Quy trình bổ nhiệm và đặc quyền vụ phó
Nhiều người hỏi tôi: Quá trình anh lên Bộ trưởng như thế nào? Có quy hoạch không? Nay tôi xin lần lượt kể lại - nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (tháng 9/2002 - tháng 8/2011) chia sẻ.
Năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, công tác địa chất dầu khí ngày càng được chú trọng. Tháng 10/1975, Tổng cục Dầu khí được thành lập. Thời kỳ này ta bắt đầu triển khai các hợp đồng thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía nam với các công ty Agip, Deminex, Bow Valley.
Ông Võ Hồng Phúc (thứ hai từ phải sang) làm việc với doanh nghiệp trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 11/1996 |
Sau khi bị Mỹ cấm vận, các công ty dầu khí phương Tây rút lui khỏi thềm lục địa phía nam, ta tìm kiếm đối tác từ Liên Xô. Lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thấy cần có bộ phận theo dõi công tác dầu khí và địa chất chuyên sâu hơn, đã quyết định hình thành nhóm địa chất dầu khí trong Phòng Tổng hợp của Vụ Công nghiệp nặng. Tháng 12/1979, tôi được cử làm Phó Phòng.
Năm 1978, Việt Nam tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế (khối SEV), các chương trình hợp tác về dầu khí và địa chất với khối SEV ngày càng nhiều. Ngày 19/6/1980, Việt Nam và Liên Xô ký hiệp định khung về Hợp tác thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía nam, thay vào vị trí của các công ty phương Tây đã rút lui.
Hiệp định được ký trong chuyến đi thăm Liên Xô của Tổng bí thư Lê Duẩn. Người ký phía Liên Xô là ông Baibako, phía Việt Nam là ông Nguyễn Lam, đều là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước của mỗi nước.
Công việc dầu khí và địa chất ngày càng nhiều. Anh Nguyễn Lam và lãnh đạo Ủy ban đã quyết định thành lập Phòng Dầu khí - Địa chất thuộc Vụ Công nghiệp nặng. Tháng 10/1980, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng sau khi làm Phó được 10 tháng.
Hồi đó, vai trò của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trong Chính phủ rất quan trọng. Mọi việc khi trình Chính phủ đều phải qua Ủy ban có ý kiến. Các cuộc họp của các phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đều có mặt đại diện Ủy ban, ít nhất là cấp vụ phó.
Hai tháng làm trưởng phòng
Sau khi ký hiệp định khung, Việt Nam và Liên Xô đàm phán để ký hiệp định cụ thể thành lập Liên doanh Dầu khí Việt Xô. Phải triển khai xây dựng các công trình trên bờ phục vụ cho công tác dầu khí ở Vũng Tàu. Công việc nhiều, họp bàn càng nhiều. Lãnh đạo Ủy ban họp, lãnh đạo Chính phủ họp. Vụ trưởng Công nghiệp nặng phải tham gia.
Cuộc họp nào liên quan đến lĩnh vực dầu khí và địa chất cũng có tôi đi cùng. Khi báo cáo công việc lại chỉ định tôi báo cáo. Tôi nghe các anh em giúp việc gần cho các phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Nguyễn Lam nói, sau mỗi lần họp, hai sếp có vẻ không ưng về cách làm việc.
Tháng 12/1980, mọi người đồn là tôi sẽ lên Vụ phó. Có người nói với tôi, cậu sẽ lên Vụ phó đấy, vào mắt các sếp lớn rồi. Tôi cười bảo: “Vụ phó cái gì, Trưởng phòng mới được 2 tháng, ngồi chưa nóng chỗ”.
Tháng 4/1995, Tổng bí thư Đỗ Mười thăm chính thức Nhật Bản. Ông Võ Hồng Phúc (khi đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) báo cáo công việc với Tổng bí thư trên đường từ Nhật Bản về Hà Nội |
Thời kỳ đó, Vụ phó gần như thuộc về một tầng lớp khác với nhiều đặc quyền đặc lợi. Là Vụ phó là có tiêu chuẩn nhà ở cao hơn, tiêu chuẩn mua thực phẩm riêng với cửa hàng riêng. Thậm chí khi chết còn có một khu vực riêng ở nghĩa trang Văn Điển. Một chế độ bao cấp và phân biệt đối xử quá cách biệt! Cho nên mọi người coi việc lên Vụ phó như là một việc thay đổi lớn trên con đường thăng tiến!
Đầu tháng giêng năm 1981, vào buổi chiều, tôi thấy ông P.Ng.N., Vụ trưởng Công nghiệp nặng của tôi từ tầng hai, nơi làm việc của các lãnh đạo Ủy ban đi xuống khu nhà 1 tầng, nơi làm việc của vụ tôi với vẻ mặt bực tức. Ông về phòng và triệu tập các vụ phó cùng bí thư chi bộ đến. Một lúc sau mọi người đi ra.
Một anh Vụ phó gặp và nói với tôi: “Ông Lam gọi ông N. lên, nói làm thủ tục để đề bạt cậu lên làm Vụ phó phụ trách công tác dầu khí và địa chất. Nhưng ông N. phản đối quyết liệt lắm. Lý do là cậu mới lên Trưởng phòng 2 tháng, cần có thời gian thử thách. Hầu hết Vụ phó ở Ủy ban đều có thời gian thử thách ở cấp trưởng phòng 4-5 năm hoặc lâu hơn.
Ông ấy nói, ông ấy từng làm việc ở Quân giới khu 5 hàng 7-8 năm, rồi lại đi làm ở cơ sở, sau đó về Ủy ban Kế hoạch Nhà nước hơn chục năm mới được làm Vụ phó. Mọi việc chắc là khó qua. Cậu còn trẻ, cố gắng phấn đấu tiếp”!
Tôi bảo: “Đúng rồi, tôi lên Trưởng phòng mới hơn 2 tháng mà, thời gian còn dài, không sao đâu anh”. Hôm sau, tôi thấy ông Vụ trưởng lại lên khu vực làm việc của lãnh đạo Ủy ban. Lúc về, vẻ mặt vẫn rất bực tức, nói với anh em trong Vụ: “Tôi vẫn phản đối đến cùng”.
Bà con gần cũng phải theo nguyên tắc
Vài ngày sau, anh Phạm Hào, Phó chủ nhiệm Ủy ban gọi tôi lên phòng và nói: “Anh Nguyễn Lam và lãnh đạo Ủy ban muốn đưa cậu lên Vụ phó phụ trách về công tác dầu khí và địa chất nhưng Vụ trưởng của cậu phản đối dữ quá, không chịu làm văn bản đề nghị. Anh Lam quyết định làm cách khác.
Anh ấy quyết định thành lập Vụ Dầu khí và Địa chất. Sẽ làm quyết định bổ nhiệm cậu là Vụ phó phụ trách. Chỉ lập tạm vài ba năm thôi, khi cậu có uy tín làm việc rồi thì sẽ nhập lại vào Vụ Công nghiệp nặng như cũ.
Bây giờ cậu về làm cho tôi một tờ trình của Ủy ban gửi Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Vụ Dầu khí và Địa chất, một dự thảo nghị định của Chính phủ thành lập Vụ. Xong càng sớm càng tốt.
Tôi cũng lấy làm lạ, Vụ trưởng của cậu sao lại phản đối dữ vậy! Làm người ta phải bày thêm việc để làm. Nghe nói cậu và ông ấy là bà con gần?”.
Tôi nói: “Vâng, họ hàng rất gần, ông ấy là em rể mẹ vợ em. Ông ấy rất nguyên tắc, việc đề bạt cán bộ bao giờ cũng xem xét quá trình. Mấy tháng trước đưa em lên Trưởng phòng, ông ấy nói em mới lên Phó phòng được 10 tháng. Nhưng vì thành lập phòng mới, không có ai hơn, nên đành chịu. Không có thân thích gì hết. Con người rất trực tính. Đã phản đối là phản đối đến cùng. Không thay đổi được đâu. Em biết tính ông ấy mà”.
