Quan chức 'dính án' và chuyện kê biên tài sản
CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội rửa tiền và xử lý đối với những người đứng tên hộ, che giấu nguồn gốc tài sản phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, CQĐT đã thu giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch bất động sản, tài sản giá trị 1.220 tỷ đồng.
Trong đó có 380 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là giá trị bất động sản hơn 800 tỷ đồng.
Từ đó đến nay, thêm nhiều cá nhân bị bắt giữ để điều tra vì liên quan đến vụ Việt Á, trong đó có ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế).
Quá trình cơ quan CSĐT thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của hai cựu quan chức trên, hình ảnh những căn nhà trị giá hàng chục tỷ đồng mà hai ông đang sinh sống được phơi bày trên mặt báo.
Căn nhà nơi ông Chu Ngọc Anh sinh sống bị CQĐT khám xét. Ảnh Đình Hiếu
Căn nhà nơi ông Nguyễn Thanh Long sinh sống bị CQĐT khám xét. Ảnh Đình Hiếu
Xác minh tài sản của bị can
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, thông thường, đối với các vụ án về tham nhũng, kinh tế và chức vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, tổ chức, cá nhân hoặc có yếu tố vụ lợi, CQĐT sẽ tiến hành các biện pháp xác minh và ngăn chặn đối với tài sản của bị can.
Đối với những tài sản có nguồn gốc từ tội phạm hoặc do hành vi phạm tội mà có, về nguyên tắc, CQĐT sẽ tiến hành niêm phong, kê biên, thu giữ để xử lý theo nguyên tắc xử lý vật chứng quy định tại điều 106 BLTT hình sự.
Theo luật sư, CQĐT sẽ tiến hành xác minh tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, phòng tài nguyên môi trường, phòng CSGT, ngân hàng và các cơ quan chức năng khác để xác định các bị can đứng tên bao nhiêu tài sản là nhà, đất, xe ô tô, tài khoản ngân hàng và những tài sản khác.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Sau khi xác minh được những tài sản đứng tên sở hữu riêng hoặc đồng sở hữu, CQĐT sẽ xác định nguồn gốc số tài sản đó, sẽ căn cứ vào hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ đảng viên để đánh giá tính trung thực, tài sản có bất minh hay không, nguồn gốc thế nào, có phải là do phạm tội mà có hay không.
Trên cơ sở đó cơ quan chức năng sẽ có phương thức xử lý phù hợp.
Đối với những biệt thự đắt tiền mà các bị can sinh sống trước khi bị bắt, những chiếc xe sang trọng mà bị can sử dụng, nếu đứng tên người khác, CQĐT cũng sẽ làm rõ có việc nhờ đứng tên hay không.
Trường hợp những căn nhà đắt tiền, những chiếc xe ô tô sang trọng đứng tên vợ con, anh em của quan chức mà nghề nghiệp không rõ ràng hoặc tuổi đời còn quá trẻ, đó cũng là những nghi vấn tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có.
Trường hợp phát hiện hành vi rửa tiền, nguồn gốc tiền do phạm tội mà có nhưng đã thông qua giao dịch dân sự để che giấu nguồn gốc, CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội rửa tiền và xử lý đối với những người đứng tên hộ, che giấu nguồn gốc tài sản phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, rất nhiều tội danh trong nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ, tội phạm kinh tế có quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền và tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bởi vậy, vấn đề xác minh tài sản của bị can trong quá trình điều tra là rất cần thiết để làm căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn và áp dụng hình phạt bổ sung khi tòa án giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tham nhũng, trong đó một nguyên nhân rất quan trọng là việc quản lý tài sản của chúng ta hiện nay còn rất lỏng lẻo, đặc biệt là tài sản bất động sản, ô tô và tiền mặt gửi tài khoản ngân hàng, tiền cất giấu ở nhà.
Hiện chưa có quy định chứng minh tiền sạch trong các giao dịch nên cứ có tiền là người ta có thể đứng tên nhà đất, xe cộ, gửi ngân hàng...
“Việc tài sản tham nhũng có chỗ cất giấu, dễ dàng cất giấu mà không bị phát hiện, không bị kiểm tra xử lý... chính là động cơ thúc đẩy các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay.
Thời điểm bắt giữ ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), CQĐT đã ra lệnh kê biên tài sản đối với 3 nhà, đất của ông Chung. Những tài sản này gồm: nhà, đất có diện tích 102,7 m2 tại 88 phố Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội), căn nhà ông Chung sử dụng thường xuyên cho đến khi bị bắt; Căn hộ chung cư có diện tích 175,7 m2 số 2B12A, Nhà R3- 72A Nguyễn Trãi và căn hộ chung cư có diện tích 175,7 m2 số 12B15, Nhà R3- 72A Nguyễn Trãi (đều ở quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sau nhiều phiên xét xử ông Nguyễn Đức Chung, HĐXX quyết định giữ nguyên kê biên số tài sản trên để đảm bảo thi hành án. |
Nguồn https://vietnamnet.vn/quan-chuc-dinh-an-va-chuyen-ke-bien-tai-san-2029788.html
- TS Nguyễn Trí Hiếu: Thận trọng, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ
- Chậm tiêu tiền công và chuyện dám nghĩ, dám làm
- Đồng bằng sông Cửu Long: Quy hoạch phải vượt lên trên lợi ích cục bộ địa phương
- Chống tham nhũng: Nhớ vụ án hối lộ 1 ngày nghỉ mát, 2 con gà
- “500 tấn vàng” trong dân cần khuyến khích đưa vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
- Vụ một giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế
- Lao động trẻ, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm, lương tới 20 triệu