Rút tiền bằng căn cước công dân: Tiện lợi nhưng có đảm bảo an toàn?
Chỉ cần thẻ căn cước công dân gắn chip với một số thao tác đơn giản, người dân có thể rút hoặc chuyển tiền tại các cây ATM mà không cần tới thẻ ngân hàng. Rất tiện lợi, nhưng liệu có đảm bảo an toàn, nhất là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân?
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức kí, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Thực hiện đề án này, gần đây Bộ Công an đã cùng một số ngân hàng thực hiện thí điểm tích hợp thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ ATM. Cụ thể, từ ngày 9/5/2022, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an phối hợp cùng với ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng đầu tiên triển khai thí điểm tại Hà Nội.
Bà Phan Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm thẻ ngân hàng BIDV cho biết: “Thực hiện đề án, BIDV đã tổ chức nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Bộ Công an đã xây dựng và triển khai giải pháp ứng dụng xác thực bằng CCCD chip trong một số kênh giao dịch của ngân hàng.
Trên cơ sở giải pháp xác thực sinh trắc học được tích hợp trong CCCD chip của Bộ Công an cung cấp, BIDV đã nghiên cứu và là Ngân hàng đầu tiên triển khai thành công ứng dụng xác thực CCCD chip trong giao dịch ngân hàng. Từ ngày 09/05/2022, các khách hàng của BIDV có thể dùng CCCD chip để chủ động nộp tiền, rút tiền và chuyển khoản bằng CCCD chip tại một số kênh ATM đa năng (CRM) và (Ezone) tại một số điểm triển khai thí điểm của BIDV” .
Bà Phan Thị Thanh Nhàn (bên trái) tại phòng thu của VOV2
Như vậy, người dân đã có thêm một hình thức mới nữa mà không cần tới thẻ ngân hàng hay mã QR trên ứng dụng ngân hàng số. Để thực hiện giao dịch này khách hàng cần có thẻ CCCD gắn chip cộng với có tài khoản và phát hành ghi nợ nội địa (hay còn gọi là thẻ ATM) tại BIDV. Cũng theo bà Phan Thị Thanh Nhàn, thực hiện đề án này mang lại rất nhiều ý nghĩa và lợi ích.
Về phía khách hàng, việc xác thực và đối chiếu thông tin qua CCCD gắn chip giúp cho giao dịch của khách hàng được thực hiện đơn giản, thuận tiện, an toàn và nhanh chóng. Khách hàng có thể chủ động nộp tiền, gửi tiền trên máy giao dịch tự động.
“Lợi ích thứ nhất là gia tăng được khả năng thực hiện giao dịch cho khách hàng. Bên cạnh việc thực hiện giao dịch bằng thẻ Ngân hàng, khách hàng có thể dùng CCCD chip (là thứ luôn mang theo người) để thực hiện giao dịch nộp tiền, rút tiền tại các máy giao dịch tự động chấp nhận CCCD gắn chip của ngân hàng. Lợi ích thứ hai là rất nhanh chóng và thuận tiện, giảm các thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm thời gian giao dịch cho khách hàng và cả ngân hàng. Và đặc biệt là không phát sinh chi phí cho khách hàng so với giao dịch bằng thẻ ATM” – bà Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Mang lại rất nhiều lợi ích, giảm các thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm thời gian giao dịch…Tuy nhiên, hình thức rút tiền này còn khá mới mẻ, người dân không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng liệu có an toàn không, nhất là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân?
Giải đáp những thắc mắc này, bà Thanh Nhàn giải thích: “Khi phối hợp với Bộ công an phát triển dịch vụ chấp nhận CCCD gắn chip, BIDV luôn hướng gia tăng lợi ích và tiện lợi cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an toàn bảo mật cho người dân là yếu tố quan trong nhất.
Trải nghiệm rút tiền bằng thẻ CCCD chip tại ngân hàng BIDV - Ảnh do BIDV cung cấp
Thứ nhất, về yếu tố bảo mật thông tin của khách hàng, toàn bộ quá trình nhận diện và xác thực của khách hàng đều do giải pháp công nghệ của Bộ Công an cung cấp. Ngân hàng chỉ tiếp nhận kết quả xác thực CCCD gắn chip từ giải pháp này mà không lưu bất kỳ một thông tin cá nhân nào của khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch nên không thể xảy ra sự cố lộ lọt thông tin khách hàng. Thứ hai, đối với giao dịch bằng CCCD gắn chip vấn phải đảm bảo các yếu tố:
- Thẻ CCCD gắn chip.
- Xác thực khớp sinh trắc học khuôn mặt/vân tay với dữ liệu được liệu được lưu CCCD gắn chip;
- Xác thực PIN của thẻ mà khách hàng đã chọn.
Như vậy, trong trường hợp mất hay thất lạc thẻ CCCD gắn chip, người nhặt được cũng không có khả năng sử dụng CCCD gắn chip để thực hiện rút tiền.”
Trả lời báo chí, Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Bộ Công an cũng đã khẳng định: “Trước đây nếu mất thẻ ATM hoặc lộ password thì người khác có thể sử dụng thẻ ATM để rút tiền. Tuy nhiên với phương thức mới này, tích hợp với CCCD gắn chip với quy trình xác thực khuôn mặt và vân tay thì việc người khác rút tiền là không thể, nên chúng ta có thể yên tâm khi mất thẻ CCCD cũng không thể bị mất tiền được”.
Tích hợp thẻ CCCD và thẻ ATM mang lại nhiều tiện ích
Tiện lợi, an toàn cho cả khách hàng và ngân hàng. Tuy nhiên, để thực hiện được quy trình này cần đảm bảo hạ tầng kỹ thuật máy móc cùng giải pháp công nghệ. Thêm vào đó, hiện nay, chúng ta đã có những quy định về mở tài khoản ngân hàng, về quản lý và sử dụng thẻ căn cước công dân.
Tuy nhiên, quản lý dữ liệu và sử dụng CCCD thuộc phạm vi quản lý hành chính, còn giao dịch ngân hàng thuộc về giao dịch dân sự, nên nhiều ý kiến cho rằng việc tích hợp thẻ CCCD và thẻ ngân hàng để thực hiện có hiệu quả cần thêm những căn cứ pháp lý.
Tới đây, rất nhiều tiện ích sẽ được tích hợp trong thẻ căn cước công dân gắn chip với kỳ vọng sẽ từng bước thay thế, tích hợp các loại giấy tờ cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn giao dịch và bảo mật thông tin cá nhân. Các điều kiện về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật chúng ta đã và đang hoàn thiện.
Điều quan trọng không kém nữa chính là hành lang pháp lý. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ và hành lang pháp lý được ví như đôi hài vạn dặm. Có đủ cả 2 chiếc hài ấy việc tích hợp quản lý dữ liệu dân cư nói chung và tích hợp thẻ căn cước công dân gắn chip với thẻ ATM nói riêng mới có thể vững bước trên hành trình chuyển đổi số quốc gia./.
Nguồn https://vov.vn/phap-luat/rut-tien-bang-can-cuoc-cong-dan-tien-loi-nhung-co-dam-bao-an-toan-post946712.vov
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam