Rào cản tư duy

Thứ bảy, ngày 8 tháng 4 năm 2023 | 9:43

Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) có sức hút mạnh mẽ, luôn là điểm đến hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách đến Phú Quốc, đặc biệt là khách nội địa, có chiều hướng giảm mạnh. Điều đó khiến Hiệp hội Du lịch Kiên Giang phải cầu cứu cơ quan quản lý địa phương.

Hiệp hội này khẳng định, nguyên nhân chính khách du lịch đến Phú Quốc giảm sút là do chi phí vé máy bay tăng cao. Trong khi, theo tính toán của Hiệp hội, hoạt động du lịch Phú Quốc phụ thuộc chủ yếu vào đường bay từ các địa phương khác đến, chiếm 80%. Vì vậy, khi chi phí vé máy bay tăng cao đã tạo ra một rào cản lớn đối với việc lựa chọn của du khách khi có nhu cầu đến Phú Quốc.

Cũng theo hiệp hội này, không riêng những đường bay đi và đến Phú Quốc, giá vé nhiều đường bay nội địa đến các địa phương khác cũng khá cao, thậm chí cao hơn các tuyến quốc tế đến một số quốc gia lân cận, và đó là điều hết sức bất hợp lý.

Còn nhớ, khi dịch bệnh bùng phát, ngành hàng không đã cầu cứu Chính phủ để không bị lao xuống vực thẳm. Song, khi vừa vượt qua cơn bạo bệnh, ngành hàng không đã vội đẩy giá vé lên cao ngất ngưởng, nhất là vào những khoảng thời gian cao điểm như lễ, Tết, nhằm mục đích tận thu, và điều đó đã vô tình đẩy hoạt động du lịch vào cảnh lao đao.

Chưa kịp gượng dậy và hồi phục sau đại dịch, hoạt động du lịch trong nước đã vấp phải không ít trở ngại lớn. Trong khi những rào cản cũ chưa kịp thời dỡ bỏ, như chính sách hạn chế thị thực đối với khách nước ngoài…, những rào cản mới đã kịp xuất hiện hoặc đang manh nha hình thành. Việc các hãng hàng không để cho giá vé “cất cánh”, hay chính quyền một số địa phương, như Hội An đang chuẩn bị thu vé khách du lịch… là những minh chứng.

Không chỉ ngăn trở bước chân du khách, những chính sách bất cập và thiển cận đó có thể giúp tăng nguồn thu cục bộ của ngành, của địa phương trong tương lai gần, nhưng sẽ góp phần dìm doanh thu của ngành du lịch xuống đáy trong tương lai không xa và hậu quả tất yếu là hủy hoại ngành du lịch. Điều đáng nói, hầu hết những cản ngại đó lại đến từ chính những cơ quan quản lý hoặc những chủ thể tham gia trong hoạt động du lịch, tức xuất phát từ nguyên nhân chủ quan.

Du lịch ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống và là một trụ cột của nền kinh tế. Phục hồi và phát triển du lịch sau những sóng gió của dịch bệnh là một mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng. Là quốc gia có nhiều tiềm năng du lịch, song ngành công nghiệp không khói này của Việt Nam hiện vẫn đang trong tình trạng đì đẹt vì thiếu tầm nhìn xa và chiến lược phát triển bài bản, hài hòa. Cùng với đó là thiếu sự chuyên nghiệp, thiếu liên kết, thiếu sản phẩm du lịch tương xứng và thiếu cả cách “chiều chuộng” du khách...

Đặc biệt là du lịch đang thiếu một "nhạc trưởng" đúng nghĩa nên dẫn đến tình trạng phát triển manh mún, phần nhiều mang tư duy ăn xổi; mạnh ai nấy làm… Vì vậy, kỳ vọng về sự bứt phá và phát triển bền vững của ngành du lịch là điều vô cùng khó khăn nếu những rào cản trong duy làm du lịch kiểu “giăng chiến lũy”, “đánh du kích” vẫn không được xóa bỏ.

Tienphong.vn

https://tienphong.vn/rao-can-tu-duy-post1524323.tpo