Phiên "rời đỉnh" 1.300 điểm chưa làm thay đổi xu hướng tăng trung hạn của thị trường chứng khoán

Thứ ba, ngày 18 tháng 6 năm 2024 | 9:11

Nhìn một cách tổng thể, phiên giảm điểm manh cuối tuần qua chưa làm thay đổi xu hướng tăng trong trung hạn của thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh nền tảng vĩ mô trong nước vẫn ổn định và đang cải thiện trên một số mặt như tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu, ổn định tỷ giá và thị trường vàng... Do đó, nhịp điều chỉnh lần này của thị trường nếu có thì mức độ không lớn và sẽ không kéo dài.

Đây là nhận định về phiên giảm điểm bất ngờ phiên cuối tuần và dự báo về xu hướng thị trường chứng khoán của ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT.

*PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần với nhiều biến động, VN-Index đã “lập đỉnh” rồi bất ngờ “rời đỉnh”. Ông có biết cụ thể hơn về diễn biến thị trường tuần qua?

Ông Đinh Quang Hinh
Ông Đinh Quang Hinh

Xu hướng tăng trong trung hạn của thị trường vẫn chưa thay đổi, đặc biệt trong là bối cảnh nền tảng vĩ mô trong nước vẫn ổn định và đang cải thiện trên nhiều mặt.

Ông Đinh Quang Hinh: Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần (10 - 14/6) với diễn biến nhiều bất ngờ, khi chỉ số VN-Index quay đầu điều chỉnh trong phiên cuối tuần, sau khi thành công vượt mốc 1.300 điểm vào giữa tuần.

Thị trường chứng kiến các phiên tăng, giảm đan xen, trong đó nổi bật với phiên 12/6, chỉ số VN-Index tăng mạnh hơn 15 điểm và chính thức vượt mốc 1.300 điểm với thanh khoản hơn 23 nghìn tỷ đồng; và diễn biến bất ngờ đến trong phiên giao dịch cuối tuần (14/6) khi VN-Index quay đầu giảm mạnh -21,6 điểm, với áp lực chốt lời gia tăng mạnh trong buổi chiều, kéo thanh khoản sàn HOSE cả phiên đạt mức cao hơn 29 nghìn tỷ đồng.

Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index giảm -0,6% so với tuần trước và xuống mốc 1.279,91 điểm. Chỉ số HNX-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 243,97 điểm, giảm -0,42% so với tuần trước; còn chỉ số UPCoM-Index giảm -0,82%, còn 98,05 điểm.

Trong tuần, các cổ phiếu như FPT (+6,8%), VPB (+3,9%) và HVN (+5,5%) là các nhân tố chính hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số VN-Index; ở chiều ngược lại, các cổ phiếu GVR (-5,7%), SAB (-6,6%) và VIC (-3,5%) gây áp lực lên chỉ số chung.

Về thanh khoản, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường tăng nhẹ. Tính trên HOSE, giá trị giao dịch bình quân phiên tăng khoảng 7,7% so với tuần trước, đạt 24.516 tỷ đồng/phiên.

Khối ngoại tiếp tục đà bán ròng 5.723 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng khoảng -5.524 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng +49 tỷ đồng trên HNX và bán ròng gần 248 tỷ đồng trên UPCoM.

Phiên
Thị trường chứng khoán vẫn trong xu hướng tích cực trong trung, dài hạn.

*PV: Ông đánh giá thế nào về phiên giảm bất ngờ phiên cuối tuần khiến VN-Index rời mức đỉnh tại 1.300 điểm vừa được lập?

Nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân nếu chỉ số VN-Index tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.260 điểm (+/10 điểm), ưu tiên những nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh trong thời gian gần đây và có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2024 và nửa cuối năm nay.

Ông Đinh Quang Hinh: Như đã chia sẻ ở trên, thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch biến động khi chỉ số VN-Index vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm vào giữa tuần, nhưng sau đó lại bất ngờ giảm mạnh trong phiên chiều ngày thứ 6 và lùi về dưới 1.280 điểm. Điều này gây bất ngờ cho khá nhiều nhà đầu tư, khi trước đó thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực về số liệu lạm phát thấp hơn dự báo tại Mỹ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ duy trì đà giảm và chứng khoán Mỹ lập đỉnh cao mới.

Theo tôi, đà giảm phiên này có thể đến từ động thái chốt lời của nhà đầu tư, khi nhiều cổ phiếu đã khi nhận mức tăng mạnh 20 - 30% chỉ trong thời gian ngắn như nhóm cổ phiếu cảng, vận tải biến, công nghệ…

Bên cạnh đó, thị trường cũng chịu ảnh hưởng bởi động thái liên tiếp của khối ngoại và lo ngại về việc mối quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán suy giảm khi Vòng Chung kết Euro 2024 diễn ra.

*PV: Ông dự báo thế nào về mức độ, hay cường độ điều chỉnh của thị trường có thể tạo ra sau phiên giảm bất ngờ đó?

Ông Đinh Quang Hinh: Nhìn một cách tổng thể, phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua (14/6) chưa làm thay đổi xu hướng tăng trong trung hạn của thị trường, đặc biệt trong là bối cảnh nền tảng vĩ mô trong nước vẫn ổn định và đang cải thiện trên một số mặt như: tăng trưởng GDP, giá trị xuất nhập khẩu tăng, ổn định tỷ giá và thị trường vàng... Do đó, tôi cho rằng, nhịp điều chỉnh lần này của thị trường có mức độ không lớn và sẽ không kéo dài.

Chính vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân nếu chỉ số VN-Index tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.260 điểm (+/10 điểm), ưu tiên những nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh trong thời gian gần đây và có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2024 và nửa cuối năm nay, chẳng hạn như: cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép và xuất khẩu (dệt may, thủy sản)./.

*PV: Xin cảm ơn ông!

]]