Phục hồi vững chắc dù sức ép rất lớn

Thứ tư, ngày 1 tháng 6 năm 2022 | 7:50

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 năm 2022 tiếp tục cho thấy khí thế phục hồi mạnh mẽ trên các lĩnh vực, trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu xấu đi và khó khăn, thách thức với nền kinh tế Việt Nam là lớn hơn thuận lợi, thời cơ.

Phục hồi vững chắc dù sức ép rất lớn - Ảnh 1.

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 năm 2022 tiếp tục cho thấy khí thế phục hồi mạnh mẽ trên các lĩnh vực.

Theo các số liệu vừa được công bố, kinh tế vĩ mô của nước ta ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực. Thương mại dịch vụ phục hồi mạnh. Du lịch phục hồi ấn tượng. Tình hình đăng ký doanh nghiệp đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai tích cực, đồng bộ. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được đẩy mạnh.

Một số kết quả ấn tượng như thu ngân sách 5 tháng tăng 18,7%, xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 14,5% so với cùng kỳ. FDI thực hiện 5 tháng tăng 7,8%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tăng 10,4%. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đạt 98.600 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 22,6% so với cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 5 tăng hơn 70% so với tháng trước, 5 tháng tăng 350% so với cùng kỳ. Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm đang được từng bước giải quyết chắc chắn, hiệu quả.

Đặc biệt, trong bối cảnh có tới 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được S&P nâng bậc tín nhiệm dài hạn kể từ đầu năm đến nay. Điều này được S&P dựa trên nền kinh tế Việt Nam đang đà phục hồi vững chắc, tỉ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát dịch COVID-19.

S&P ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút lượng lớn dòng vốn FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch. Cùng với đó là các thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính công duy trì trạng thái ổn định và dư địa chính sách vẫn dồi dào, những thành tựu xã hội góp phần tăng cường mối liên kết bền chặt giữa Chính phủ và nhân dân…

Triển vọng "Ổn định" thể hiện dự báo của S&P trong vòng 12 đến 24 tháng tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong hai năm qua, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách. S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023.

Phục hồi vững chắc dù sức ép rất lớn - Ảnh 2.

Xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 14,5% so với cùng kỳ

Phải khẳng định, trên đây là những kết quả rất tích cực trong bối cảnh tình hình 5 tháng có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều diễn biến phức tạp, khó lường do xung đột tại Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, môi trường kinh tế toàn cầu xấu đi, lạm phát, giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dầu thô, nguyên liệu đầu vào tăng cao, nguy cơ khủng hoảng, an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu… tác động không nhỏ đến nước ta. Trong nước, tình hình kinh tế-xã hội gặp những thách thức như "người bệnh" đang phục hồi sau tác động nặng nề của dịch bệnh những năm trước đó. Có thể nói, khó khăn, thách thức lớn hơn thuận lợi và thời cơ.

Trong bối cảnh đó, chúng ta vừa phải làm nhiệm vụ thường xuyên, vừa phải xử lý các vấn đề nổi lên, vừa triển khai thêm các nhiệm vụ mới, vừa giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng. Trong đó, chưa bao giờ có nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn được triển khai cùng lúc như hiện nay. 

Những kết quả đạt được cũng cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự phối hợp, ủng hộ của Quốc hội, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản, đồng bộ, kịp thời, đúng hướng và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ nhất quán quan điểm và kịp thời triển khai nhiều giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế…

Trong đó, phải kể đến việc điều hành giá, nguồn cung, dự trữ xăng dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các sai phạm, đồng thời chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời các giải pháp để thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Nhìn rộng hơn từ năm 2021 tới nay, Việt Nam là một điển hình toàn cầu về tiêm chủng, kiểm soát dịch bệnh. Nền kinh tế Việt Nam đã vượt 'bão giá' và những cú sốc toàn cầu, hướng tới phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chính phủ đang tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt các dự án hạ tầng trọng điểm, các đột phá chiến lược (hạ tầng, thể chế, nhân lực); huy động mọi nguồn lực cho phát triển; thúc đẩy, truyền cảm hứng phát triển cho các địa phương; nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; bảo đảm an sinh xã hội, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân…

