Rèn luyện, thử thách người đứng đầu để loại bỏ "căn bệnh" nể nang, né tránh
Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, cán bộ được lựa chọn vào vị trí người đứng đầu phải được rèn luyện, thử thách, có trí tuệ, bản lĩnh và trong sáng. Từ đó, sớm loại bỏ "căn bệnh" nể nang, né tránh của người đứng đầu trong giải quyết các sự vụ.
Nêu cao tinh thần “tự soi”, “tự sửa”
Mới đây (ngày 11/3/2022), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Chương trình hành động của Chính phủ nhấn mạnh đã nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện.
Cụ thể: 1- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 21-KL/TW và Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị; 2- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; 3- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; 4- Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách;
5- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; 6- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, trong Chương trình hành động nêu trên, Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong nội bộ, bảo đảm nghiêm túc, thẳng thắn, “tự soi”, “tự sửa”.
Cùng với đó, gắn kiểm điểm tự phê bình cá nhân với kiểm điểm tập thể, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân đối với khuyết điểm của tập thể; có biện pháp để phòng ngừa và tự giác khắc phục khuyết điểm, hạn chế; kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chạy theo thành tích.
Có thể nói, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, thể hiện sự quyết tâm, sức chiến đấu của Đảng. Bởi xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.
Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ngày 10/3/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần tự phê bình, phê bình cao, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị, có kết luận ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm đổi với từng đồng chí. Việc đó sẽ làm gương cho cấp dưới trong hệ thống chính trị.
Người đứng đầu của tổ chức phải được rèn luyện, thử thách
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thời gian qua theo nhận xét, đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ngày 10/3 vừa qua là hoàn toàn đúng, khách quan với những kết quả đã đạt được.
Ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị. “Tôi mong rằng, các bộ ngành trung ương, các cấp ở địa phương quán triệt, thực hiện thật nghiêm những nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ nêu ra để góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực”, ông Hùng nói.
Ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh, việc Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là rất cần thiết. Bởi hiện nay, các đối tượng tham nhũng dùng nhiều thủ đoạn. Cụ thể, thứ nhất là, dùng tiền bạc để “bịt miệng” những người có ý định đưa vụ việc ra pháp luật. Thứ hai là, các đối tượng ấy có những mối quan hệ “chống lưng”.
“Ngay thời gian gần đây là vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, một doanh nghiệp tư nhân mà thao túng được nhiều cơ quan, mua chuộc nhiều cán bộ. Trong lúc dịch bệnh mà như vậy là hành động không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ mà thấy buồn nhiều. Các cơ quan chức năng cần phải hành động quyết liệt đến cùng, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các tổ chức cá nhân có liên quan, sớm đưa vụ án ra xét xử theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, ông Hùng nói.
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương là rất quan trọng. Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, những người đứng đầu phải có trí tuệ, bản lĩnh và trong sáng. Nếu người nào không đủ tiêu chuẩn thì cần điều chuyển, lựa chọn người phù hợp lên thay thế vị trí đó. Chủ trương thay cán bộ cũng đã có từ lâu. Việc này phải làm hết sức khách quan, không được nể nang.
Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho biết, "căn bệnh" nể nang, né tránh là rất nguy hiểm và cần được sớm loại bỏ. Ví như cán bộ ở cấp phường xã nếu có cấp trên gọi xuống thì lại nể nang, né tránh không dám làm việc. Mặt khác, cán bộ ở những cấp này cũng còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, mặt dù họ rất trong sáng.
“Bệnh nể nang, né tránh là một loại trạng thái tâm lý, chưa kể việc dễ bị mua chuộc, bị bịt miệng về vật chất. Do đó phải làm công tác cán bộ một cách hết sức cơ bản, lâu dài. Đặc biệt, cán bộ được lựa chọn vào vị trí người đứng đầu của tổ chức phải được rèn luyện, thử thách. Tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn cán bộ đã có hết rồi, cần đối chiếu kỹ lại để lựa chọn phù hợp, chính xác, khách quan nhất”, ông Hùng nêu rõ.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/ren-luyen-thu-thach-nguoi-dung-dau-de-loai-bo-can-benh-ne-nang-ne-tranh-post185318.html
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở