Phổ biến kiến thức pháp luật cho sinh viên về ngành hàng đa cấp

Chủ nhật, ngày 10 tháng 7 năm 2022 | 9:39

Lễ ký kết hợp tác giữa Amway Việt Nam (thương hiệu toàn cầu về sức khỏe và sắc đẹp) với Trung tâm Thông tin, tư vấn và đào tạo (Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương) và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (Trung ương Hội LHTN Việt Nam) vừa diễn ra hướng đến tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức của họ trong việc tự bảo vệ quyền lợi khi mua sắm, tiêu dùng các sản phẩm được kinh doanh theo mô hình đa cấp, ngăn ngừa sinh viên và những người trẻ tham gia vào các mô hình đa cấp bất chính, trái pháp luật.

Bán hàng đa cấp là một trong những loại hình bán hàng trực tiếp, đã có lịch sử hơn 60 năm trên thế giới với doanh thu trung bình năm trong giai đoạn gần đây đạt khoảng 170 đến 180 tỷ USD.

Tại Việt Nam, bán hàng đa cấp xuất hiện từ đầu những năm 2000 và chính thức được pháp luật điều chỉnh từ năm 2004. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đến nay, bán hàng đa cấp đã trở thành ngành công nghiệp có doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, thu hút được đông đảo nguồn lao động trẻ tham gia.

Sinh viên là những người trẻ, năng động, nhạy bén với công nghệ thông tin và các xu hướng mới trong xã hội. Họ là những người tiêu dùng, đồng thời, cũng là lực lượng lao động tiềm năng tham gia tiêu dùng và kinh doanh các sản phẩm theo phương thức đa cấp. Bởi vậy, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho sinh viên thông qua các nội dung thiết thực, như giới thiệu về bản chất và đặc điểm của bán hàng đa cấp; cách thức nhận biết dấu hiệu của hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính; trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ… sẽ mang nhiều ý nghĩa trong việc tăng cường hiểu biết, ý thức tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của sinh viên với vai trò là người tiêu dùng hoặc người tham gia bán hàng đa cấp.

Tiếp nối thành công của các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trước đây đã từng thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều sinh viên và các bạn trẻ, các bên tham gia lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác ngày hôm nay nhất trí phối hợp chặt chẽ để tổ chức chuỗi hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho sinh viên tại các trường đại học lớn trong cả nước trong giai đoạn 2022-2024.

Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung hướng đến trong giai đoạn này gồm:

Phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nội dung khác có liên quan.

Tuyên truyền, cập nhật các thông tin chính thống về ngành bán hàng đa cấp và những dấu hiệu nhận diện các hành vi đa cấp bất chính.

Phổ biến quy trình phản ánh, kiến nghị, khiếu nại các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua Hệ thống tiếp nhận, tư vấn, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng đặt tại Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) và Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ Công Thương (Tổng đài 1800.6838).

Phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong ngành hàng đa cấp cho sinh viên - Ảnh 2.

Ông Phan Đức Quế, Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn và đào tạo (Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng) phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/DA

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Đức Quế, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) chia sẻ: Với nỗ lực của các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cùng ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp để đáp ứng những quy định, điều kiện mới có phần khắt khe hơn trong thời gian qua, đã giúp thanh lọc, loại bỏ những doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính hoặc yếu kém, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. 

Bản ghi nhớ hợp tác lần này thể hiện sự chung tay, đồng hành của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho sinh viên các trường đại học, hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người trẻ khi tham gia tiêu dùng, kinh doanh tại Việt Nam.

Phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong ngành hàng đa cấp cho sinh viên - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Thiên Triều, Tổng Giám đốc Amway Việt Nam phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/DA

Ông Huỳnh Thiên Triều, Tổng Giám đốc Amway Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng chuỗi hội nghị chuyên đề sắp tới sẽ giúp các bạn sinh viên có được những kiến thức về bán hàng đa cấp, cũng như những hiểu biết sâu sắc về một mô hình kinh doanh tiên tiến đã được phổ biến rất rộng rãi trên toàn thế giới, giúp các bạn có một hành trang vững chắc trong quá trình học tập, cũng như quyết định chọn lựa riêng cho tương lai của chính mình".

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (Trung ương Hội LHTN Việt Nam) cho biết: "Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ về mặt chuyên môn và đồng hành cùng Amway Việt Nam để có thể triển khai nhiều hội nghị, nhiều hoạt động cho các bạn sinh viên tại các trường đại học trên cả nước nhằm phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bán hàng đa cấp trong thời gian tới. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên được trang bị những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, tiếp cận thông tin pháp lý cập nhật về bán hàng đa cấp và bảo vệ người tiêu dùng".

Hoạt động hợp tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho sinh viên các trường đại học nêu trên nhằm hướng đến các đối tượng cụ thể với từng mục đích rõ ràng:

Đối với người tiêu dùng nói chung và sinh viên nói riêng:

  • Nâng cao nhận thức của sinh viên đại học, người tiêu dùng trẻ và cộng đồng xã hội về các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  • Khuyến khích sinh viên và người tiêu dùng trẻ tiếp cận thông tin pháp lý cập nhật về bán hàng đa cấp và bảo vệ người tiêu dùng: Các quy định của doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi người tham gia và người tiêu dùng sản phẩm bán hàng đa cấp; quy trình về kiến nghị, khiếu nại các trường hợp sai phạm liên quan đến bán hàng đa cấp thông qua Hệ thống tiếp nhận, tư vấn, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng đặt tại Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) và Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ Công Thương (Tổng đài 1800.6838).

Đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp:

  • Nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp và xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng trẻ.
  • Tăng cường sự tương tác, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội và doanh nghiệp bán hàng đa cấp với đối tượng sinh viên và người tiêu dùng trẻ tại địa phương để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  •