Rất nhiều thủ tục hành chính đang hành hạ nhân dân!

Thứ bảy, ngày 4 tháng 3 năm 2023 | 8:43

Hai tháng qua, ông Hoàng Chí Cường trú tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chạy đôn chạy đáo để nhập khẩu cho cháu gái mới sinh. Đối với người cháu trước, ông chỉ cần xuất trình sổ hộ khẩu giấy là được giải quyết nhanh gọn thì nay, cán bộ tư pháp yêu cầu ông phải trình sổ đỏ. Ngặt nỗi, gia đình sống trên đất nhà thờ họ nên giấy tờ đất không đứng tên ông. Không chỉ ông Cường, nhiều người dân tại một số tỉnh, thành phố đang “kêu cứu” vì bị các thủ tục hành chính... “hành hạ”.

Sở dĩ một số địa phương vẫn yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu giấy hoặc giấy xác nhận cư trú vì dữ liệu dân cư trên hệ thống chưa đủ, chưa liên thông, dẫn đến thiếu thông tin của công dân hoặc thông tin không khớp khiến người dân mệt mỏi vì thủ tục hành chính. Cho dù người dân cảm thông vì quá trình thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy vẫn cần vừa làm vừa hoàn thiện cho phù hợp với thực tế song vẫn có một bộ phận cán bộ, nhân viên làm thủ tục có thái độ thờ ơ, vô cảm, sách nhiễu khiến người dân bức xúc. 

Nhằm chấn chỉnh thực trạng trên, mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên theo thẩm quyền. 

Rất nhiều thủ tục hành chính đang hành hạ nhân dân!
Ảnh minh họa: TTXVN 

Trong bối cảnh xã hội đang bước vào kỷ nguyên số, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thay đổi tác phong, lề lối làm việc của cán bộ công vụ, giảm đáng kể chi phí và tăng năng suất lao động, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng Chính phủ số. Trong khi Chính phủ cùng các bộ, ngành đang quyết tâm đổi mới thì vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức không muốn từ bỏ thói quen làm việc bàn giấy, chưa chấm dứt tác phong quan liêu, phiền hà, sách nhiễu người dân. Hành vi này là trái với tinh thần của Đề án văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây 5 năm, đó là: "Cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan hành chính các cấp không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân".

Suy cho cùng, máy móc, công nghệ dù có hiện đại, thông minh đến đâu thì cũng không thể thay thế được vai trò của con người. Chỉ khi nào cán bộ, công chức, viên chức đặt mình trong vị thế, hoàn cảnh của người dân và đáp ứng yêu cầu hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của dân thì họ mới toàn tâm toàn ý hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người dân giải quyết các thủ tục hành chính thuận tiện, nhanh gọn, hiệu quả. Ngược lại, nếu vẫn còn mang nặng tư duy "bề trên", thái độ "ban ơn" trong giải quyết thủ tục hành chính thì họ không làm tròn nghĩa vụ "đầy tớ trung thành" và bổn phận "công bộc tận tụy" của dân. 

Mặt khác, nếu thực sự lấy dân làm gốc, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với khó khăn của người dân, những người làm thủ tục hành chính cho dân sẽ phải chủ động, tích cực học tập, từng bước tiếp cận và làm chủ kỹ năng, quy trình xử lý các thủ tục hành chính trực tuyến, qua đó góp phần giảm thiểu công sức đi lại, tiết kiệm chi phí cho người dân trong quá trình làm thủ tục hành chính. 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/