Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo theo “làn sóng uốn lượn” đạt điểm cao nhất

Thứ sáu, ngày 25 tháng 2 năm 2022 | 10:20

Cầu Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bắc qua Sông Hồng được thiết kế với biểu tượng những làn sóng liên tục mang lại liên tưởng về hình tượng rồng Thăng Long bay lên…

Sau hơn 2 tháng tổ chức thi tuyển, đơn vị tổ chức phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đã chọn được 3 tác phẩm nổi trội nhất để trình UBND TP. Hà Nội. Trong đó, phương án số 12 của liên danh tư vấn thiết kế gồm: Công ty TNHH Kiến trúc NIWA - Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Vietnam - Công ty TNHH Chodai - Công ty TNHH Thiết kế Kiến trúc NH Village được Hội đồng chấm thi cho điểm cao nhất.

Điểm nhấn của phương án này là hình tượng cầu Trần Hưng Đạo với những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu.

KTS. Takashi Niwa, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Niwa cho biết, ý tưởng thiết kế được xây dựng xuất phát từ mong muốn cây cầu không chỉ đơn thuần phục vụ giao thông mà còn là sự tổng hòa của không gian khu vực.

Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo theo “làn sóng uốn lượn” đạt điểm cao nhất
Cầu Trần Hưng Đạo thiết kế theo hình tượng “làn sóng uốn lượn”

Hà Nội không chỉ mang trong mình lịch sử lâu đời với những nét cổ xưa, truyền thống của 36 phố phường mà hiện tại đang phát triển mạnh mẽ về phía Đông sông Hồng. Do vậy, cây cầu được thiết kế sẽ trở thành trung tâm của Hà Nội mới, kết nối khu phố cổ với các khu vực mới đang phát triển thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu, tạo nên những vòng kết nối vô tận.

“Biểu tượng sóng là sự giao thoa giữa lịch sử, hiện tại và tương lai. Những làn sóng liên tục cũng mang lại sự liên tưởng về hình tượng rồng Thăng Long bay lên, thể hiện sự phát triển trường tồn và tinh thần nhiệt huyết của người Hà Nội”, KTS. Takashi Niwa nói.

Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo theo “làn sóng uốn lượn” đạt điểm cao nhất
Mô hình thiết kế cầu Trần Hưng Đạo 

KTS. Takashi Niwa chia sẻ, so với sự vững chắc, khỏe khoắn của cầu Long Biên kế bên, dáng dấp thiết kế của cầu Trần Hưng Đạo do liên danh thực hiện thiên về sự mềm mại.

“Nhìn lại chiều dài lịch sử Việt Nam, ngoài sự uy nghiêm, mạnh mẽ, vẫn còn đó sự mềm mại, uyển chuyển để kết nối sức mạnh, linh hồn dân tộc, tạo nên khối đoàn kết dân tộc, sức mạnh tổng hợp dẹp bỏ thế lực thù địch, xây dựng nên một Việt Nam thái hòa, thịnh vượng. Đó là triết lý, cũng là ý tưởng liên danh thiết kế gửi gắm trong tác phẩm”, KTS. Takashi Niwa cho biết.

Tiết giảm chi phí thi công 3 - 5%

Trên cơ sở quyết định nhiệm vụ thiết kế phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được cơ quan chức năng TP. Hà Nội ban hành, liên danh tư vấn đã nghiên cứu, đưa ra phương án xây dựng tối ưu về kiến trúc.

Cụ thể, cây cầu sẽ có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông.

Điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận (Km5+570). Tổng chiều dài tuyến khoảng 5,5km qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Trong đó, phần cầu chính có chiều dài 900m, thiết kế cầu vòm giản đơn 6 nhịp, mỗi nhịp 150m.

Với thiết kế trên, tổng dự toán thấp hơn ngân sách đưa ra từ đầu khoảng 3 - 5%. Trong nhiệm vụ thiết kế được duyệt hơn 8.900 tỷ đồng, dự kiến phương án này khoảng 8.670 tỷ (không tính sự biến động của chi phí GPMB). Thời gian thi công dự kiến 33 tháng.

Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo theo “làn sóng uốn lượn” đạt điểm cao nhất
Tổng dự toán thấp hơn ngân sách đưa ra từ đầu khoảng 3 - 5%

Cầu sẽ được chia làm 2 hướng, mỗi hướng 3 làn xe, gồm 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp (phía trong cùng bên phải mỗi hướng). Ngoài ra, tư vấn đề xuất tận dụng các khoảng không có kích thước tĩnh không nhỏ để bố trí làn xe đạp mỗi bên tại các vị trí sát vành vòm.

Phần đường dành cho người đi bộ được tư vấn bố trí phía ngoài vành vòm. Trên phần đường dành cho người đi bộ có các điểm chụp hình tại các vị trí trụ.

TS. Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho rằng, cuộc thi mới lựa chọn được phương án phương án kiến trúc.

Để xác định được tính khả thi trong thực tế, thời gian tới chủ đầu tư nên yêu cầu các bên có phương án đưa ra lấy ý kiến thăm dò, giải trình tất cả các vấn đề liên quan đến tính khả thi về kỹ thuật, thi công, độ bền vững, tuổi thọ công trình, sự hòa nhập về cảnh quan kiến trúc để khi cây cầu được xây dựng vừa đẹp, vừa hiện đại, bền vững, công năng khai thác gồm cả phần cầu chính và kết nối giao thông,… để người dân hiểu rõ hơn.

Nguồn Vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/phuong-an-thiet-ke-cau-tran-hung-dao-theo-lan-song-uon-luon-dat-diem-cao-nhat-818429.html