Quản chặt việc mua bán, thận trọng khi sử dụng

Thứ sáu, ngày 22 tháng 3 năm 2024 | 9:44

Thời gian gần đây, các bệnh viện ở khu vực miền Bắc liên tục tiếp nhận nhiều ca ngộ độc, nguy kịch tính mạng liên quan đến sản phẩm thuốc diệt chuột.

Điều đáng nói, có những loại thuốc diệt chuột đã bị cấm lưu hành nhưng vẫn được rao bán công khai trên mạng internet...

diet-chuot.jpg

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Mối nguy hại từ thuốc bị cấm lưu hành

Mới đây, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi (13 tuổi, ở Hà Nội) bị ngộ độc thuốc diệt chuột. Bệnh nhi này có tiền sử mắc bệnh trầm cảm, có ý nghĩ tự sát. Trước khi vào viện 2 ngày, trẻ đã uống 2 tuýp thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc, được đặt mua trên một trang thương mại điện tử. Sau khi uống, trẻ nôn nhiều, chóng mặt…

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân. Sau khi khai thác bệnh sử, kết hợp thăm khám và làm các xét nghiệm độc chất, trẻ được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột Natri Fluoroacetate. Đây là thuốc diệt chuột đã bị cấm lưu hành từ nhiều năm nay, nhưng hiện lại được đóng gói dưới dạng được phép lưu hành.

“Việc mua, bán sản phẩm này một cách dễ dàng cũng như sử dụng không an toàn, không đúng mục đích, tràn lan rất dễ gây ra ngộ độc”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng cảnh báo.

Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nữ bệnh nhân (21 tuổi, ở tỉnh Hà Nam) cũng bị ngộ độc thuốc diệt chuột Fluoroacetate. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, thuốc diệt chuột Fluoroacetate có hai dạng: Dung dịch màu hồng trong ống nhựa hay dạng hạt gạo màu hồng, đều có độc tính cao. Vì vậy, khi ăn hay uống phải, nạn nhân có hiện tượng co giật, hôn mê, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, toan chuyển hóa, suy thận…, có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột có chứa chất Tetramine - loại thuốc diệt chuột rất phổ biển ở miền Bắc cách đây 20 năm. Tetramine là hóa chất diệt chuột cực độc, đã bị cấm ở các nước. Ở Việt Nam, khoảng từ năm 2003 trở về trước, đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc và tử vong do tự tử, bị đầu độc bằng Tetramine hoặc sử dụng thức ăn bị lẫn Tetramine dùng để diệt chuột.

Những khuyến cáo hữu ích với người dân

Theo quy định về nhãn mác thuốc bảo vệ thực vật của Bộ NN&PTNT, trên nhãn mác của thuốc diệt chuột phải bao gồm tên, thành phần, định lượng, hướng dẫn bảo quản, thông tin về mối nguy, hướng dẫn các biện pháp sử dụng thuốc an toàn… Tuy nhiên, phần lớn các loại thuốc diệt chuột bán tràn lan trên chợ mạng không đáp ứng được các quy định đưa ra.

Trên mạng xã hội Faceboook, tài khoản có tên T.M rao bán thuốc diệt chuột Fluoroacetate dạng dung dịch màu hồng, dựng trong ống nhựa, không có nhãn mác, rất giống với nước siro, có giá 7.000 đồng/ống. Tài khoản này quảng cáo, hướng dẫn sử dụng: “Với 1 lọ thuốc có 8ml, hàm lượng tốt, đậm đặc bảo đảm chuột sẽ chết 100%. Khi dùng trộn 1 lọ thuốc với khoảng 70g thức ăn rồi chia thành từng khu vực. Chuột ăn vào sẽ bị xuất huyết nội tạng và chết rất nhanh”.

Một tài khoản khác có tên T.X.Đ.C giới thiệu một loại kẹo diệt chuột có giá 70.000 đồng/hộp (khoảng 400 viên) có hương vị đặc trưng hấp dẫn chuột. Đây là loại thuốc diệt chuột đa liều, khi chuột ăn phải sẽ chết sau từ 3-5 ngày. Loại kẹo bẫy chuột này được chế biến có màu hồng, hình dáng bắt mắt như những viên kẹo. Ngoài ra, trên bao bì chỉ có những dòng chữ Thái Lan, không có phụ đề hướng dẫn bằng tiếng Việt. Vì vậy, khi sử dụng, người mua chỉ có thể dựa trên những điều người bán hàng hướng dẫn, chia sẻ.

Các bác sĩ lo ngại, với những loại thuốc diệt chuột có màu sắc, hình dạng bắt mắt như viên kẹo hay dạng lỏng như siro dễ gây nhầm lẫn với trẻ nhỏ. Bởi vì thực tế đã có không ít trẻ nhập viện cấp cứu do không may ăn phải những sản phẩm này. Điển hình như trường hợp một bé gái 32 tháng tuổi ở tỉnh Nghệ An đã uống nhầm thuốc diệt chuột Fluoroacetate vì tưởng là nước ngọt dẫn đến hôn mê, nguy kịch. Hay như bé trai 2 tuổi ở tỉnh Sơn La, trong lúc chơi tại nhà thì nhìn thấy thuốc diệt chuột có hình dáng, màu sắc giống viên kẹo nên đã cầm lên ăn. Một lúc sau, bệnh nhi xuất hiện tình trạng nôn ói, đau bụng và được người nhà đưa đi cấp cứu…

Từ thực tế trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc mua bán công khai các sản phẩm diệt chuột hay các hóa chất độc hại trên mạng xã hội. Còn với người dân, khi sử dụng hóa chất diệt chuột phải để cách biệt hẳn với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt để xa thức ăn, nguồn nước uống và xa tầm tay của trẻ. Gia đình có người bị bệnh tâm thần hoặc người già suy giảm trí nhớ thì không nên để các hóa chất, thuốc diệt chuột trong khuôn viên nhà ở. Không dự trữ các hóa chất độc hại, bao gồm hóa chất diệt chuột tại gia đình.