Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội về việc công nhận điểm du lịch Công viên Thiên đường Bảo Sơn

Thứ ba, ngày 16 tháng 7 năm 2019 | 15:17

Hội Doanh nhân Tiêu biểu Hồng lam Thành phố Hà Nội nhiệt liệt chào mừng Hội viên chính thức của Hội Doanh nhân Tiêu biểu Hồng lam Thành phố Hà Nội đã có Công viên Thiên đường Bảo Sơn được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch của Thủ đô theo QĐ số 3465/QĐ – UBND ngày 28/6/2019.

 Chúng tôi xin giới thiệu bài viết về Công viên Thiên đường Bảo Sơn - Khu Du lịch đặc sắc và hấp dẫn này để giúp quý bạn đọc hiểu thêm

- Ngay từ những năm 2004, là Phóng viên Báo Lao động Xã hội tôi đã đến Khu Du lịch Thiên đường Bảo Sơn từ những ngày đầu xây dựng. Cả một công trường rộng lớn vài chục ha mở ra ồn ã, náo nhiệt, giữa ba bề, bốn bên là đồng rộng và ao hồ.

Dưới cái nắng chang chang, những đống cát, đống gạch, xi măng, sắt thép được xe tải ầm ầm đổ xuống chất cao như những ngọn núi kỳ vĩ. Những chiếc xe ben chở đất lấp hồ, chạy đi chạy lại như mắc cưởi. Anh Đỗ Lâm bảo vệ công trường nói với cánh Phóng viên: Có cái hồ sâu tới 9-10 mét nước. Cả công trường rộng lớn đã ngốn đến mấy vạn m3 đất san lấp. Hàng ngày có hàng nghìn con người lao động cần mẫn và khẩn trương xây dựng làm cho cả khu đồng không mông quạnh thênh thang này mỗi ngày những hạng mục công trình lại dần hiện lên vóc dáng một khu du lịch đồ sộ và tráng lệ. Này là khu biểu diễn cá heo với sân khấu vầng trăng, khu du khách ngồi xem có sức chứa tới 12.000 ghế. Này là khu núi “giả sơn”lừng lững, đỉnh núi là đầu một con Rồng phun lửa.Trái núi cao tới mấy chục mét và trong lòng núi là khu Thủy cung. Nơi xứ sở Thủy cung thần tiên này chứa hàng trăm loài cá quý hiếm được sưu tập ở khắp nơi trên thế giới tập trung về. Những tốp thợ tài hoa có tay nghề cao được ông chủ Bảo Sơn “chịu chơi” thuê đến từ Nhật Bản đất nước mặt trời mọc đang miệt mài sáng tạo xây dựng khu Thủy cung đích thực như những lâu đài thần thoại chỉ có trong cổ tích ở dưới đáy đại dương bao la. Và bây giờ tôi đến công viên, tôi vẫn như ở trong mơ, tôi được đắm chìm vào đại dương bởi thủy cung thật là mỹ lệ kỳ thú với đủ các loài cá đẹp, cá lạ, cá to, cá nhỏ đang tung tăng bơi lội ở trước mắt, ở trên vòm đỉnh đầu, ở ngay xung quanh, chỉ một tầm tay với là tôi đã được thú vị để sờ, để được vuốt ve những con cá màu ngũ sắc sặc sỡ. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước những tổ hợp kiến trúc xưa cũ. Đó là những dãy phố cổ được xây dựng mô phỏng khu phố cổ Hà Nội vào Thế kỷ 18-19. Những mái ngói rêu phong lô xô như bát úp. Trong phố cổ này có cả một ngôi chùa thờ Phật. Những cửa hàng, cửa hiệu san sát, nào hàng tơ lụa, sành sứ, mỹ nghệ… Ngay cái cổng ra vào của phố cổ được thiết kế phảng phất bóng dáng chiếc cổng làng quê đồng bằng Bắc Bộ hoặc gần gũi như dáng dấp Ô Quan chưởng. Từ cửa ô này tầm nhìn du khách được thỏa sức bay bổng đến tận mặt Hồ gươm phía xa kia với tháp rùa cổ kính đã khiến cho mỗi bước chân du khách nhẹ gót vào phố cổ không khỏi bồi hồi, xao xuyến trước không gian Hồ Gươm lãng mạn và thân thiện. Ở khu phố cổ này còn có những chiếc xe tay có từ hàng trăm năm trước, với những gánh hàng hoa của các cô gái làng Hoa Ngọc Hà ăn vận mớ bảy mớ ba xinh đẹp và duyên dáng. Lại có những hàng bán nước chè xanh, chè bát bảo, chè tàu (chè mạn) gợi nhớ về Hà Nội của một thời xưa cũ. Tôi như choáng ngợp trước những ngôi nhà gỗ trên trăm tuổi được chủ nhân Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn mua về dựng lại rất kỳ công. Đó là những ngôi nhà cổ hiếm hoi còn sót lại ở Thái Bình, Nam Định. Những ngôi nhà cổ bên cạnh những ngôi Đình làng độc đáo với những chiếc cột đường kính người ôm không xuể, bộ cánh cửa gỗ lim chạm khắc sống động, tỷ mỉ được dựng trên nền đất cao. Trước hiên nhà là những cây cổ thụ cũng có đến vài trăm tuổi. Tôi cảm tưởng như được đến với cả một ngôi làng cổ đồng bằng Bắc bộ thanh bình, nơi lưu giữ những nét đẹp bình dị, gần gũi trong văn hóa Việt Nam. 

