớn nhất sàn HNX không có mã nào giảm, chỉ có 4 mã đứng giá, còn lại đều tăng. Ngoại trừ PVS, HUT, CEO, tăng mạnh còn có SCG, L14, hay IDC.
UPCoM lại gặp rung lắc khá mạnh trong nửa đầu phiên chiều, nhưng cũng kịp lấy lại đà tăng vững trong ít phút cuối phiên.
UPCoM-Index cũng tăng 0,5 điểm (+0,44%), lên 113,51 điểm với 261 mã tăng (22 mã trần, nhiều hơn 8 mã so với phiên sáng), trong khi chỉ có 97 mã giảm (7 mã sàn, nhiều hơn 6 mã so với phiên sáng). Tổng khối lượng giao dịch đạt 88,1 triệu đơn vị, giá trị 1.964,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Trên thị trường này, nhóm dầu khí vẫn giữ vai trò chính khi tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Trong đó, BSR tăng 4,5% lên 27.900 đồng, khớp 23,7 triệu đơn vị, cao nhất thị trường. Tiếp đến là OIL tăng 4,3% lên 19.500 đồng, khớp 7,3 triệu đơn vị.
Các mã đáng chú ý khác có VHG khớp 5,5 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 9.700 đồng. BVB tăng 1,4% lên 21.000 đồng, khớp 4,76 triệu đơn vị. VGT tăng 1,9% đóng cửa 26.300 đồng, khớp 3,15 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, ngoại trừ hợp đồng đáo hạn tháng 9, còn lại đều tăng mạnh hơn VN30. Cụ thể, VN30-Index tăng 6,47 điểm (+0,42%), lên 1.538,83 điểm với 21 mã tăng, 7 mã giảm và 2 mã đứng giá. Trong khi đó, hợp đồng đáo hạn gần nhất là tháng 3 tăng 11,8 điểm (+0,78%), lên 1.529,3 điểm với 116.353 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 24.817 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng chiếm ưu thế hơn số mã giảm. Trong đó, tăng mạnh nhất là CVPB2110 do BSC phát hành tăng 30,3% lên 1.160 đồng, thanh khoản 63.500 đơn vị. Trong khi giảm mạnh nhất là CFPT2110 do SSI phát hành, giảm 33,3% xuống 20 đồng, thanh khoản hơn 2 triệu đơn vị. Đây cũng là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường hôm nay.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/phien-giao-dich-chung-khoan-chieu-23-2-bluechip-hut-hoi-co-phieu-phan-bon-don-song-post291684.html
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán