Quyết định khiến nhiều người bệnh ung thư ngày càng trầm trọng

Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024 | 9:45

Thay vì điều trị tại bệnh viện, một số người mắc ung thư quyết định sử dụng thuốc nam, gây ra các biến chứng nguy hiểm, hết cơ hội sống.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận điều trị cho người bệnh bị suy kiệt, hoại tử, vỡ loét, chảy máu sau khi đắp thuốc nam chữa ung thư vú. Được chẩn đoán bệnh 2 năm trước nhưng người phụ nữ 58 tuổi quyết định về nhà tự dùng thuốc. Bệnh không đỡ, khối u ngày càng to, biến dạng, sùi loét. 

Các bác sĩ đánh giá ung thư vú có cơ hội điều trị thành công cao. Tuy nhiên, bệnh nhân trên đã bỏ lỡ thời gian, chữa theo cách của mình khiến bệnh nặng. Hiện tại, bà không còn cơ hội khỏi, chỉ điều trị để kéo dài sự sống, giảm đau đớn. 

Đây không phải trường hợp hiếm hoi bệnh nhân ung thư đẩy mình vào tình trạng tuyệt vọng khi tin vào thuốc nam mà không có ý kiến của bác sĩ, người có chuyên môn. 

cap cuu.jpg

Người mắc bệnh nên kiên trì điều trị tại các cơ sở y tế có uy tín. Ảnh minh họa.

Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng từng tiếp nhận một trường hợp đau lòng do sử dụng thuốc nam chữa bệnh. Chị N.T.M (44 tuổi) vào viện trong tình trạng suy gan cấp, ung thư vú. Trước đó 2 tháng, người này được chẩn đoán mắc ung thư vú, bướu cổ. 

Nữ bệnh nhân mua thuốc nam dạng bột màu vàng pha uống, xuất hiện tình trạng vàng da tăng dần. Không chỉ vậy, cô còn mệt mỏi, ăn kém, kèm buồn nôn, nôn khan. 

Kết quả kiểm tra cho thấy men gan của chị M. tăng cao, khi nhập viện, tình trạng ngày càng nặng, phải đặt ống nội khí quản. Sau 1 thời gian điều trị, tình trạng bệnh nhân không cải thiện. Các bác sĩ khuyên gia đình đưa người bệnh về nhà. Theo người nhà, chị M. đã tử vong sau khi ra viện.

Thậm chí, có trường hợp lập tức gặp biến chứng sau khi sử dụng các loại cây được người khác mách bảo. Tháng 11 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) điều trị cho nữ bệnh nhân uống nước củ ráy để chữa ung thư tuyến giáp. Khi thuốc ngấm, người bệnh trở nên khó thở, đau và phù nề vùng miệng, họng, khó nuốt. 

Theo bác sĩ Hà Huy Mến - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực thận nhân tạo, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), củ ráy chứa chất gây ra tình trạng kích ứng, bỏng da, sưng khi tiếp xúc, đặc biệt là phần lưỡi, miệng, môi… Do được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã khỏi sau 3 ngày điều trị. 

Mặc dù có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của các phương pháp truyền miệng, không có cơ sở khoa học trong điều trị ung thư nhưng vẫn không ít người bệnh đặt niềm tin vào tác dụng thần kỳ của cách chữa này. Đặt sai niềm tin khiến bệnh nhân trở nặng hơn và đánh mất khả năng kiểm soát tình trạng sức khỏe. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Khoa Xạ trị - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: “Hiện nay, một số người bệnh khi sử dụng thuốc nam, thuốc bắc cảm thấy sức khỏe tốt lên là do tâm lý. Khi bệnh nhân có niềm tin, yên tâm chữa bệnh thì sức khỏe cũng sẽ được cải thiện. Mặt khác, trong một số loại thuốc Đông y có những vị thuốc chống viêm, giảm đau, tăng cường miễn dịch, bồi bổ khí huyết. Vì vậy, khi uống vào sức khỏe nền có thể tăng lên khiến người bệnh lầm tưởng là bệnh được chữa trị đúng cách nên đã bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất. Đến khi tình trạng tiến triển nặng, các loại thuốc 'dân gian' kể trên không có tác dụng thì ung thư đã bước vào giai đoạn muộn”.

Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 đặt ra mục tiêu: Tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản (sau đây gọi chung là bệnh không lây nhiễm) và các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác (sau đây gọi chung là rối loạn sức khỏe tâm thần) nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.