Phiên giao dịch sáng 7/2: Khai Xuân tưng bừng, nhóm dầu khí và vận tải nổi sóng
Thị trường có phiên giao dịch đầu năm Nhâm Dần tưng bừng khi chỉ số VN-Index tăng vọt và vượt thành công mốc 1.500 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí và vận tải gồm vận tải biển và vận tải hàng không tăng mạnh mẽ.
Thống kê lịch sử, thị trường sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán thường có xu hướng tăng. Trong 6 năm gần đây (2016-2021), chỉ số VN-Index thường tăng tốt trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, ngoại trừ năm 2020, do hiện tượng “thiên nga đen”- ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, dòng tiền sau khi “nghỉ ngơi” đón Tết được kỳ vọng sẽ quay trở lại giúp thanh khoản duy trì ở mức cao.
Và diễn biến phiên giao dịch sáng ngày khai Xuân 7/2 không nằm ngoài xu hướng chung. Sau 1 tuần nghỉ ngơi, nhà đầu tư đã hồ hởi xuống tiền mở hàng đầu năm giúp sắc xanh dần lan rộng trên bảng điện tử, chỉ số VN-Index áp sát mốc 1.500 điểm ngay khi mở cửa.
Đà tăng tiếp tục được nới rộng hơn khi các cổ phiếu lớn bé đua nhau tăng mạnh, giúp VN-Index dễ dàng vượt ngưỡng kháng cự 1.500 điểm và tạm dừng phiên sáng ở vùng giá cao nhất trong phiên.
Đóng cửa, sàn HOSE có 370 mã tăng (42 mã trần) và 89 mã giảm (1 mã sàn), chỉ số VN-Index tăng 25,27 điểm (+1,71%) lên 1.504,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 353,25 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 10.622,63 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 5,29 triệu đơn vị, giá trị gần 216 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vận tải và cảng biển là điểm sáng của thị trường trong phiên sáng nay. Đáng chú ý là VJC có thời điểm tăng kịch trần và chốt phiên sáng tăng 6,9% lên mức giá 130.300 đồng/CP, bên cạnh hàng loạt mã như GMD, HVN, VOS khoe sắc tím.
Bên cạnh đó, nhóm dầu khí đua nhau tỏa sáng, với GAS tăng 6,4% lên mức giá cao nhất trong phiên 116.000 đồng/CP, PLX tăng 5,9% lên mức 59.400 đồng/CP và có thời điểm tăng kịch trần, POW không giữ được đà tăng trần nhưng chốt phiên tăng 6,3% lên mức sát trần 17.850 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động đạt 15,26 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, hàng loạt mã vừa và nhỏ như CIG, LDG, HAR, HQC, ITA, VPH, FCN, FLC, SCR, NVT, QCG… đồng loạt tăng trần với lượng dư mua trần khá lớn. Trong khi ở top cổ phiếu lớn hơn có sự phân hóa với VIC, PDR, DIG đang giảm nhẹ, còn NVL, BCM, KDH, KBC đang tăng trong biên độ hẹp.
Cũng thuộc nhóm cổ phiếu này, một số mã đã lấy lại tăng tốt sau nhịp giảm trước Tết Nguyên đán như TCH tăng 4,8% lên mức 20.700 đồng/CP và khớp 1,85 triệu đơn vị, hay BCG tăng 3,2% lên 22.400 đồng/CP…
Nhóm chứng khoán cũng xanh mướt mát với các mã lớn đầu ngành như SSI tăng 2%, HCM tăng 4%, VND tăng 3%, VCI tăng 4,5%, BSI tăng 4%, FTS tăng 3%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần yếu thế hơn với diễn biến khá phân hóa khi BID, CTG, SSB, EIB, LPB giảm nhẹ; trong khi TCB, VPB, ACB, VPB, VIB, STB, VCB tăng nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu bluechip, bên cạnh các mã đầu ngành tăng tốt, nhiều mã khác cũng góp phần hỗ trợ thị trường như MSN và VRE cùng tăng 3,4%, GVR và SAB cùng tăng 2,4%, HPG tăng 1,9%, BVH tăng 1,7%...
Trái lại, nhóm VN30 chỉ có 5 mã đỏ điểm là BID, CTG, VIC, PDR, VNM điều chỉnh nhẹ với mức giảm chỉ trên dưới 0,5%.
Trong khi đó, nhóm vừa và nhỏ sắc tím nở rộ. Trong đó, FLC tăng 6,8% lên mức 11.850 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 23,4 triệu đơn vị; các mã khác trong họ FLC là ROS, HAI, AMD cũng nhanh chóng khoe sắc tím.
Trên sàn HNX, thị trường cũng tăng tốt nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm HNX30.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 168 mã tăng và 51 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 4,79 điểm (+1,15%) lên 421,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,57 triệu đơn vị, giá trị tương ứng gần 830 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ hơn 12,8 tỷ đồng.
Bên cạnh họ P tăng mạnh như PVS tăng 7% lên mức 29.000 đồng/CP, PVC tăng 6,9% lên 15.400 đồng/CP, PVB tăng 2,8% lên 18.500 đồng/CP, các mã khác trong nhóm HNX30 tăng tốt như VMC tăng kịch trần, LAS tăng 4,8%, SHS tăng 3,3%, TNG tăng 3,2%...
Các mã vốn hóa lớn đóng góp chính vào chỉ số chung của thị trường như IDC tăng 2,7% lên 63.700 đồng/CP, VCS tăng 2,7% lên 107.000 đồng/CP, THD xanh nhạt…
Ở chiều ngược lại, nhóm HNX30 cũng chỉ còn 4 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, với NTP giảm sâu nhất khi để mất 4,8% xuống mức 66.000 đồng/CP, CEO cũng rung lắc và chốt phiên giảm 1,1% xuống mức 61.300 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thành viên FLC là KLF cũng tăng kịch trần và chốt phiên tại mức giá 6.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị, chỉ thua PVS về thanh khoản, đạt 5,13 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã khác như HUT, ART, DL1, BII, AMV… cũng tăng mạnh.
Trên UPCoM, thị trường tăng tốt trong suốt cả phiên sáng. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 1,02 điểm (+0,93%) lên mức 110,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,29 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 704,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm 1,4 tỷ đồng.
Cặp đôi dầu khí là BSR tăng 8,5% lên mức giá 26.900 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, dẫn đầu thị trường khi đạt gần 11,72 triệu đơn vị khớp lệnh; trong khi OIL tăng 6,9% lên mức 18.600 đồng/CP và khớp 1,45 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng với ABB, VAB, BVB, NAB… chỉ tăng nhẹ.
Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu VHG lấy lại đà tăng trần với biên độ tăng 14,5% và chốt phiên đứng tại mức giá 8.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch chỉ thua BSR, đạt gần 2,2 triệu đơn vị.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/phien-giao-dich-sang-7-2-khai-xuan-tung-bung-nhom-dau-khi-va-van-tai-noi-song-post290774.html
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán