Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Thứ ba, ngày 26 tháng 4 năm 2022 | 8:31

Tỉnh Quảng Trị đang đón nhận làn sóng đầu tư mới rất tích cực, trong đó, lĩnh vực nổi bật nhất thu hút các nhà đầu tư là năng lượng tái tạo. Ðây cũng là định hướng của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền trung và cả nước vào năm 2030.

Một trong những công trình điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

 

Ai đã từng đến miền tây Quảng Trị chắc hẳn cảm nhận được mức độ gió Lào mạnh đến cỡ nào, gió có thể thổi ngã người đang đi bộ. Tuy nhiên, chính từ cái “rốn” gió Lào bất lợi ấy, Quảng Trị đã biến thành yếu tố có lợi, quyết định chọn khu vực miền tây của tỉnh với các huyện Hướng Hóa, Ðakrông để phát triển năng lượng tái tạo, kêu gọi đầu tư vào khai thác điện gió, phục vụ tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.

Biến khó khăn thành lợi thế

Nhà máy điện gió Phong Huy có công suất 48 MW thuộc Công ty cổ phần xây lắp điện 1, nằm ở hai xã Tân Thành và Hướng Tân, huyện miền núi Hướng Hóa được đưa vào phát điện thương mại cách đây sáu tháng sau gần hai năm xây dựng, hằng năm nộp ngân sách địa phương gần 25 tỷ đồng. Huyện miền núi Hướng Hóa hiện có 31 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất hơn 1.177 MW, trong đó có 19 dự án có công suất phát điện thương mại hơn 671 MW đã hoàn thành, đưa vào vận hành. Theo tính toán khi tất cả 31 dự án điện gió đi vào hoạt động, hằng năm Quảng Trị thu ngân sách thêm được gần 600 tỷ đồng. 

Ðể giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo ở Hướng Hóa, chủ yếu điện gió, tỉnh đã phối hợp Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) triển khai xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình hạng mục từ Dự án nâng tiết diện đường dây 110 kV Ðông Hà-Lao Bảo; Dự án trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Ðông Hà-Lao Bảo. Hai dự án này cũng góp phần truyền tải công suất các nhà máy thủy điện phía tây tỉnh Quảng Trị lên hệ thống điện quốc gia, bảo đảm cung cấp điện trong tỉnh và khu vực, cũng như một phần nước bạn Lào.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Ðức Tiến cho biết, phát huy tiềm năng, lợi thế về sức gió của tỉnh, trên cơ sở hiệu quả đầu tư của các dự án điện gió đã đi vào vận hành, Quảng Trị đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đưa vào quy hoạch phát triển thêm 58 dự án điện gió với tổng công suất hơn 3.104 MW. Ngoài ra, còn 10 dự án điện gió đang triển khai khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất hơn 3.190 MW. Với điện mặt trời, ngoài ba dự án có tổng công suất 127 MWp đi vào hoạt động, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 19 dự án có tổng công suất 1.391 MWp… 

Tại khu kinh tế Ðông Nam, vào đầu năm 2021, thay mặt Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã có kết luận đồng ý bổ sung Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, công suất 1.500 MW vào Quy hoạch phát triển Ðiện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) để quy hoạch Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của miền trung và cả nước, mở ra hướng phát triển mới của tỉnh. Dự án nhằm đầu tư xây dựng nhà máy điện khí độc lập tại hai xã Hải An và Hải Ba trên tổng diện tích hơn 140 ha, sử dụng khí LNG và mỏ khí tự nhiên ngoài khơi để hoạt động. Theo tính toán, với quy mô giai đoạn 1 của dự án là 1.500 MW, tỉnh sẽ thu về khoảng 1.500 tỷ đồng/năm-tạo động lực mở đầu cho các dự án lớn đầu tư phát triển tỉnh Quảng Trị.

trang trong 1.jpg -0

Thi công phần đế của trụ điện gió tại huyện Hướng Hóa. 