Mặt khác, những khó khăn, thách thức của khu vực và thế giới cũng tác động không nhỏ tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội nước ta. Như ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Dịch bệnh còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp với những tác động hậu COVID-19... Tất cả những điều này cần được theo dõi chặt chẽ, có phương án, kịch bản, giải pháp chủ động, linh hoạt, kịp thời…

Quan tâm đặc biệt với phát triển hạ tầng

Phục hồi vững chắc dù sức ép rất lớn - Ảnh 3.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển

Một trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là triển khai các nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển, các dự án đầu tư công. Các chính sách được ban hành hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đơn cử, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến hết ngày 29/5 đạt hơn 3.276 tỷ đồng, trong tổng số 19.000 tỷ đồng của Ngân hàng này trong năm 2022...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các dự án đầu tư công,  yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương rà soát danh mục và hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo đúng các quy định trong bối cảnh có nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu tư công cũng như trong tổ chức thực hiện cần được tháo gỡ.

Cũng trong kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định 05 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng: Các tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Biên Hòa-Vũng Tàu, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 1; trong quý IV năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Cùng với yêu cầu tuân thủ các quy định, ở một mặt khác, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các chuyến khảo sát thực tế, thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho các dự án hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc… nhằm bảo đảm tính khả thi về cân đối nguồn vốn và trong tổ chức triển khai dự án. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm.

Tuy nhiên, việc triển khai một số nhiệm vụ cụ thể trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai các dự án đầu tư công còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra như mong muốn. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ những năm trước, vẫn chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn như các vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật; công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, lập kế hoạch đầu tư chưa sát khả năng thực hiện, chất lượng chuẩn bị dự án, trách nhiệm các cấp, các ngành…

Phục hồi vững chắc dù sức ép rất lớn - Ảnh 4.

Thủ tướng kiểm tra tuyến đường đầu Dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu điểm cuối (Km 69+800 Quốc lộ 43, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu). Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 84,6 km, quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 12 m, mặt đường 7 m, vận tốc thiết kế 80 km/h - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó là những khó khăn mang tính đặc thù trong năm 2022: Dịch COVID-19 vẫn tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội; năm 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, thực chất là năm đầu tiên vì kế hoạch mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021, nên cần nhiều thời gian (thường từ 6-8 tháng) để triển khai các thủ tục cho các dự án khởi công mới; khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng, nguồn lao động, giá vật liệu, nguyên liệu tăng mạnh…

Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã quan tâm, đồng hành, vào cuộc tích cực, cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động xử lý và đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công và việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp về huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công-tư; về giải phóng mặt bằng; xử lý vấn đề mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; giải quyết vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước cho các dự án…

Gần đây nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành, triển khai hàng loạt chính sách quan trọng. Trong đó, phải kể đến Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; Nghị định 36/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã giao dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chỉ đạo xử lý thông tin về vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… Ngành ngân hàng đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN…

Phục hồi vững chắc dù sức ép rất lớn - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát hầm Núi Vung thuộc địa phận tỉnh Ninh Thuận dài 2,2 km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14 m.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác để quyết liệt đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…;  tổ công tác rà soát, hoàn thiện phân bổ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thuộc lĩnh vực y tế…

Thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh những thông điệp, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo quan trọng với các dự án đầu tư công. Theo đó, phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm số dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, không hiệu quả để bảo đảm bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt, kéo dài; ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa nhanh, có khả năng giải ngân sớm và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn phục hồi; các dự án phải bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định.

Các địa phương "chung tay phát triển hạ tầng", khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại ở Trung ương; một mặt phải suy nghĩ, tính toán, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí "thắt lưng buộc bụng" để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao, mặt khác phải đẩy mạnh hợp tác công-tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.

Thực tế khách quan cho thấy, tình hình kinh tế-xã hội đang chuyển biến tích cực và những tháng còn lại sẽ là khoảng thời gian quyết định kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong năm 2022.

 

 

Nguồn https://baochinhphu.vn/phuc-hoi-vung-chac-du-suc-ep-rat-lon-102220531203901445.htm