Ngay sau đó, tôi xuống phòng lưu trữ xem công báo, xem phần nghị định của Chính phủ về thành lập các đơn vị cấp cục, vụ, viện; tham khảo lấy mẫu, chỉ thay đổi tên đơn vị được thành lập, cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ.
Phần tờ trình của Ủy ban gửi Chính phủ thì phải làm nhiều thời gian hơn, nhưng vì tôi đã quen làm tờ trình các dự án xưa nay nên chiều hôm đó cũng xong. Tối hôm đó tôi gọi mấy cán bộ viết chữ đẹp trong phòng đến. Tôi đọc, các anh ấy viết lại. Đêm hôm đó xong cả.
Quy trình bổ nhiệm
Sáng hôm sau, tôi lên phòng anh Phạm Hào đưa anh ấy xem các dự thảo, anh khen viết tốt, làm nhanh. Anh Hào bảo tôi cùng sang phòng anh Vũ Đại ở ngay bên cạnh. Anh Vũ Đại mới từ TP.HCM ra làm Bộ trưởng Phó chủ nhiệm thứ nhất thay anh Trần Phương sang làm Bộ trưởng Nội thương.
Anh Đại xem xong, chỉ phần cơ cấu tổ chức của Vụ, trong dự thảo có ghi là có 3 phòng: phòng Dầu khí, phòng Địa chất, phòng Tổng hợp, cười rất tươi và bảo tôi: “Cậu cũng khéo vẽ, cũng có 3 phòng! Bây giờ đang có mấy người"? Anh Đại có nụ cười rất tươi, giản dị, cởi mở và dễ gần.
Tôi trả lời: “Báo cáo anh có 5 người”. Anh Vũ Đại nói tiếp: “Tớ mới về nhưng mà biết chuyện rồi. Anh Lam, anh Trần Phương đã nói với tớ. Anh Lam giao tớ xem lại tờ trình và ký. Lập vụ nhưng không tăng người đâu nhé. Bây giờ 5 thằng thì cũng chỉ 5 thằng làm với nhau. Vài năm nữa lại nhập về Vụ Công nghiệp nặng”.
Hôm sau, anh Nguyễn Lam gọi anh Nguyễn Ngự, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và tôi lên phòng. Anh Vũ Đại và anh Bích (thư kí của anh Lam) đã có mặt ở đó. Anh Lam nói: “Tờ trình Chính phủ thành lập Vụ cho đánh máy lại, anh Vũ Đại ký. Anh Ngự làm 2 tờ trình đề nghị Ban Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm anh Phúc làm Vụ phó, anh Vũ Đại ký.
Anh Bích phối hợp với anh Ngự làm công văn của Ban Bí thư gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhất trí đề bạt anh Phúc lên Vụ phó. Việc này tôi đã xin ý kiến anh Sáu (ông Lê Đức Thọ) và anh Nghị (ông Lê Thanh Nghị, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư). Các anh ấy giao tôi ký.
Nghị định thành lập Vụ cho văn phòng đánh máy lại, anh Bích bàn với anh Ngự làm quyết định đề bạt anh Phúc. Hai văn bản này tôi đã bàn với anh Mười và anh Tô (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng) để tôi ký. Anh Bích phối hợp với anh em bên Văn phòng Trung ương và Văn phòng Chính phủ lấy ngày công văn cho phù hợp. Văn bản của Chính phủ sau văn bản của Ban Bí thư một ngày”.
Hồi đó quy trình bổ nhiệm Vụ phó giống bổ nhiệm Thứ trưởng bây giờ, phải có ý kiến của Ban Bí thư, quyết định bổ nhiệm do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Phó chủ tịch ký thay. Quy trình như vậy mà tất cả những việc đó chỉ làm trong khoảng 5 ngày!
Cuối tháng 1/1981, tôi nhận quyết định bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Dầu khí và Địa chất cùng với nghị định về việc thành lập Vụ thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đều do ông Nguyễn Lam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký.
Theo Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/quy-trinh-bo-nhiem-va-dac-quyen-vu-pho-809395.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá