Quy định về tạm giữ phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ
Bộ Công an ban hành Thông tư số 72/2024/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Trong đó có quy định về tạm giữ, xử lý phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Quy định về tạm giữ phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ
(Chinhphu.vn) - Bộ Công an ban hành Thông tư số 72/2024/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Trong đó có quy định về tạm giữ, xử lý phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Thông tư quy định: Việc tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các quy định khác có liên quan.
Đối với trường hợp các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông đã được tích hợp trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia khi tạm giữ giấy tờ, Cảnh sát giao thông thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử.
Thông tư nêu rõ, trước khi kéo dài thời hạn tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện, cán bộ được phân công điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ phải báo cáo đề xuất kéo dài thời hạn tạm giữ theo Mẫu số 10/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư này.
Việc xử lý phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các quy định khác có liên quan.
Sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện.
Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.
Thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ
Thông tư cũng quy định về thời gian điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ, cụ thể:
Đối với vụ tai nạn giao thông đường bộ không có dấu hiệu tội phạm thì thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết như sau:
Nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ thì Cảnh sát giao thông phải tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc.
Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh thêm hoặc phải thông qua giám định chuyên môn thì có thể được kéo dài nhưng không quá 01 tháng kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Trường hợp cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì tiếp tục được kéo dài, thời hạn kéo dài không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Việc kéo dài phải được báo cáo bằng văn bản với người có thẩm quyền theo biễu Mẫu 10/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với vụ tai nạn giao thông đường bộ quy định tại điểm b khoản 8 Điều 6 Thông tư này hoặc trong quá trình điều tra, xác minh giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ quy định tại điểm c khoản 8 Điều 6 Thông tư này nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm, thì Cục Cảnh sát giao thông hoặc Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thực hiện xác minh giải quyết theo thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021) và Điều 9, Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2021) và Điều 12 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2021).
Thông tư này có hiệu lực từ 01/01/2025.
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2025
- Toàn bộ chính sách đối với cán bộ, công chức khi thực hiện tinh gọn bộ máy (Nghị định 178/2024)
- Nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
- Chính sách mới có hiệu lực hôm nay (01/01/2025)
- Nhiều luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1-2025
- 2 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
- Quy định mới về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
- Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ phải đạt điều kiện nào?