Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là một trong những biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe. (Ảnh MỸ HÀ)
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là một trong những biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe. (Ảnh MỸ HÀ)

So với nhiều nước trên thế giới, số người tử vong vì Covid-19 của Việt Nam là tương đối thấp. Nếu con số này của Việt Nam là hơn 40 nghìn người, thì của Mỹ là hơn 1 triệu người, của Brazil là gần 700 nghìn người, của Ấn Độ là gần 530 nghìn người. Trên đây là so sánh với những nước có dân số lớn hơn Việt Nam.

Thế còn đối với những nước có dân số ít hơn Việt Nam thì sao? Với dân số hơn 67 triệu người, Pháp có 150 nghìn người chết vì Covid-19- gấp hơn ba lần Việt Nam. Với dân số hơn 83 triệu người, Đức có 147 nghìn người chết vì Covid-19 - gấp ba lần Việt Nam.

Chi phí phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam có thể được coi là tương đối hợp lý. Trong hai năm 2020 và 2021, Chính phủ chi 351 nghìn tỷ đồng để chống dịch, bằng khoảng gần 7% GDP của Việt Nam năm 2021 (GDP của Việt Nam năm 2021 là 5.116 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, chỉ riêng chi phí để xét nghiệm tính đến tháng 9 năm 2021, nước Mỹ đã chi 78 tỷ USD bằng khoảng 1.798 nghìn tỷ đồng. Theo thông tin của Hãng BBC, thì mức chi tính theo tỷ lệ phần trăm so với GDP của đa số các nước trên thế giới đều cao hơn Việt Nam: Nhật (khoảng 22% GDP); Mỹ (khoảng 13% GDP); Đức (khoảng 11% GDP); Pháp (khoảng 9% GDP)…

Điều đáng nói là GDP của các nước này đều lớn hơn rất nhiều so với Việt Nam. Chi phí phòng, chống dịch còn cần phải tính đến cả những thiệt hại cho nền kinh tế do các biện pháp phòng, chống dịch gây ra. Ở góc độ này, chi phí của Việt Nam cũng không quá cao, vì trong suốt mấy năm phòng, chống đại dịch, nền kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương.

Một số nước trên thế giới có số người tử vong vì Covid-19 tương đối thấp, nhưng thiệt hại về kinh tế do những biện pháp phòng, chống dịch gây ra lại rất lớn. Những tổn thất mà Trung Quốc phải gánh chịu khi nhất quán theo đuổi chính sách zero Covid là thí dụ điển hình cho trường hợp này.

Một thành tựu khác của nền quản trị là nền kinh tế của Việt Nam vẫn được bảo tồn trong đại dịch và phục hồi nhanh chóng khi đại dịch được khống chế. Trong khi nền kinh tế của nhiều nước đều suy giảm, thì tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 là 2,9%; năm 2021 là 2,58%.

Năm 2022, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có WB dự báo kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,5%. Đây là mức tăng trưởng thuộc tốp đầu trên thế giới. Khi nền kinh tế được bảo tồn và phát triển, những vấn đề xã hội cũng bớt nghiêm trọng hơn và được cải thiện nhanh chóng hơn.

Nhìn từ góc độ quản trị quốc gia, đạt được những thành tựu nêu trên là do Việt Nam đã hoạch định chiến lược phòng, chống dịch đúng đắn và điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch kịp thời. Từ cuối năm 2019 đến hết năm 2020, chiến lược phát hiện nhanh, khoanh vùng rộng, dập dịch kịp thời (theo mô hình zero Covid) đã tỏ ra đúng đắn.

Việt Nam đã trở thành quán quân của thế giới về thành tích phòng, chống dịch trong thời gian này. Khi biến chủng Delta xuất hiện và lây lan rộng trong cộng đồng, Việt Nam đã có 2 bước chuyển tiếp về chiến lược. Bước thứ nhất là đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin để đạt được miễn dịch cộng đồng; bước thứ hai từ bỏ mô thức zero Covid và lựa chọn mô thức thích ứng linh hoạt để sống chung an toàn với Covid. Mặc dù còn có một độ trễ nhất định, nhưng đây là những chuyển đổi chiến lược hết sức đúng đắn.

 

Khi chiến lược phòng, chống dịch đã được hoạch định, Việt Nam cũng huy động một cách nhanh chóng mọi nguồn lực cần thiết để phòng, chống dịch. Đó là không chỉ nguồn lực từ ngân sách, mà còn là nguồn lực của xã hội và nguồn lực của quốc tế. Quỹ vắc-xin và chiến lược ngoại giao vắc-xin là những phản ứng chính sách hết sức kịp thời và hiệu quả.

Nếu đề ra chiến lược, chính sách là phần quan trọng của quản trị quốc gia, thực thi chúng cũng là phần vô cùng quan trọng khác. Mọi chính sách chỉ tốt ngang bằng với việc nó được thực thi như thế nào trong cuộc sống. Xét về tốc độ và hiệu quả, thì có lẽ, chưa có một chính sách nào được thực thi nhanh chóng và hiệu quả như chiến lược vắc-xin và chiến lược tiêm chủng.

Đề ra chiến lược, chính sách đúng; huy động kịp thời mọi nguồn lực để triển khai chiến lược, chính sách đã được đề ra vào cuộc sống; thực thi nhanh chóng, hiệu quả những chiến lược chính sách đã đề ra chính là cốt lõi của một nền quản trị quốc gia hiệu quả. Và trong phòng, chống dịch Covid-19, nền quản trị quốc gia của Việt Nam đã đạt được điều đó.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, vẫn còn những việc chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn.

Trước hết, đó là việc chuyển đổi chiến lược phòng, chống dịch. Nếu mô thức zero Covid đã từng rất đúng đắn cho cuối năm 2019 và cả năm 2020, thì lại có vẻ không còn phù hợp cho năm 2021, khi biến chủng Delta xuất hiện. Tuy nhiên, tự giải phóng mình khỏi cách nghĩ và cách làm cũ đã tỏ ra hết sức khó khăn.

Sẽ còn cần phải thu thập đầy đủ các số liệu để có được sự đánh giá khách quan, chính xác về cái được, cái mất của chính sách này, cũng như sự cần thiết của nó khi chúng ta chưa có đủ vắc-xin và tỷ lệ tiêm chủng trong dân còn rất thấp. Tuy nhiên, phong tỏa kéo dài một thành phố, mà cả chục triệu người dân hoàn toàn không có thói quen dự trữ thức ăn, vật dụng như Thành phố Hồ Chí Minh là một thách thức khôn cùng. Thách thức này có vẻ đã không được cân nhắc đầy đủ.

Thứ hai, chế độ, chính sách cho đội ngũ y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch tỏ ra không chỉ chưa tương xứng, mà còn chưa kịp thời. Hiện tượng hàng loạt viên chức y tế xin nghỉ việc có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là cách cư xử nêu trên.

Thứ ba, hiện tượng trục lợi trong phòng, chống dịch đã xảy ra rất nghiêm trọng. Xét về mặt đạo lý, đây là điều không thể chấp nhận được. Bên cạnh những tổn thất to lớn về tiền bạc, những tổn thất về sức khỏe, sinh mạng và lòng tin của công chúng là không thể đo đếm.

Cuối cùng, công bằng mà nói, cho dù những vấn đề nêu trên là không hề nhỏ, nhưng những thành tựu phòng, chống dịch lớn hơn rất nhiều. Nếu trong các lĩnh vực khác, nền quản trị quốc gia của chúng ta cũng vận hành hiệu quả như vậy thì đất nước sẽ phát triển và thịnh vượng nhanh hơn rất nhiều.