Những ngôi làng cổ êm đềm với không gian yên ả nơi chốn đi về khiến cho mỗi bước chân xao xuyến bâng khuâng không chỉ bắt gặp nơi đây một bảo tàng kiến trúc gỗ dù nhuốm màu trôi chảy phong hóa của thời gian nhưng đường nét tinh xảo chạm khắc tinh tế lâu đời, độc đáo vẫn gần như nguyên vẹn của người Việt Cổ mà còn ở chỗ gây ấn tượng vô cùng xúc cảm với không gian hài hòa của các gam màu, màu xanh biếc của cây cối, màu xanh ngọc của bầu trời pha trộn với những gam màu ngói rêu phong cổ kính in đậm dấu ấn thời gian. Một cái đình lớn bề thế và tráng lệ như một cung điện rộng vài trăm mét vuông làm nơi biểu diễn các làn chèo cổ, các giá đồng lúc nào cũng “hút” bà con yêu văn hóa truyền thống của Làng, văn hóa truyền thống của xóm thời xưa (bây giờ các “giá đồng” đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa nhân loại phi vật thể). Cuốn hút du khách là khu thưởng thức ẩm thực truyền thống dân gian 3 miền đất nước Việt Nam để bà con dù đã đi xa về gần khi đến Khu du lịch có dịp được nhớ về cội nguồn nơi chợ quê thương nhớ. Nào là phở, là bún ốc, bánh đúc, chè lam, bánh trôi tàu, bánh nếp, bánh tẻ… toàn những món ăn dân tộc lưu truyền có từ thời ông bà tổ tiên người Việt. Du khách nước ngoài có dịp thưởng thức rồi nhớ mãi hương vị những món ăn dân dã chốn làng quê dân giã Việt Nam xưa cũ mà bây giờ là đặc sản độc đáo lên ngôi ở chốn thị thành. Tôi đặc biệt thích thú với khu biểu diễn múa rối nước. Có lẽ ở nội đô Hà Nội chỉ có hai nơi biểu diễn loại hình múa rối nước là Nhà hát múa rối TW ở đường Trường Chinh và Nhà hát múa rối Thăng Long ở phố Đinh Tiên Hoàng, sân khấu cũng mái đình cong cong soi bóng xuống ao làng. Nhà Thủy đình duyên dáng dành cho dàn nhạc. Mỗi ngày mấy suất diễn, người xem như thả hồn vào những tích trò, những “chú Tễu”,những màn diễn đi cày, đi cấy… những tích trò con rối biểu diễn đặc sắc sinh động hòa trong tiếng nhạc dân gian rộn rã như gợi hồn dân tộc Việt từ góc ao làng xưa. Tôi gặp cụ Bảy, cụ đã trên 90 tuổi rồi. Cụ ở quê lúa Thái Bình lên Hà Nội chơi với anh con trai làm Doanh nghiệp. Được ngày đẹp trời, con cháu “rinh ” cụ đến Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn, xem tích trò múa rối đôi vợ chồng già thả đàn vịt trên chiếc ao làng, ông lão ngồi trên thuyền con hút thuốc lào khói tỏa mù mịt. Cụ Bảy vỗ tay cười ha hả kéo theo cả khu vực khách ngồi cùng khu vực cũng vỗ tay cười ngả cười nghiêng hưởng ứng trước những “chú rối” ngộ nghĩnh, khéo léo. Tích trò đưa du khách nhớ về một thời tuổi thơ. Đời sống trong tích diễn là đời sống thực nơi lũy tre làng xưa khiến người xem không khỏi đắm chìm về quá vãng. Bởi cái lẽ giản dị trong lòng ai chả có một quê hương với những kỷ niệm bé bỏng tuổi thần tiên.  Tôi đến với Khu 15 Làng nghề mà không nhận ra nơi mình đã đến thăm quan để viết bài cách đây mới có mấy năm. Khoan hãy nói đến giá trị truyền thống độc nhất vô nhị về kiến trúc của các ngôi nhà gạch, nhà gỗ cổ xưa mà chủ nhân Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn không tiếc cả cỗ tiền, cố dụng công lùng mua khắp đồng bằng sông Hồng mang về dựng ở khoảng trước sân trồng rau nho nhỏ và hàng cau đang thì trổ hoa tỏa hương thơm ngát. Hãy xem trong làng, mỗi ngôi nhà thể hiện là một làng nghề. Đây mới là cái giá trị đích thực lưu giữ tinh hoa của “bách nhân bách nghệ”. Những làng nghề tinh khó truyền thống lâu đời đã làm nên giá trị trường tồn từ bàn tay cần cù lao động, sáng tạo. Đây là làng tơ lụa Vạn Phúc, du khách có thể thấy nong tằm đang ăn lá dâu, thấy tận mắt những khung cửu “giăng tơ kéo kén” của ông cha ta từ thuở bao giờ. Rồi có thể tham gia cả một quy trình dệt sợi hiện đại cho ra những tấm lụa mềm Vạn Phúc nổi tiếng có đủ sắc màu. Rồi gian hàng của những người thợ chạm đồ thờ Sơn Đồng, chạm bạc Đồng Xâm, mây tre đan xứ Đoài, gốm sứ Bát Tràng “mỗi làng mỗi vẻ 10 phân vẹn mười”. Tôi mê mải ngắm và đôi chân đã đưa mình đến Khu Vườn thú từ lúc nào. Tôi nhận ra thật nhiều khác lạ những gì mình đã thấy những ngày đầu sơ khai khi xây dựng khu du lịch. Đây là những con Hươu cao cổ, trẻ em quay kín vòng trong vòng ngoài ngửa cổ nhìn Hươu bứt lá từ tận ngọn cây cao tít. Những con Hươu cao cổ độc nhất này có mặt duy nhất ở Công viên này. Rồi con Tê Giác to hơn con bò. Các loài chim quý hiếm như Vẹt đỏ cánh xanh đến từ Nam Mỹ, các loài bò sát đến từ vùng nhiệt đới. Những chú Hổ trắng, Sư tử trắng, Báo trắng gầm gào, đi lại đường bệ uy nghi. Con Voi to lớn, tai to như cái quạt lâu nay bé chỉ được xem trên phim ảnh, giờ có thể tự tay mua một miếng bí ngô đưa vào cái vòi voi, cái vòi thật khéo cuộn lấy miếng bí ngô đưa vào trong miệng… 

Chừng ấy thôi, ta có thể tưởng tượng được cả những miền đất lạ trên trái đất. Đó là quê hương của những con thú hoang dã như Hổ trắng, Sư tử trắng, Báo trắng, Hươu cao cổ, Tê giác được nhập về từ tận Nam Phi, từ vùng Bắc Mỹ xa xôi hay chú voi ngộ nghĩnh được đưa về từ Buôn Đôn, Tây Nguyên hùng vĩ của nước nhà. Năm 2017 ông Chủ Bảo Sơn đã đàu tư gần 500 tỷ đồng vào khu Safari đề tài áp dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân Thủ đô tại Thiên đường Bảo Sơn. Do tầm nhìn chiến lược bởi thành tích này mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trao tặng cho ông Nguyễn Trường Sơn Chủ tịch HĐQT Bằng khen. Tôi như bị thôi miên trước những rặng tre xanh mướt, dạt dào bài ca của gió chỉ có ở làng quê mình. Những cây Bạch Hải đường (Bích trà) hoa đỏ như son, mỗi khi tết đến xuân về mới được bày bán cả chậu hoặc những mớ những cành ở chợ hoa Hàng Lược. Hoa Ban màu tím, màu vàng, màu đỏ, màu trắng chỉ có ở núi rừng Tây Bắc, những khoảng vườn xanh bát ngát của cam, của bưởi, những đảo, đồi cây thông, cây Tùng, cây cau vua, những chiếc cầu cong, mấy đôi uyên ương đang mê mải thỏa sức chụp ảnh trước ngày cưới với những bộ váy trắng muốt, những gương mặt xinh đẹp rạng ngời của cô dâu ánh lên niềm hạnh phúc trong nắng sớm. Thiên đường Bảo Sơn, một chốn của tình đời, tình quê, tình yêu, tình người. Viết những dòng ký này, trong tôi vẫn rộn lên niềm vui trong buổi lễ kỷ niệm của Tập đoàn Bảo Sơn mừng tuổi 25 năm xuân sắc. Là Phóng viên từng gắn bó với ông Chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Trường Sơn đã mấy chục năm có lẻ. Tôi biết ông từ thời bao cấp là vị Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may Bộ Công nghiệp nhẹ. Thời ấy ông cũng đã có danh tiếng là vị Tổng Giám đốc năng động với thật nhiều giai thoại thú vị của một thời để nhớ. Dù có ngủ mơ nhưng tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng: Thế mà đã ¼ Thế kỷ ông Tổng Giám đốc “Nhà nước” danh tiếng thời ấy nay đã là ông chủ của Tập đoàn Bảo Sơn lẫy lừng với 16 Công ty thành viên hùng hậu, danh nổi như cồn khắp trong Nam ngoài Bắc và ông thời nay với tính cách tinh tế, dễ gần nhất là cũng vô cùng thân thuộc, gần gũi, ưu ái thân tình với cánh PV báo chí.

Hôm nay nhớ lại ngày tôi từng được ông mời thân mật đến thăm Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn thời đang xây dựng, ngổn ngang đất gạch mới thấy ngày nay như một sự khác xa- như một sự thần kỳ, nơi ấy giờ đây đã là Khu du lịch hiện đại bậc nhất các tỉnh phía Bắc. Tết này tôi sẽ đưa vợ con đến du xuân, chắc chắn tôi và vợ con trong “Tết Kỷ Hợi” sẽ thật thú vị với cuộc phiêu du đầy ắp kỳ thú và chan chứa niềm vui.

(Theo Tạp chí Doanh nhân Tiêu biểu Hồng Lam, 

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi – Phó TBT Tạp chí Sức khỏe Môi trường)