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Ngày 15/1/2022, tỉnh Quảng Trị cùng Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc gồm: Công ty cổ phần năng lượng Hanwha, Tổng công ty Ðiện lực Nam Hàn Quốc, Tổng công ty Khí Hàn Quốc đã khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng ở khu kinh tế Ðông Nam, giai đoạn 1 công suất 1.500 MW với tổng số vốn đầu tư hơn 54 nghìn tỷ đồng, phấn đấu quý I/2023 khởi công xây dựng nhà máy, phát điện vào năm 2026 và 2027. Dự án này là chuỗi công trình liên kết chặt chẽ đồng bộ với nhau. Hiện tại Quảng Trị đang phối hợp Bộ Công thương, EVN, nhà đầu tư hoàn thiện các nội dung về vị trí, quy mô kho cảng LNG, xây dựng cảng nhập khẩu LNG đáp ứng quy mô nhà máy; kho chứa LNG; kho tái hóa khí; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa đến nhà máy điện khí; hệ thống truyền tải điện để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; cũng như phương án nguồn cung cấp khí cân đối giữa khí hóa lỏng LNG và các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng nhằm bảo đảm chủ động, ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho dự án. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hỗ trợ Công ty Ðiện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) và Công ty Gazprom sớm hoàn tất thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng hai dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1, công suất 1.320 MW và nhà máy điện khí công suất 340 MW tại khu kinh tế Ðông Nam.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðây là chương trình quan trọng để tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển ngành năng lượng tái tạo bền vững. Ðiện gió và điện khí có lợi thế là ít gây ô nhiễm môi trường hơn những nguồn năng lượng khác. Tỉnh phấn đấu phát triển các dự án điện trên địa bàn đến năm 2025 đạt khoảng 6.500 MW, đến năm 2030 khoảng 8.000 MW và sau năm 2030 hơn 10.000 MW nhằm góp phần tích cực tăng thu ngân sách địa phương, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Ðây là cơ sở để Quảng Trị hướng đến trung tâm năng lượng tái tạo của miền trung và cả nước. Ðể đạt được mục tiêu trên, cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn. Vì vậy, tỉnh tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sớm cập nhật bổ sung các dự án đã được phê duyệt vào quy hoạch điện lực quốc gia làm cơ sở để tỉnh triển khai, kêu gọi đầu tư trong thời gian tới; rà soát từng dự án năng lượng cụ thể đặt trong tổng thể chung để đánh giá thực tiễn khả năng giải tỏa công suất hiện nay, từ đó đề ra các giải pháp kỹ thuật cho từng khu vực. 

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư trên cơ sở đúng pháp luật, tạo sự thân thiện, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương; định hướng lựa chọn nhà đầu tư lớn, tầm cỡ trên cơ sở sử dụng ít tài nguyên, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều việc làm, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ðể hỗ trợ nhà đầu tư, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, sớm khởi công  đưa vào khai thác khu công nghiệp Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy, cảng Cửa Việt, Cảng hàng không Quảng Trị, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Ðông-Tây, cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo và kết nối các công trình giao thông của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia.

Tỉnh Quảng Trị xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá, một trong ba trụ cột chính để phát triển kinh tế, phấn đấu trở thành địa phương có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và đến năm 2030 thuộc nhóm khá của cả nước như Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 17
đề ra.

Theo tính toán, tổng nguồn năng lượng của Quảng Trị khoảng gần 20.000 MW, trong đó điện gió hơn 8.000 MW, điện khí LNG 6.000 MW, điện mặt trời gần 1.800 MWp, nhiệt điện than 1.320 MW, điện sinh khối 800 MW, thủy điện tích năng 1.700 MW… Trên cơ sở này, tỉnh Quảng Trị xác định hai khu vực năng lượng lớn: điện gió ở phía tây của tỉnh và điện khí ở khu kinh tế Ðông Nam Quảng Trị.

 

 

Nguồn nhandan.vn

https://nhandan.vn/moi-truong/quang-tri-phan-dau-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-tai-tao-694574/