Quyết mở càng sớm càng tốt, không chờ đến 1/5
Rất nhiều ý kiến đề xuất, cần mở cửa đón khách quốc tế càng sớm càng tốt, không cần chờ đến 30/4-15. Theo chuyên gia dịch tễ học, chúng ta chỉ đóng cửa khi chờ vắc xin, còn đạt miễn dịch rồi thì đóng đến bao giờ.
Cứ chờ vắc xin, du dịch sẽ bị xóa sổ
Tại Hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế” chiều 24/1, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh: "Thật vô lý nếu chúng ta không mở du lịch hoàn toàn".
Ông lý giải, việc mở hay không mở cửa đón khách quốc tế thì tình hình dịch trong nước vẫn thế. Bản chất vấn đề phòng chống dịch là tiêm vắc xin và các biện pháp giãn cách cần thiết. Việc mở cửa đón khách quốc tế cũng không làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong nước. Điều đó minh chứng qua việc gần 9.000 khách đến Việt Nam hai tháng qua mà vẫn đảm bảo an toàn.
Chưa kể, ông Bình cho rằng, không mở cửa du lịch quốc tế là đi ngược lại chính sách của Chính phủ - mong muốn phục hồi kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc làm của hơn 2,5 triệu lao động, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, khiến Việt Nam tự đánh mất cơ hội. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã vượt ngưỡng chịu đựng.
Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11/2021 |
Dưới góc nhìn của một chuyên gia dịch tễ học, TS. Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock, quan điểm, Việt Nam có độ bao phủ vắc xin cao, không có lý do gì phải đóng cửa. Ngay cả với biển chủng mới Omicron, chúng ta dự báo số người lây nhiễm có thể lên tới 100.000, 400.000, song, thực tế hầu hết các ca mắc đều nhẹ.
Do đó, chuyên gia gợi ý ba giải pháp có thể áp dụng tại Việt, đó là: đảm bảo cho người dân được miễn dịch, tức là được tiêm vắc xin, nhất là với người có nguy cơ cao, bệnh nặng và tử vong; thế giới đã chuyển từ việc giãn cách xã hội từ rộng sang hẹp, giữa người với người; cần có phương án điều trị bệnh tốt, truyền thông hàng ngày, cho phép y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19 có thu phí.
“Các giải pháp này không ảnh hưởng đến việc mở hay đóng cửa du lịch. Chúng ta đang thích ứng an toàn, đóng cửa không làm giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tôi cho rằng, chúng ta chỉ chờ vắc xin phòng lây nhiễm chứ không thể đóng cửa mãi. Thời gian chờ vắc xin lại khá lâu, nếu cứ chờ thì du lịch sẽ bị xoá sổ", bà chia sẻ.
Tại hội thảo, trước các điều kiện thuận lợi, hầu hết các chuyên gia, DN đều đề xuất mở sớm du lịch quốc tế, không chờ đến 1/5.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đưa ra kiến nghị, ngoài việc miễn visa trở lại như năm 2019, nên công bố mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế từ ngày 1/2; đồng thời, không cách ly khi khách đến. Bộ Y tế cần có quy trình y tế thống nhất để xử lý du khách là F0 vào Việt Nam.
Đồng tình về mốc thời gian trên, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khẳng định việc mở cửa du lịch là vấn đề sống còn đối với nền kinh tế. Việc xét nghiệm PCR trong vòng 72 tiếng trước chỉ nên áp dụng trước khi lên máy bay, thay vì trước khi nhập cảnh vì không hợp lý.
Đại diện lãnh đạo các địa phương đã thí điểm đón khách quốc tế như Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Nam, hay hai trung tâm du lịch lớn của cả nước là Hà Nội và TP.HCM, cũng cho hay đã sẵn sàng đón khách quốc tế nếu mở cửa hoàn toàn.
Mở nhưng không nôn nóng
Ủng hộ việc mở cửa du lịch quốc tế từ đầu tháng 2/2022, nhưng đại diện Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn cho hay, chúng ta đã mở các chuyến bay quốc tế thường lệ với 10 thị trường, như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Lào, Campuchia... Riêng Trung Quốc vẫn từ chối do chính sách kiểm soát dịch bệnh trong nước.
Phú Quốc là điểm đến hấp dẫn nhiều khách quốc tế |
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là ngoài xét nghiệm âm tính PCR, trước và sau khi xuống tàu bay, khách quốc tế còn phải test nhanh. Việc xét nghiệm tại sân bay đã gây ra tình trạng tắc nghẽn, trong khi các nước không làm vậy. Nếu chúng ta vẫn giữ nguyên quy định, việc tổ chức bay sẽ rất vất vả, du khách sẽ thấy rắc rối.
Vì vậy, ông Sơn đề nghị nếu vẫn phải thực hiện test nhanh thì không nên tổ chức xét nghiệm ở sân bay, mà đưa về các điểm du lịch, cơ sở lưu trú đã có cam kết.
Hơn nữa, theo Đại tá Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an), Việt Nam đang duy trì miễn visa đơn phương đối với 13 nước, song phương với các nước chủ yếu trong khu vực ASEAN, cấp thị thực điện tử cho 78 nước. Cơ quan này đề xuất nên miễn visa cho toàn bộ du khách, nhưng cần cân nhắc khi cấp thị thực tự do.
Đại diện Bộ Công an lý giải, chương trình thí điểm đón khách quốc tế, hai tháng qua, trong 8.500 người đến Việt Nam, có tới 4.500 là người Việt Nam và thân nhân người Việt về nước. Vậy, chưa rõ nhu cầu thực tế của khách quốc tế muốn đến Việt Nam là bao nhiêu. Ông còn lo ngại, sẽ khó kiểm soát sự ra/vào, di chuyển của khách. Hiện khách đến Phú Quốc được miễn visa 30 ngày, nhưng là với bay charter.
Trên góc độ của ngành Ngoại giao, đại diện Bộ đề xuất cần có thống quy trình lên - xuống máy bay thống nhất, có thể đơn giản hóa bằng QR Code. Các chính sách mở cửa du lịch cần nhất quán từ TƯ đến địa phương để người nước ngoài đến Việt Nam du lịch nắm rõ và chuẩn bị.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá, du lịch Việt Nam có nhiều điểm mạnh để mở cửa toàn bộ, đó là sự sẵn sàng của các địa phường, sự quyết liệt và mong chờ của các DN lữ hành, lưu trú và vận chuyển; chúng ta đã “mở cửa bầu trời” trở lại với các đường bay quốc tế thường lệ; độ phủ vắc xin trên cả nước cao, tạo nên thế mạnh, cơ hội cho du lịch.
Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch quốc tế cần khắc phục những khó khăn trong việc khảo sát thị trường, sự thiếu nhất quán trong phòng chống dịch giữa các địa phương, nhiều DN du lịch đuối sức. Nhân lực du lịch chất lượng cao liệu có bảo đảm để đón và phục vụ khách.
Chúng ta vẫn đang tiến hành thí điểm đón khách quốc tế, địa phương nào được phép đón vẫn triển khai. Ông lưu ý không nên nôn nóng, vì thời gian qua tuy mở ra song cũng có địa phương chưa đón được khách.
Cuối cùng, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng cho phép mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế; công bố rộng rãi thời điểm mở cửa cụ thể và giao các bộ ngành hướng dẫn.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/mo-du-lich-quoc-te-cang-som-cang-tot-khong-cho-den-1-5-811434.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine