Phòng chống tham nhũng không chịu bất cứ tác động không trong sáng nào
Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, không chịu bất cứ tác động không trong sáng nào.
Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gồm 16 thành viên, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban nhằm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương
Nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả
Nhìn lại 10 năm qua, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư, hoạt động của Ban chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả.
Ban Chỉ đạo vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; vừa quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào.
Đáng chú ý là trong quá trình đó, Ban Chỉ đạo đã chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác phòng chống tham nhũng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục.
Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học
Cụ thể như chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục việc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, tương trợ tư pháp hình sự; chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (tham nhũng vặt)...
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đã thành lập 95 đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc về công tác phòng chống tham nhũng tại hơn 130 lượt cấp ủy, tổ chức đảng; kiến nghị 433 nhóm vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng các bộ, ngành theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý hơn 700 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.
Bộ Chính trị đã chú trọng tổng kết thực tiễn, kịp thời sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Nhất là ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32 bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác phòng chống tham nhũng và công tác phòng, chống tiêu cực.
Ban cạnh đó, các cơ quan nội chính, kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được củng cố, kiện toàn, phối hợp ngày càng chặt chẽ, kịp thời, thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế về tình hình tham nhũng của Việt Nam, năm 2012 khi đang làm thủ tục thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng họ chấm điểm Việt Nam xếp thứ 123/176 quốc gia. Đến năm 2020, Việt Nam đứng thứ 87/180 quốc gia.
“Chúng ta đã vượt qua 27 bậc. Điều đó cho thấy kết quả rất đặt biệt kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố vào đầu năm 2022 tiếp tục cho thấy, Việt Nam trên đà thăng hạng về phòng chống tham nhũng với số điểm 39/100, tăng 3 điểm so với năm 2020, xếp thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây cũng là chỉ số CPI cao nhất của Việt Nam trong giai đoạn từ 2012-2021. Trong 10 năm qua, chỉ số CPI của Việt Nam được cải thiện từ mức thấp nhất là 30 điểm trong năm 2012 lên 39 điểm trong năm 2021.
Điều đó càng khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Không để “cái sảy nảy cái ung"
Gần đây, thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, Ban Bí thư đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Đến ngày 27/6, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Chia sẻ với VietNamNet, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là rất hợp lòng dân.
Ngày 16/6, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên. Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát các quy định của Trung ương và quy chế làm việc để hoạt động; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm.
Theo bà Hải, sự ra đời của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực được đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung ương đến địa phương.
“Khi có Ban Chỉ đạo sẽ giúp địa phương phát hiện nhanh, sớm các sai phạm để xử lý kịp thời, đảm bảo tính cảnh báo, răn đe. Từ đó, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngay từ cơ sở, không để “cái sảy nảy cái ung"; tránh tình trạng sai phạm nhỏ lâu ngày vì không bị phát hiện, xử lý kịp thời sẽ tích tụ thành sai phạm lớn và kéo dài qua nhiều năm gây thiệt hại lớn cho nhà nước và bức xúc cho người dân”, Bí thư Thái Nguyên nhấn mạnh.
Để Ban chỉ đạo hoạt động hiệu quả, bà Hải cho rằng, các thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khách quan, công bằng, phải thực sự gương mẫu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đặt dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Ban Chỉ đạo trung ương sẽ thực sự phát huy vai trò là "cánh tay nối dài" của Trung ương tại địa phương, tạo điều kiện để toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi có những dấu hiệu sai phạm ban đầu.
“Việc này vừa kiểm soát quyền lực, đảm bảo “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; vừa khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và không bị chi phối bởi bất cứ thế lực nào trong quá trình xử lý các sai phạm của cán bộ, đảng viên”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Nhìn nhận những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ khi có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến nay, Bí thư Thái Nguyên kỳ vọng, với sự ra đời của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ phát huy được vai trò “thanh bảo kiếm” của Đảng ở cơ sở, để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa. Cán bộ, đảng viên nhìn vào đó để tự răn đe và không dám vi phạm.
Nêu thực tế vừa qua, nhiều vụ việc ở một số tỉnh, thành bị đưa ra xử lý đều là các sai phạm tích tụ và kéo dài qua nhiều năm, bà Hải hy vọng sự vào cuộc kịp thời của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tới đây sẽ ngăn chặn được tình trạng này. Từ đó có thể ngăn ngừa được những vụ việc tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây thất thoát tài sản của nhà nước mà còn mất cán bộ như thời gian qua.
Nguồn https://vietnamnet.vn/phong-chong-tham-nhung-khong-chiu-bat-cu-tac-dong-khong-trong-sang-nao-2035033.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam