Ranh giới mong manh giữa tục bắt vợ và bắt giữ người trái pháp luật
Theo luật sư, từ những phân tích về bản chất của việc bắt giữ người trái pháp luật, đối chiếu với tục bắt vợ, dễ dàng nhận thấy có đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm.
Như Dân trí đã thông tin, ngày 8/2, mạng xã hội facebook xôn xao câu chuyện một bé gái H'Mông đang đi chơi Tết bị "bắt vợ" theo hủ tục của người vùng cao.
Cụ thể, khi lên bản vui chơi dịp Tết, một bé gái bất ngờ bị một nam thanh niên cố bắt về làm vợ. Đặc biệt, vụ việc xảy ra dưới sự chứng kiến của rất nhiều người nhưng không hề có sự can thiệp nào giúp đỡ bé gái này.
Rất may một chiến sĩ công an đã xuất hiện để "giải cứu" cho bé gái. Sau khi được cứu giúp, bé gái cho biết, bản thân cùng bạn bè lên bản thì tự nhiên có nam thanh niên chạy ra hành động như vậy. Đặc biệt, toàn bộ diễn biến vụ việc này đã được người dân ghi hình lại.
Câu chuyện bé gái H'Mông bị "bắt làm vợ" may mắn được chiến sĩ cảnh sát giải cứu đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).
Gửi bình luận về Dân trí, nhiều bạn đọc cho rằng đây là hành vi bắt người trái pháp luật. Còn có ý kiến nhận định, nhiều người lạm dụng hủ tục để xâm hại tình dục trái phép các bé gái. "Tuy không phải là sớm nhưng cũng không quá muộn để hủ tục bắt vợ của đồng bào vùng cao này cần được chính quyền sở tại đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền và xử điểm răn đe các vụ cố tình vi phạm", quan điểm của độc giả Dân trí.
Vậy bắt vợ là gì? Bắt vợ có phải là một tập quán không? Ranh giới giữa tục bắt vợ và bắt giữ người trái pháp luật như thế nào?
Bắt vợ là gì?
Tục bắt vợ hay còn được gọi là tục cướp vợ, kéo vợ. Theo đó, khi người con trai ưng một cô gái nào đó họ sẽ tìm cách bắt đem về.
Tục bắt vợ là một trong những nét đặc trưng trong hôn nhân của dân tộc H'Mông. Nó giúp cho những đôi trai gái yêu nhau có cơ hội tới được với nhau. Tuy nhiên đây cũng là một trong những nỗi lo lắng của nhiều cô gái khi lọt vào tầm ngắm của các trai bản.
Bắt vợ là một tập quán?
Tục bắt vợ được hình thành và phát triển cùng với xã hội loài người, trở thành tập quán và là một nét đặc trưng riêng biệt. Do đó, tập quán là một quy phạm xã hội được thể hiện qua các đặc điểm như:
Thứ nhất, tập quán không mang tính quyền lực nhà nước. Quá trình hình thành tập quán là sự phát triển của xã hội loài người, được hình thành trước khi quy phạm pháp luật xuất hiện và đương nhiên, không ít tập quán được con người sử dụng để trở thành quy phạm pháp luật.
Thứ hai, tập quán mang tính cộng đồng. Điều này là hiển nhiên khi mà tập quán được hình thành trong một cộng đồng thông qua quá trình sinh sống, được nhiều người công nhận và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nó tồn tại lâu bền cùng lối sống và tâm lý các thành viên trong cộng đồng đó.
Thứ ba, tập quán mang tính đa dạng. Sự đa dạng bắt nguồn từ cơ sở hình thành nên tập quán. Tại mỗi địa phương, mỗi cộng đồng người, mỗi hình thức sinh sống đều có những tập quán khác nhau được hình thành và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Thứ tư, tập quán mang tính linh hoạt. Tập quán được hình thành từ đời sống xã hội con người, áp dụng qua nhiều thế hệ và ăn sâu vào tiềm thức của người sống trong cộng đồng đó. Tuy nhiên, với công cụ điều hành quản lý trật tự xã hội, tập quán trực tiếp chịu ảnh hưởng của các điều kiện thực tiễn. Như vậy sẽ không ngừng biến đổi để thích nghi cùng với cộng đồng xã hội loàingười.
Trên các phương diện đó, tục bắt vợ là một tập quán được hình thành từ lâu đời, đi sâu vào đời sống của một số cộng đồng dân tộc. Và là nét đặc trưng không thể thiếu khi nhắc đến dân tộc đó hay tập quán đó.
Một cô gái trẻ gào khóc phản đối khi bị bắt về làm vợ khiến người xem ám ảnh (Ảnh: Thái Bá).
Ranh giới giữa tục bắt vợ và bắt giữ người trái pháp luật
Theo Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội thì tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, bắt, giữ người trái pháp luật là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật.
Mặt khách quan:
Bắt người trái pháp luật được thể hiện ở hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam họ. Việc khống chế này có thể dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác nhau như trói, còng tay…
Giữ người trái pháp luật: Được thể hiện ở hành vi không cho người bị bắt đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội trong một khoảng thời gian ngắn.
Hành vi này tương đối phổ biến, ngay cả tên gọi của hành vi trên đã chứng minh cho việc "bắt" và khống chế đối tượng nữ và dùng mọi biện pháp để đưa họ về nhà của người bắt. Như vậy, đương nhiên hậu quả của hành vi trên người phụ nữ bị bắt đem về ở tại nhà của người thực hiện hành vi và họ hoàn toàn chịu sự kiểm soát của người thực hiện hành vi bắt vợ đó.
Về khách thể: Quyền tự do thân thể của công dân được pháp luật bảo vệ. Cô gái khi bị một chàng trai bắt đem về làm vợ thông thường sẽ chịu sự ràng buộc từ gia đình nhà trai. Đối với họ chỉ nghĩ được là phong tục tập quán và việc bỏ trốn xuất hiện trong đầu họ nhưng không thể thực hiện. Đây là sự ràng buộc về mặt nhận thức về tục bắt vợ, khiến họ mất đi quyền tự do của chính bản thân mình.
Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Thông thường, ta hay bắt gặp vào các dịp lễ hội tại địa phương sinh sống của một số dân tộc sẽ rất dễ bắt gặp tục bắt vợ. Những nam nhân sẽ dùng mọi cách để đưa cô gái là đối tượng đã được chọn để đem về nhà mình làm vợ.
Về chủ thể: Bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự. So với tục bắt vợ, cộng đồng dân tộc sinh sống ở đây thường nhận định rõ ràng là một tập quán, nên đa phần là xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật. Chịu sự ràng buộc của quy định tập quán lưu truyền lại bao đời nay nên ngay đến bản thân họ khi thực hiện cũng chỉ là tuân theo phong tục tập quán của cha ông mà không nghĩ được rằng việc này là vi phạm pháp luật.
Luật sư Lực khẳng định, từ những phân tích trên, đối chiếu với tục bắt vợ này, dễ dàng nhận thấy nó có đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm bắt giữ người trái pháp luật. Và đương nhiên pháp luật đã quy định rõ những chế tài đối với loại tội phạm này.
Ngoài quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 còn nhận thấy được chế tài quy định tại Điều 55, Nghị định 157/2013/NĐ-CP:
"Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.
- Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác".
Tuy cùng là phong tục tập quán nhưng không phải mọi phong tục tập quán đều tốt, tiến bộ, nếu không muốn nói là có một số đã trở thành hủ tục, đi ngược lại với quyền con người, quyền nhân thân. Do đó, pháp luật đã quy định cụ thể về việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình cũng như những phong tục, tập quán bị cấm áp dụng và cần phải được xóa bỏ.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/ban-doc/ranh-gioi-mong-manh-giua-tuc-bat-vo-va-bat-giu-nguoi-trai-phap-luat-20220209153521790.htm
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá