Phương Tây chia rẽ về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine

Thứ tư, ngày 8 tháng 6 năm 2022 | 0:20

Trong bối cảnh cuộc xung đột kéo hơn 3 tháng qua tại Ukraine - quốc gia được xem là vùng đệm giữa Nga và NATO, vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, một số nước bắt đầu lo ngại căng thẳng sẽ kéo dài, với những hệ lụy về kinh tế, chính trị và xã hội khó có thể bù đắp.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây nhắc lại cảnh báo cuộc xung đột tại Ucraina có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới và thảm họa hạt nhân. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu ước tính đã gửi  khoảng 200 triệu euro viện trợ quân sự và cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng hiện đại cho Ukraine. Tuy nhiên cũng giống như Pháp, nước này ngày càng cho thấy sự miễn cưỡng trong việc cung cấp xe tăng chiến đấu hay vũ khí tầm xa cho Ukraine, do lo ngại nguy cơ một cuộc đối đầu trực diện với Nga.

phuong tay chia re ve viec cung cap vu khi hang nang cho ukraine hinh anh 1

Lựu pháo M777. Ảnh: Millitary

“Chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào khiến NATO trở thành một bên tham chiến. Điều này vẫn vậy. Chúng ta không được phép xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới nữa, đặc biệt là giữa các cường quốc hạt nhân. Hiếm khi chúng ta đoàn kết với bạn bà và đối tác như lúc này. Tôi tin rằng, tự do và an ninh sẽ chiến thắng”, Thủ tướng Scholz nói.

Dù đều là những nước có ảnh hưởng bậc nhất tại châu Âu, song cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới nay vẫn chưa đặt chân tới Kiev kể từ khi cuộc xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2 vừa qua. Giới chức tại Đức lo ngại vũ khí của nước này có thể được sử dụng tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga. Và đó cũng là một lý do giải thích vì sao ngành công nghiệp quốc phòng Đức không được ủy quyền cung cấp các xe tăng chiến đấu. Cho đến nay, mới chỉ có Ba Lan và Cộng hòa Séc cung cấp xe tăng cho chính quyền Kiev, chứ không phải các nhà xuất khẩu vũ khí lớn như Mỹ, Anh và Pháp.

 

Wall Street Journal nhận định, Pháp, Đức và một số quốc gia Tây Âu không muốn sa lầy vào một cuộc chiến có thể mài mòn nguồn lực của châu Âu và làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái đang rình rập. Thực tế là các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã không mang lại kết quả như mong muốn. Đã 3 tháng kể từ khi phương Tây phát động cuộc chiến kinh tế chống lại Nga, song mọi thứ lại không diễn ra theo kế hoạch.

Khi EU công bố lệnh cấm một phần đối với xuất khẩu dầu của Nga, giá dầu thô trên thị trường toàn cầu đã tăng lên và về một mặt nào đó lại làm lợi cho Điện Kremlin. Nga không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm đầu ra thay thế cho năng lượng của mình, với xuất khẩu dầu và khí đốt sang Trung Quốc trong tháng 4 tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát hàng năm tăng 7,4% trong tháng 4, mức cao nhất mọi thời đại. Tại Mỹ, lạm phát ở mức 8,3% và ở Anh là 9%.

Kết quả một cuộc khảo sát mới đây tại Đức cho thấy, khoảng 70% người dân nước này ủng hộ chính sách thận trọng của Thủ tướng Scholz và 46% người Đức lo ngại việc giao vũ khí hạng nặng sẽ làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ucraina. Tâm lý hoài nghi tương tự cũng được ghi nhận ở Pháp và Italia. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua một lần nữa cảnh báo, nước này sẽ tấn công các mục tiêu mới nếu phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine. Ông đồng thời nhấn mạnh, những động thái quân sự của NATO chỉ càng khiến cuộc xung đột kéo dài hơn./.

 

 

 Nguồn https://vov.vn/the-gioi/phuong-tay-chia-re-ve-viec-cung-cap-vu-khi-hang-nang-cho-ukraine-post948871.vov